Liên tục mất tiền tỷ vì hợp đồng mua bán căn hộ giả mạo “qua mặt” công chứng viên?

Trần Kháng Thứ ba, ngày 09/10/2018 06:45 AM (GMT+7)
Mặc dù đã “cẩn thận” thực hiện sang nhượng Hợp đồng mua bán căn hộ với giá trị hàng tỷ đồng tại Văn phòng công chứng Vạn Xuân (Ba Đình, Hà Nội) nhưng bên mua vẫn “ngã ngửa” khi phát hiện các tài liệu liên quan của bên bán đều giả mạo.
Bình luận 0

Gần đây Báo Dân Việt nhận được phản ánh của ông Nguyễn Cảnh Phương (trú tại quận Đống Đa, Hà Nội), nạn nhân trong vụ án “lừa đảo chiếm đoạt tài sản” về việc yêu cầu Văn phòng công chứng Vạn Xuân (địa chỉ số 48, phố Giang Văn Minh, phường Đội Cấn, quận Ba Đình) bồi thường thiệt hại. 

Công chứng tài liệu giả mạo

Theo ông Phương, ngày 16.3.2017, ông đã làm đầy đủ thủ tục chuyển nhượng căn hộ số 2037 (dự án Trung tâm thương mại – dịch vụ công cộng và nhà ở tại KĐT Trung Hòa Nhân Chính, phường Nhân Chính – Thanh Xuân, Hà Nội) với bà Nguyễn Thị Hiền Đức. Số công chứng Hợp đồng chuyển nhượng căn hộ số: 01141.17 ngày 16.3.2017 tại Văn Phòng công chứng Vạn Xuân.

Giá trị chuyển nhượng căn hộ giữa ông Phương và bà Nguyễn Thị Hiền Đức trên là 4 tỷ đồng. Người thực hiện là công chứng viên Nguyễn Văn Tuấn. 

Tuy nhiên, theo ông Phương, sau khoảng hơn 20 ngày ký Văn bản chuyển nhượng Hợp đồng mua bán căn hộ, ông đã tới gặp chủ đầu tư để xin phép sửa chữa căn hộ thì được biết căn hộ trên không phải của bà Nguyễn Thị Hiền Đức. 

“Tôi đã trình báo và tố cáo bà Nguyễn Thị Hiền Đức với cơ quan Cảnh sát điều tra Công an quận Ba Đình và được biết toàn bộ hồ sơ Hợp đồng mua bán căn hộ và giấy tờ liên quan của Nguyễn Thị Hiền Đức với chủ đầu tư là giả mạo. Căn hộ số 2037 là của bà D.T.P. (SN 1980), đang được thế chấp tại Ngân hàng TMCP Quân đội, chi nhánh Điện Biên Phủ”, ông Phương chia sẻ.

Ngày 6.6.2017, Phòng kỹ thuật hình sự (Công an TP Hà Nội) đã có kết luận giám định nêu: “Qua quan hệ xã hội, anh Nguyễn Cảnh Phương quen biết anh Nguyễn Quang Huy (SN 1983, HKTT: phường Điện Biên, quận Ba Đình, Hà Nội). Biết anh Phương đang có nhu cầu mua nhà, Huy đã làm giả toàn bộ giấy tờ liên quan đến căn hộ 2307 và thuê bà Nguyễn Thị Hiền Đức làm chủ căn hộ, ký Hợp đồng mua bán với anh Phương với giá 4 tỷ đồng. 

img

Ảnh minh họa. 

Ngày 14.8.2017, Cơ quan cảnh sát điều tra cũng đồng loạt ban hành Quyết định “Khởi tố vụ án hình sự” và “Khởi tố bị can” đối với Nguyễn Quang Huy về hành vi “lừa đảo chiếm đoạt tài sản”.

Tương tự như trường hợp của ông Phương, ông Nguyễn Bảo Quang (trú tại Hoàn Kiến, Hà Nội) cũng là nạn nhân trong vụ việc “lừa đảo chiếm đoạt tài sản” trên.

Theo nội dung đơn yêu cầu bồi thường của ông Quang cho biết, ngày 11.4.2018, Công an quận Bắc Từ Liêm đã thông báo ông Nguyễn Quang Huy đang bị bắt giữ về hành vi lừa đảo chiếm đoạt tài sản và giả mạo con dấu giấy tờ.

“Ngày 25.10.2016 tôi và ông Nguyễn Quang Huy có đến Văn phòng công chứng Vạn Xuân làm toàn bộ thủ tục chuyển nhượng Hợp đồng mua bán căn hộ số 804 Tòa nhà hỗn hợp văn phòng cho thuê và nhà ở (số 1 phố Ngụy Như Con Tum, quận Thanh Xuân). Số Hợp đồng công chứng tại Văn phòng công chứng Vạn Xuân là 04383216 do công chứng viên Trần Văn Dùng thực hiện, giá trị hợp đồng chuyển nhượng này là 1,5 tỷ đồng”, ông Quang nêu.

Văn phòng công chứng đã làm hết trách nhiệm?

Theo phản ánh của ông Phương, ông đã nhiều lần tới Văn phòng công chứng Vạn Xuân yêu cầu bồi thường toàn bộ số tiền thiệt hại vì văn phòng này đã công chứng toàn bộ “hồ sơ căn hộ giả mạo” và không tra cứu, kiểm tra “UCHI” - Phần mềm quản lý hợp đồng công chứng và dữ liệu ngăn chặn – PV) giao dịch của địa chỉ tài sản trên.

"Trưởng Văn phòng công chứng Vạn Xuân cho rằng lỗi do rủi ro nghề nghiệp của công chứng viên và văn phòng đã mua bảo hiểu PVI Hà Nội nên sẽ đền bù cho khách hàng. Thế nhưng, đến nay tôi vẫn chưa nhận được số tiền bồi thường nào từ đơn vị bảo hiểm như ông Dũng nói”, ông Phương chia sẻ.

Về việc giải quyết khiếu nại của cả ông Phương và ông Quang, tháng 7.2017, Công ty Bảo hiểm PVI đã có công văn số 328 đề nghị Văn phòng công chứng Vạn Xuân cung cấp hồ sơ liên quan.

Gần đây nhất, ngày 24.8.2018, PVI tiếp tục có công văn số 936/BHPVI – GQKN đề nghị Văn phòng công chứng Vạn Xuân phối hợp và cung cấp tài liệu liên qua như: Quy trình và thủ tục công chứng đối với các giao dịch chuyển nhượng quyền sử dụng đất và tài sản gắn liền với đất, tài sản là bất động sản; Giải trình việc thực hiện quy trình công chứng viên thực hiện nghiệp vụ công chứng đối với trường hợp công chứng của ông Phương và ông Quang nêu trên.

Liên quan tới việc này, ngày 5.10, trao đổi với báo Dân Việt, ông Nguyễn Mạnh Dũng, Trưởng Văn phòng công chứng Vạn Xuân, cho biết: “Chúng tôi làm thủ tục công chứng đúng theo quy định. Việc giả mạo giấy tờ, đấy là Hợp đồng mua bán nhà thì chúng tôi không có đăng ký của công ty đó để đối chiếu, biết được giả mạo hay không.

Chúng tôi không thể biết được những Hợp đồng đó là giả mạo. Do đó, việc làm rõ hành vi lừa đảo, hành vi liên quan trách nhiệm từng bên thì cơ quan điều tra đang xử lý”.

Cũng theo ông Dũng, văn phòng công chứng hoàn toàn chấp nhận mọi yêu cầu của cơ quan nhà nước. “Nếu cơ quan nhà nước bảo chúng tôi sai, chúng tôi sẵn sàng khắc phục hậu quả, thậm chí là bồi thường”, ông Dũng nhấn mạnh. 

Quy trình công chứng có vấn đề?

Luật sư Trần Thu Nam, Trưởng Văn phòng Luật sư Tín Việt và cộng sự (đoàn Luật sư TP Hà Nội) cho rằng: Đây là một vụ án lừa đảo chiếm đoạt tài sản, vụ án hình sự đã được khởi tố vụ án, khởi tố bị can và tài sản bị chiếm đoạt là rất lớn (5,5 tỷ đồng).

Về phía Văn phòng công chứng đã công chứng văn bản chuyển nhượng Hợp đồng mua bán căn hộ nhưng căn hộ trên (trong khi căn hộ là tài sản của người khác và liên quan đến vụ lừa đảo, chiếm đoạt tài sản) cần: Xác định xem công chứng viên, hay người giúp việc cho công chứng viên có đồng phạm, giúp sức cho người lừa đảo liên quan đến vụ án không? Nếu xác định có yếu tố hỗ trợ, giúp sức cho hành vi lừa đảo sẽ khởi tố chung với vai trò đồng phạm.

Còn nếu xác định công chứng viên chỉ tai nạn nghề nghiệp, làm trái quy trình, quy tắc đạo đức hành nghề công chứng thì phải chịu trách nhiệm bồi thường về dân sự. Việc văn phòng công chứng mua bảo hiểm “rủi ro về trách nhiệm nghề nghiệp” nên nếu công chứng viên làm đúng quy trình công ty bảo hiểm có trách nhiệm đền bù cho khách hàng.

Ở vụ án, Công ty bảo hiểm PVI Hà Nội đã yêu cầu văn phòng công chứng Vạn Xuân cung cấp các tài liệu liên quan đến việc công chứng trên nhưng nếu văn phòng công chứng Vạn Xuân không cung cấp được đầy đủ để phục vụ công tác đền bù thiệt hại cho khách hàng, có thể đặt ra giả định là quy trình công chứng của văn phòng là có vấn đề.

Mời các bạn đồng hành cùng báo Dân Việt trên mạng xã hội Facebook để nhanh chóng cập nhật những tin tức mới và chính xác nhất.
Tin cùng chuyên mục
Xem theo ngày Xem