Lao động di cư: Nghèo từ làng ra phố

Minh Nguyệt Thứ hai, ngày 14/12/2015 06:51 AM (GMT+7)
Nghèo đói đeo đẳng nhiều năm, nhiều lao động phải bỏ quê, rời nhà ra thành thị kiếm sống. Thu nhập có thể tăng nhưng cuộc sống của họ không chắc đã tốt hơn mà còn gặp nhiều rủi ro, tai nạn. Cái nghèo vẫn đeo đẳng.
Bình luận 0

Nhà trọ tối tăm

Sau nhiều ngày lặn lội tìm hiểu cuộc sống của lao động di cư tự do tại xóm cầu Chương Dương (Hoàn Kiếm, Hà Nội) tôi phần nào hiểu được, vì sao họ mãi vẫn không thể thoát nghèo. Xung quanh điện sáng choang, nhưng góc nhỏ nơi xóm trọ này tối mịt, chỉ le lói vài ngọn nến. “Trời lạnh đốt nến cho ấm, lại tiết kiệm điện” – bà Nguyễn Thị Hoa (quê Nam Định) chia sẻ.

img

Bà Nguyễn Thị Hoa (Nam Định) bên mâm cơm chỉ có cá khô kho. Ảnh: Minh Nguyệt

Bà Hoa đã ở trọ tại phường Chương Dương được 10 năm. Một ngày làm việc của bà Hoa thường bắt đầu từ 4 giờ sáng để nhập trứng. Sau đó, ăn vội bát cơm nguội hoặc cái bánh mì rồi tất bật gồng gánh mang trứng gà, trứng vịt đi bán.

Bà Hoa cho biết, gia đình bà rất khó khăn, chồng ốm yếu, mẹ chồng già cả, hai cô con gái đều đi học cao đẳng, đại học. Một mình bà là lao động chính lo cho cả gia đình. “Ngày mưa cũng như ngày nắng, tôi đi bán trứng, thu nhập chỉ 3-4 triệu đồng/tháng, nhưng tính ra còn cao gấp chục lần so với làm ruộng ở quê” - bà Hoa tâm sự.

Ngôi nhà rộng chưa đầy 20m2 là chỗ ở của 5 người, 4 người bán hàng rong và một em sinh viên là con của một chị trong phòng. Gọi là nhà, nhưng thực chỉ là căn phòng tuềnh toàng, cũ kỹ. Căn phòng kê hai chiếc phản dài, trải hai chiếc chiếu đã thâm sì, sờn rách cùng với mấy tấm chăn mỏng. Buổi tối cả 5 người “quây quần” trên hai chiếc phản này. Đồ vật trong phòng chẳng có gì giá trị ngoài chiếc tivi Sony cũ đã hỏng. Còn lại là ngổn ngang trăm thứ phục vụ sinh hoạt: Nồi niêu, xoong chảo, quần áo, xe hàng… Cạnh đó là nhà tắm, nhà vệ sinh cáu bẩn, ẩm thấp. 

“Ở đây cái gì cũng đắt, tiền nhà hơn 2 triệu đồng/phòng, tiền điện 4.500 đồng/số, tiền nước 50.000 đồng/người/tháng. Nhưng hầu hết nhà trọ cho người lao động đều không có nước sạch, mà dùng máy bơm, bơm nước từ giếng khoan lên, còn tiền điện thì phải trả giá đắt gấp đôi, thậm chí gấp 3 so với người dân ở đây” – bà Hoa nói.

 Cũng chính bởi giá cả sinh hoạt đắt đỏ nên bà Hoa và mấy chị cùng phòng không dám bật điện. Mùa hè, trời nóng nhưng cứ bật quạt 2-3 tiếng là phải tắt, mùa đông thì đốt lò than đun nước nóng tắm, chứ không dám dùng ấm điện.

“So với cuộc sống ở quê, có đèn điện, có nước sạch, có không khí trong lành thì cuộc sống ở đây của chị em tôi còn nghèo khó, bần cùng hơn. Thu nhập cao hơn ở quê nhưng nếu không tiết kiệm thì một cắc cũng không còn. Khổ sở nhưng ai cũng phải bám trụ lại thành phố để kiếm ít tiền về hỗ trợ gia đình ở quê” - chị Nguyễn Thị Lam (Nam Định), ở gần phòng trọ của bà Hoa tâm sự. 

7 giờ tối, thế nhưng những người ở trọ cùng bà Hoa vẫn chưa thấy ai về. Có một mình nên bà chỉ đun lại nồi cá khô kho, cắm lại nồi cơm nguội từ trưa. Thấy khách có vẻ ngạc nhiên về bữa cơm tối, bà Hoa ái ngại giải thích: “Thực ra đi làm về mệt nên chúng tôi cũng không ăn uống được gì nhiều. Bữa nào có thời gian thì tăng gia thêm món đậu rán”.

“Lọt lưới” an sinh

Ở một nơi khác, tại xóm ổ chuột thuộc phường Phúc Tân (Hoàn Kiếm, Hà Nội), chị Nguyễn Thị Thắm (quê Nam Định) cũng đang tất bật chuẩn bị bữa cơm tối. Chị Thắm tâm sự: “Mẹ chồng tôi bị liệt, chồng thì bị câm bẩm sinh cùng hai con nhỏ. Nhà chỉ có 3 sào ruộng, không có nghề phụ nên kinh tế rất khó khăn”. Cũng chính bởi hoàn cảnh éo le đó nên chị Thắm phải rời gia đình lên Hà Nội làm việc. Một ngày chị phải làm từ 12-14 tiếng, lúc về lại nhốt mình trong căn phòng hơn chục mét vuông.

Cũng như các lao động khác, chị Thắm bị lọt “lưới” an sinh. Chị không được tiếp cận với các dịch vụ an sinh xã hội cơ bản như: Y tế, giáo dục, nước sạch… Mặc dù chị có bảo hiểm y tế (BHYT) dành cho người nghèo nhưng cả năm chị chưa dùng lần nào.  

Lao động Nguyễn Thị Vân (Thái Bình) làm nghề bán hàng rong cho hay: “Ngoài vấn đề nhà ở, tôi cũng quan tâm tới vấn đề mua BHYT và bảo hiểm xã hội (BHXH). Tuy nhiên, BHYT thì mua ở quê mà khám trên thành phố (nơi làm) nên không được thanh toán, còn BHXH thì chưa phù hợp”.

Điều chưa phù hợp mà bà Vân nói chính là, nếu tham gia BHXH tự nguyện, lao động di cư chỉ được hưởng hai chế độ là bảo hiểm hưu trí và bảo hiểm tử tuất. Trong khi BHXH bắt buộc dành cho nhóm có quan hệ lao động tham gia, thì có tới 5 chế độ. Cụ thể là: Bảo hiểm thai sản, tai nạn lao động, tử tuất, hưu trí, thất nghiệp.

“Mình đi bán hàng rong rất dễ xảy ra tai nạn, thương tích. Cũng có chị em mang thai, phải nghỉ sinh, vậy mà BHXH dành cho nhóm lao động di cư lại không có” - bà Vân phàn nàn. 

Bà Phạm Hồng Hạnh - Chủ tịch Hội Phụ nữ phường Chương Dương (quận Hoàn Kiếm) cho biết: Cũng như bà Vân, đa phần các lao động tự do từ vùng khác chuyển đến đây đều có thu nhập trung bình khá, nhưng không ổn định, dao động từ 3-6 triệu đồng/người/tháng. “Mặc dù thu nhập cao hơn nhiều lần so chuẩn nghèo thu nhập (nhà nước quy định là 700.000 đến dưới 1.000.000 đồng người/tháng) nhưng đa phần đều không được tiếp cận với các dịch vụ an sinh chính như: Bảo hiểm, giáo dục, y tế, nước sạch, thông tin, nhà ở đảm bảo… Khoản tiền kiếm được chủ yếu dùng để chi phí cho tiền nhà, tiền gửi về quê. Chỉ một số ít được dùng vào chăm sóc sức khỏe và ăn uống”. 

Bà Nguyễn Thị Lan Hương - Viện trưởng Viện Khoa học lao động và xã hội:

Lao động di cư có những đóng góp đáng kể vào sự phát triển của các đô thị, đặc biệt tại các thành phố lớn. Riêng khu vực phi chính thức, đóng góp tới 20% cho tổng GDP (ILO, năm 2012) thế nhưng có tới 90% lao động di cư không được tiếp cận với các dịch vụ an sinh xã hội và các chính sách công tại nơi đến. Vì vậy, khả năng vướng “bẫy” nghèo đa chiều ở nhóm này rất cao. Đây là một bất công lớn, cần sớm có biện pháp tháo gỡ.

Bà Nguyễn Thu Giang - Viện phó Viện Phát triển cộng đồng ánh sáng:

Hầu hết lao động di cư chưa được tiếp cận với các dịch vụ an sinh xã hội. Nhiều nhất phải kể tới những khó khăn khi tiếp cận BHYT, BHXH, giáo dục, nhà ở, nước sạch…Nguyên nhân là do hệ thống chính sách của Việt Nam chưa đồng bộ, thủ tục rườm rà, phức tạp. Chính vì vậy, họ là những đối tượng yếu thế cần được trợ giúp kịp thời.

Nguyệt Tạ 

(Còn tiếp)

Mời các bạn đồng hành cùng báo Dân Việt trên mạng xã hội Facebook để nhanh chóng cập nhật những tin tức mới và chính xác nhất.
Tin cùng chuyên mục
Xem theo ngày Xem