Liên quan môn Lịch sử, Thủ tướng có yêu cầu với Bộ trưởng Bộ GD-ĐT

PVCT Thứ năm, ngày 02/06/2022 15:53 PM (GMT+7)
Về môn Lịch sử trong Chương trình giáo dục phổ thông 2018, Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính yêu cầu Bộ GD-ĐT khẩn trương tổ chức Hội thảo với các cơ quan, đơn vị liên quan, các chuyên gia, các nhà khoa học để thảo luận kỹ lưỡng, đánh giá toàn diện để đề xuất phương án phù hợp.
Bình luận 0

Xét Báo cáo của Bộ Giáo dục và Đào tạo về môn Lịch sử trong Chương trình giáo dục phổ thông 2018, Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính đề nghị Bộ trưởng Bộ Giáo dục và Đào tạo tiếp tục lắng nghe ý kiến của cử tri, Đại biểu Quốc hội liên quan đến Chương trình giáo dục môn Lịch sử cấp trung học phổ thông.

Liên quan môn Lịch sử, Thủ tướng có yêu cầu với Bộ trưởng Bộ GD-ĐT  - Ảnh 1.

Thủ tướng Phạm Minh Chính yêu cầu Bộ GD-ĐT đánh giá kỹ lưỡng, toàn diện để đề xuất phương án với môn Lịch sử. Ảnh VGP

Bên cạnh đó, khẩn trương tổ chức Hội thảo với các cơ quan, đơn vị liên quan, các chuyên gia, các nhà khoa học để thảo luận kỹ lưỡng, đánh giá toàn diện để đề xuất phương án phù hợp, báo cáo Phó Thủ tướng Vũ Đức Đam; làm tốt hơn công tác truyền thông để xã hội được cập nhật đầy đủ hơn đối với chủ trương của Đảng, pháp luật của Nhà nước trong công tác giáo dục lịch sử cho học sinh.

Hôm qua (1/6), tại phiên thảo luận của Quốc hội về tình hình kinh tế-xã hội, ĐBQH Nguyễn Thị Quyên Thanh (Vĩnh Long) cho biết: Cử tri cả nước và đại biểu quan tâm là môn Lịch sử phải là môn học bắt buộc ở cấp trung học phổ thông trong chương trình giáo dục phổ thông mới.

Với nhiều ý kiến phân tích và nhìn nhận từ nhiều góc độ đã khẳng định tầm quan trọng của môn học Lịch sử. Lịch sử là quá khứ, là nơi chứa đựng giá trị văn hóa, kho tàng tri thức tinh hoa văn hóa nhân loại, là những bài học kinh nghiệm phong phú, là sự thật khách quan về cuộc sống trong suốt quá trình tồn tại, xây dựng và bảo vệ Tổ quốc và phát triển.

Liên quan môn Lịch sử, Thủ tướng có yêu cầu với Bộ trưởng Bộ GD-ĐT  - Ảnh 2.

ĐBQH Nguyễn Thị Quyên Thanh: Học lịch sử sẽ giúp học sinh hiểu biết về nguồn cội. Ảnh QH

Có lịch sử mới có tương lai. Học lịch sử sẽ giúp học sinh hiểu biết về nguồn cội để biết ơn tổ tiên, hiểu về đức tính chịu thương, chịu khó, tinh thần đoàn kết, anh dũng, sáng tạo và thông minh của biết bao thế hệ trong đấu tranh bảo vệ non sông, bờ cõi để trân trọng giá trị cuộc sống và nuôi dưỡng niềm tin giúp học sinh có kiến thức về tinh hoa của văn hóa nhân loại để học hỏi, giao lưu và hội nhập.

Ngành giáo dục - đào tạo đã có nhiều nỗ lực, quyết tâm trong đổi mới phương pháp dạy và học Lịch sử. Đã có nhiều mô hình và cách dạy Lịch sử rất hay và sinh động, tuy nhiên vẫn chưa đáp ứng kỳ vọng của nhân dân.

Nữ ĐBQH này đề nghị Bộ Giáo dục và Đào tạo cần quyết liệt hơn nữa trong đổi mới phương pháp dạy và học Lịch sử sao cho hấp dẫn học sinh. Chú trọng hơn việc dạy học sinh kỹ năng tìm hiểu, phân tích các thông tin về lịch sử thay cho phương pháp học vẫn còn khá nặng hiện nay là học sinh phải cố học thuộc để nhớ, dẫn dắt học sinh tìm đến môn học Lịch sử bằng sự chủ động, biến những bài học lịch sử thành những câu chuyện sinh động, dễ nhớ và nhớ lâu, khơi gợi và hình thành ở các em sự yêu thích đối với môn học Lịch sử...


Mời các bạn đồng hành cùng báo Dân Việt trên mạng xã hội Facebook để nhanh chóng cập nhật những tin tức mới và chính xác nhất.
Tin cùng chuyên mục
Xem theo ngày Xem