Liều trồng dưa lưới ở rốn phèn, thương lái mua tới tấp, Bảy Tình “làm liều ăn nhiều”

Trần Đáng Thứ sáu, ngày 06/05/2022 11:06 AM (GMT+7)
Hôm tôi gọi Chủ tịch Hội Nông dân huyện Tân Thạnh Mai Văn Phen hỏi chuyện trồng dưa lưới của ông Bảy Tình, ông Phen cười khoe: "Ông Bảy Tình trồng dưa lưới vụ nào thắng vụ đó".
Bình luận 0

Vĩnh biệt cây lúa, liều trồng dưa lưới ở "rốn phèn"

Từ ngày dịch Covid-19 bùng phát, tôi mới có dịp về Đồng Tháp Mười. Có rất nhiều thay đổi về cơ cấu cây trồng diễn ra tại vùng đất phèn chua này. Những ruộng lúa mênh mông, chạy tít mắt ngày nào, giờ nhường chỗ cho những vườn cây ăn trái xanh tươi, trĩu quả. 

Theo Sở NNPTNT tỉnh Long An, từ 2017-2020, tỉnh này đã chuyển đổi từ đất lúa kém hiệu quả sang cây ăn trái hơn 11.000ha, chủ yếu là bưởi, mãng cầu, sầu riêng, mít, dứa, chanh…

Theo trào lưu này, ông Bảy Tình cũng chuyển hơn 1ha đất trồng lúa sang làm 10 nhà kính trồng dưa lưới. Nhìn cụm nhà kính trồng dưa lưới của gia đình ông Bảy Tình mang dáng dấp của nền nông nghiệp công nghệ cao giữa vùng phèn đỏ quạch mà phát mê. 10 nhà kính này, ông Bảy Tình chia ra cho con cái mỗi người vài căn. Trong đó, có phần của anh Dưa - con rể ông Bảy Tình.

Trồng dưa lưới ở rốn phèn, Bảy Tình “làm liều ăn nhiều” - Ảnh 1.

Ông Bảy Tình kiểm tra dưa lưới trong trang trại. Ảnh: Trần Đáng

Theo kế hoạch, giai đoạn 2021 - 2025, tỉnh Long An sẽ tiếp tục chuyển đổi hơn 54.000ha đất trồng lúa năng suất thấp, kém hiệu quả sang trồng cây hàng năm, cây lâu năm và trồng lúa kết hợp nuôi trồng thủy sản. Đây chính là một trong nhiều giải pháp để tăng hiệu quả kinh tế sản xuất nông nghiệp, nâng cao thu nhập cho nông dân.

Ông Phen chia sẻ, để làm cái việc chưa ai làm ở "rốn phèn" này, ông Bảy Tình bỏ công sức, tiền của đi học tập mô hình trồng dưa lưới ở các tỉnh, thành lân cận. Nghe ở đâu có mô hình trồng dưa lưới công nghệ cao hiệu quả là ông Bảy Tình tìm đến xin tham quan, học hỏi kinh nghiệm. 

Mất một thời gian và tiền của để "tầm sư học nghề", ông Bảy Tình lấy ngay công đất lúa, thuê thợ lắp ráp nhà kính để trồng dưa lưới. Nhà kính trồng dưa lưới đầu tiên rộng 1.100m2 ngốn mất của ông Bảy Tình 350 triệu đồng.

Đến khâu tìm đất để trồng dưa lưới, ở cái "rốn phèn" này nhìn đâu cũng thấy đất, nước ngập phèn. Phèn chua đỏ quạch dưới kênh, trong đất. Vậy mà, ông Bảy Tình lấy đất ruộng đem xả phèn làm giá thể trồng dưa lưới.

Theo ông Bảy Tình, mô hình trồng dưa lưới công nghệ cao của ông được kiểm soát từ khâu xuống giống đến thu hoạch. Hệ thống nhà màng trồng dưa lưới giúp chắn mưa, nắng, ngăn côn trùng xâm nhập, chủ động được chế độ dinh dưỡng. Trong nhà kính được lắp hệ thống tưới nhỏ giọt tự động. 

Với hệ thống này, phân bón được hòa vào nước rồi tưới nhỏ giọt cung cấp dinh dưỡng cho cây phát triển. Hệ thống tưới tự động chính xác cho từng cây nên trái sẽ phát triển đồng đều. 

Bình quân mỗi gốc, ông Bảy chỉ để 1 trái và thường xuyên cắt tỉa lá, nhánh để cây tập trung dinh dưỡng vào nuôi trái cũng như tránh sâu, bệnh.

Tại trang trại của ông Bảy Tình, dưa lưới được trồng theo hướng sạch, không sử dụng thuốc bảo vệ thực vật, chỉ sử dụng phân bón hữu cơ sinh học nên sản phẩm bảo đảm an toàn. Dưa lưới trồng 2-2,5 tháng là thu hoạch. 

Dù trồng trên vùng đất phèn nhưng năng suất dưa không kém nơi nào, vẫn 3 tấn vụ/nhà kính. "Công nghệ hỗ trợ rất nhiều nên trồng dưa lưới khá dễ" - ông Bảy Tình nhận xét.

Trồng dưa lưới ở rốn phèn, Bảy Tình “làm liều ăn nhiều” - Ảnh 3.

Dưa lưới mà ông Bảy Tình trồng cho trái to, đẹp, ngọt thanh, giòn. Ảnh: Trần Đáng

Với cụm nhà kính này, ông Bảy trồng dưa lưới theo lối cuốn chiếu để tránh thu hoạch rộ, tiêu thụ khó khăn, thương lái ép giá. Vì trồng dưa gối đầu nên trại dưa lưới của ông Bảy Tình quanh năm đều có dưa bán.

Lợi nhuận trồng dưa lưới bỏ xa cây lúa

Hôm chúng tôi đến thăm trang trại dưa, cũng là lúc lứa dưa lưới của ông Bảy Tình sắp thu hoạch bán. Những trái dưa lưới tròn căng trông rất bắt mắt. Thời điểm ấy, thương lái thu mua dưa lưới với giá 30.000 - 35.000 đồng/kg.

Được biết, những vụ dưa lưới đầu, ông Bảy Tình chỉ bán dưa lưới thông qua việc bao tiêu của doanh nghiệp. Tuy nhiên, thấy giá dưa lưới tốt, lượng xuất bán ổn định, ông Bảy Tình chuyển sang bán qua thương lái với giá dưa theo thời điểm thị trường. Thời gian qua, ông Bảy Tình chỉ bán dưa cho thương lái theo giá thị trường để mong giá tốt hơn.

Chia sẻ về lợi nhuận, ông Bảy Tình đánh giá, nếu làm một công lúa lời 1-2 triệu đồng/vụ, thì trồng một nhà dưa lưới lời 50 - 60 triệu đồng/vụ. "So với cây lúa, trồng dưa lưới hiệu quả kinh tế hơn gấp nhiều lần" - ông Bảy Tình khẳng định.

Ngay từ năm sản xuất thứ hai, ông Bảy Tình đã lấy lại vốn đầu tư nhà lưới ban đầu. Thấy ông Bảy Tình ăn nên, làm ra từ dưa lưới, một số bà con nông dân ở xã Nhơn Ninh cũng làm theo.

Ông Võ Quốc Khánh - cán bộ địa chính, nông nghiệp và môi trường xã Nhơn Ninh cho biết, dưa lưới là cây trồng mới trên địa bàn và đang cho hiệu quả kinh tế khá tốt.

Đây là năm thứ 3 ông Bảy Tình trồng dưa lưới. Hỏi ông có bao giờ lo nhiều nông dân mở trại trồng dưa lưới theo ông thì sẽ tới lúc dội chợ, ế hàng? Ông Bảy Tình cười hề hề: "Ai làm được thì mừng chứ lo gì. Tôi chỉ lo bà con không có vốn để trồng dưa lưới".

Một cán bộ Sở NNPTNT tỉnh Long An cho biết, thời gian qua, tỉnh khuyến khích doanh nghiệp, hợp tác xã, nông dân thực hiện chuyển đổi cơ cấu cây trồng theo hướng liên kết sản xuất, tiêu thụ sản phẩm. Qua thực tế chuyển đổi cây trồng cho thấy, các mô hình phần lớn đều mang lại hiệu quả tích cực, với giá trị kinh tế cao hơn trồng lúa 1,5-4 lần. 


Mời các bạn đồng hành cùng báo Dân Việt trên mạng xã hội Facebook để nhanh chóng cập nhật những tin tức mới và chính xác nhất.
Tin cùng chuyên mục
Xem theo ngày Xem