Lo bị Mỹ 'cấm vận', Trung Quốc đầu tư xây nhà máy chip tỷ USD

18/03/2021 17:05 GMT+7
Đối diện với mối đe dọa hạn chế nguồn cung chip từ Mỹ, Trung Quốc mới đây vừa đầu tư cho nhà sản xuất chip hàng đầu quốc gia là tập đoàn SMIC xây dựng một nhà máy chip ở Thâm Quyến với vốn đầu tư 2,35 tỷ USD.

Chính quyền thành phố Thâm Quyến - nơi được ví như thung lũng Silicon của Trung Quốc - sẽ cùng SMIC rót vốn vào dự án xây dựng nhà máy chip trị giá 2,35 tỷ USD này. Thâm quyến được biết đến như thủ phủ công nghệ của Trung Quốc, nơi đặt “đại bản doanh” của nhiều gã khổng lồ công nghệ, trong đó có Tencent và Huawei.

Với việc xây dựng nhà máy chip ở Thâm Quyến, Bắc Kinh kỳ vọng sẽ thúc đẩy khả năng sản xuất các dòng chip từ 28 nm trở lên của SMIC. Tuy nhiên, so với các nhà sản xuất chip hàng đầu thế giới như TSMC hay Samsung, những con chip như vậy là quá lỗi thời. Hai ông lớn TSMC và Samsung hiện đang sản xuất dòng chip bán dẫn 5nm, công nghệ tiên tiến hàng đầu được sử dụng trong các smartphone 5G cao cấp.

Lo bị Mỹ 'cấm vận', Trung Quốc đầu tư xây nhà máy chip tỷ USD - Ảnh 1.

Lo bị Mỹ chặn nguồn cung chip, Trung Quốc đầu tư xây nhà máy chip tỷ USD ở Thâm Quyến

Nhà sản xuất chip Trung Quốc cho biết số vốn đầu tư từ chính quyền Thâm Quyến sẽ cho phép tập đoàn mở rộng quy mô sản xuất, nâng cao trình độ công nghệ và đạt được lợi nhuận cao hơn. SMIC được cho là sẽ nắm giữ khoảng 55% cổ phần trong công ty con ở Thâm Quyến, trong khi chính phủ thành phố sẽ nắm giữ không quá 23% cổ phần. Số còn lại thuộc về các nhà đầu tư bên thứ ba.

Tập đoàn SMIC hiện là nhà sản xuất chip hàng đầu Trung Quốc, đóng vai trò then chốt trong kế hoạch tăng cường khả năng tự lực ngành chip như sáng kiến Made in China 2025 mà chính phủ Bắc Kinh đề ra. Nhất là trong bối cảnh căng thẳng với Mỹ gia tăng khiến Trung Quốc nhận thức rõ ràng sự phụ thuộc của nguồn cung chip trong nước vào các nhà sản xuất quốc tế.

Hồi tháng 12 năm ngoái, chính quyền Trump đã đưa SMIC vào danh sách đen hạn chế xuất khẩu công nghệ cùng với hàng loạt tên tuổi lớn trong lĩnh vực công nghệ Trung Quốc như Huawei, Dahua Technology, Hikvision… Đây được coi là đòn giáng mạnh mẽ vào khả năng bắt kịp công nghệ sản xuất chip tiên tiến trên thế giới của SMIC.

Việc SMIC rơi vào danh sách cấm vận đồng nghĩa hãng chip Trung Quốc phải được cấp phép trước khi sản xuất bất cứ linh kiện nào trên dây chuyền công nghệ có nguồn gốc từ Mỹ. Tuy nhiên, Bộ Thương mại nước này chỉ cho phép SMIC sản xuất các dòng chip tiến trình lớn hơn 10 nm. Tức là động thái của chính quyền Trump đã chặn đứng kế hoạch tung ra các chip 10 nm và 7 nm của tập đoàn chip hàng đầu Trung Quốc. “Chúng tôi không cho phép bất kỳ công nghệ tiên tiến nào của Mỹ được dùng để xây dựng lực lượng quân đội một kẻ thù ngày càng hiếu chiến”, Bộ trưởng Thương mại Wilbur Ross tuyên bố hồi tháng 12/2020, ngay sau khi đưa 60 công ty Trung Quốc trong đó có SMIC vào danh sách cấm vận.

SMIC từng thừa nhận danh sách đen của Mỹ “sẽ tác động xấu đến hoạt động nghiên cứu và phát triển (R&D) cũng như năng lực sản xuất của công ty với các sản phẩm chip công nghệ tiên tiến từ 10 nm trở xuống”. Tuy nhiên, nhà sản xuất chip Trung Quốc cho hay điều này không gây ra “tác động tiêu cực đáng kể” đến hoạt động sản xuất cũng như tình hình tài chính doanh nghiệp trong ngắn hạn, vì hãng này hiện chưa sản xuất hàng loạt chip dưới 10 nm.

Được thành lập năm 2000, SMIC hiện là nhà sản xuất chip lớn nhất Trung Quốc. Hãng này đã huy động được 46,3 tỷ NDT (6,8 tỷ USD) trong đợt IPO tại Thượng Hải hồi tháng 7/2020, tức cao gấp đôi mục tiêu dự kiến ban đầu. SMIC cùng với Huahong (Thượng Hải) hiện là 2 xưởng đúc chip duy nhất tại Trung Quốc có khả năng sản xuất dòng chip vi xử lý 28 nm, một trong những công nghệ chip tiên tiến nhất tại Trung Quốc hiện nay. 

Theo Hiệp hội quốc tế về thiết bị và vật liệu chip bán dẫn (SEMI), Trung Quốc hiện đang tăng cường rót vốn nhằm đẩy nhanh tốc độ phát triển của các nhà máy chip mới. Nước này dự kiến sẽ dẫn đầu toàn cầu về đầu tư cho mảng thiết bị chip trong năm 2021. Và SMIC hiện là một trong những lá cờ tiền phong trong tham vọng thiết lập ngành công nghiệp chip tự lực, tự cường, không phụ thuộc vào Mỹ của Bắc Kinh.


NTTD
Cùng chuyên mục