Lắp điện mặt trời mái nhà bán cho EVN, bao nhiêu năm thu hồi được vốn?
Tại cuộc họp mới đây giữa lãnh đạo Chính phủ với Bộ Công Thương, Tập đoàn EVN về chính sách đối với điện mặt trời mái nhà tự sản, tự tiêu có đấu nối lưới điện quốc gia.
Theo Tổng giám đốc Tập đoàn Điện lực Việt Nam (EVN) Nguyễn Anh Tuấn cho biết toàn bộ miền Bắc hiện có khoảng 700MW điện mặt trời mái nhà, trong khi năng lực hệ thống có thể tiếp nhận khoảng 7.000MW.
Ông Đỗ Văn Năm, thành viên hội đồng thành viên Tổng công ty Điện lực miền Bắc, tính toán với dự thảo, người dân sẽ tiết kiệm được khi sử dụng điện vào giờ cao điểm.
"Việc bán điện dư vào hệ thống với mức giá như trên thì sau khoảng 5-6 năm, hộ gia đình có thể thu hồi vốn đầu tư, trong khi thời hạn sử dụng của một tấm pin mặt trời hiện nay khoảng 12-15 năm", ông Năm cho hay.
Tại cuộc họp, nhiều chuyên gia ngành điện cho rằng, hiện nay điện mặt trời mái nhà phân bố chưa đồng đều giữa các vùng, địa phương cả nước, trong đó chủ yếu phát triển mạnh ở phía Nam, niềm Trung, nơi có bức xạ nhiệt lớn, nắng quanh năm, hiệu quả tài chính/ suất đầu tư cao.
Trong khi đó, tại miền Bắc, điện mặt trời được xây dựng ít, do đặc điểm khí hậu bốn mùa, hiệu quả kinh tế/suất đầu tư không cao do nhiều mùa trong năm như mùa xuân, Thu - Đông có nắng nóng thấp, cường độ bức xạ nhiệt có hiệu quả chủ yếu vào mùa hè, cao điểm từ 10 giờ đến 15 giờ chiều.
Phó Thủ tướng Chính phủ Trần Hồng Hà cho rằng, cần rút gọn, đơn giản các thủ tục đăng ký phát triển, quá trình thực hiện đầu tư, xây dựng, nghiệm thu điện mặt trời mái nhà tự sản, tự tiêu. Bộ Công Thương cho biết, các hộ gia đình, nhà ở riêng lẻ chỉ cần cung cấp bản vẽ thiết kế lắp đặt, bản sao giấy phép công trình xây dựng công trình hiện hữu (nếu có) theo quy định của pháp luật khi đăng ký làm thủ tục.
Các đối tượng còn lại (nhà xưởng, khu công nghiệp, công sở…) cung chỉ cần cung cấp bản vẽ thiết kế lắp đặt điện mặt trời, bản sao chủ trương đầu tư, giấy phép xây dựng, nghiệm thu phòng cháy, chữa cháy, kết quả nghiệm thu công trình xây dựng hiện hữu…
UBND cấp tỉnh chịu trách nhiệm xây dựng và ban hành quy trình rút gọn việc thực hiện theo trình tự, thủ tục của pháp luật để bảo đảm thuận tiện, tạo điều kiện thuận lợi cho tổ chức, cá nhân khi thực hiện đăng ký phát triển, đầu tư xây dựng, lắp đặt điện mặt trời mái nhà tự sản, tự tiêu; phân cấp quản lý nhà nước cho các cơ quan cấp dưới để hướng dẫn tổ chức, cá nhân thực hiện phát triển, đầu tư xây dựng, lắp đặt, nghiệm thu, vận hành theo quy định của pháp luật về đầu tư, xây dựng, phòng cháy và chữa cháy, môi trường, điện lực.
Đối với điện mặt trời mái nhà tự sản tự tiêu phía Bắc, theo quan điểm của lãnh đạo Chính phủ, các chuyên gia cần đưa tỷ lệ mua điện từ 20% công suất để khuyến khích đầu tư và mua điện. Bên cạnh đó, giảm chi phí, hỗ trợ chi phí đối với doanh nghiệp mua pin lưu trữ điện nhằm tự chủ nguồn điện khi không thể phát điện nối lưới lên EVN.
Liên quan đến suất đầu tư của người dân, doanh nghiệp, số tiền bỏ ra đầu tư hệ thống điện mặt trời mái nhà là rất lớn, bình quân từ 40 triệu đồng/ công trình, thậm chí hàng trăm triệu đồng; trong khi đó đối với các dự án của doanh nghiệp thì quy mô có thể lên đến hàng tỷ đến chục tỷ đồng.
Với suất đầu tư lớn, trong điều kiện khai thác không đạt hiệu quả, việc xã hội hóa nguồn điện mặt trời mái nhà sẽ trở nên khó khăn, tác động lớn đến Quy hoạch điện VIII cũng như chiến lược xanh hóa ngành điện của Việt Nam. Chinh vì vậy, nhiều chuyên gia đề nghị cần có thêm nhiều chính sách khuyến khích người dân phát triển điện mặt trời mái nhà, trong đó có chính sách bán điện, giá mua điện và chính sách hỗ trợ lưu trữ điện sạch.