Tsinghua Unigroup tuyên bố xây nhà máy chip DRAM, lấp lỗ hổng ngành CN chip Trung Quốc

27/06/2020 10:01 GMT+7
Tsinghua Unigroup, hãng nghiên cứu chip được thành lập bởi Đại học Thanh Hoa (Trung Quốc) sẽ bắt đầu xây dựng nhà máy chip DRAM vào cuối năm nay trong bối cảnh chính phủ Trung Quốc theo đuổi mục tiêu giảm sự phụ thuộc vào các nhà cung cấp chip nước ngoài.
Tsinghua Unigroup tuyên bố xây nhà máy chip DRAM, lấp lỗ hổng ngành CN chip Trung Quốc - Ảnh 1.

Tsinghua Unigroup tuyên bố xây nhà máy chip DRAM tại Trùng Khánh giữa lúc căng thẳng công nghệ Mỹ - Trung leo thang

Được biết, nhà máy chip DRAM của Tsinghua Unigroup sẽ được xây dựng tại thành phố Trùng Khánh, bắt đầu khởi công vào cuối năm nay. Nguồn tin của Nikkei Asian Review tiết lộ công ty đang xem xét tổng vốn đầu tư khoảng 800 tỷ NDT (110 tỷ USD) cho việc phát triển chip nhớ DRAM trong 10 năm tới đây. Nhưng công suất cụ thể và số vốn đầu tư trực tiếp vào nhà máy này hiện vẫn chưa được công bố chính thức. Tsinghua Unigroup tham vọng sẽ hoàn tất việc xây dựng nhà máy và bắt đầu đi vào sản xuất các chip nhớ được sử dụng trong smartphone và thiết bị điện tử tiên tiến khác vào năm 2022.

Hồi tháng 8/2019, Tsinghua Unigroup đã đạt được sự đồng thuận với chính quyền thành phố Trùng Khánh về việc khởi động xây dựng nhà máy chip DRAM từ cuối năm 2019, bắt đầu đi vào sản xuất hàng loạt năm 2021. Nhưng vụ bùng phát đại dịch Covid-19 sau đó đã làm chậm trễ các kế hoạch.

Một công ty con khác của Tsinghua Unigroup tại Nhật Bản gần đây cũng đã bắt đầu hoạt động với mục tiêu phát triển lĩnh vực thiết kế chip DRAM. Công ty được dẫn dắt bởi Yukio Sakamoto, cựu CEO của nhà sản xuất DRAM Nhật Bản Elpida Memory, một cái tên sáng giá trong ngành công nghiệp chip của Nhật Bản. Công ty này dự kiến sẽ săn lùng các kỹ sư, chuyên gia trình độ cao từ những công ty chip khác của Nhật Bản để phục vụ dự án nghiên cứu phát triển chip cho Tsinghua Unigroup, với đội ngũ nhân viên dự kiến khoảng 100 người.

Hàng loạt động thái từ Tsinghua Unigroup được công bố trong bối cảnh căng thẳng Mỹ - Trung leo thang đỉnh điểm, đặc biệt là trong lĩnh vực công nghệ. Mỹ mới đây đã ban hành Bộ Quy tắc mới về sản phẩm sản xuất tại nước ngoài, gần như chặn đứng nguồn cung chip toàn cầu của gã khổng lồ viễn thông Huawei. Nhiều nguồn tin cho hay Huawei đã dự trữ số chip đủ dùng trong khoảng hơn một năm, nhưng về lâu dài, việc tìm kiếm một nhà cung cấp chip nội địa thay thế cho các đối tác nước ngoài vẫn là vô cùng cần thiết. 

Năm 2015, Chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình đã tiết lộ kế hoạch Made in China 2025, trong đó ưu tiên phát triển 10 ngành công nghệ cao của đất nước, trong đó sản xuất chip là ngành công nghiệp ưu tiên hàng đầu. Các nhà hoạch định chính sách Trung Quốc đã đổ tiền nhằm phát triển ngành công nghiệp chip tự lực tự cường, với lộ trình cụ thể như sau: phát triển các công ty chip nội địa để cung ứng 40% nhu cầu chip trong nước vào cuối năm nay và 70% nhu cầu chip trong nước vào năm 2025. Cho đến nay, mục tiêu đó là xa vời. Nhưng không thể phủ nhận nỗ lực của chính phủ Trung Quốc đã cho thấy những kết quả khả quan.

HiSilicon, công ty con của Huawei hiện đang vận hành như một nhà thiết kế chip độc lập, có khả năng thiết kế các con chip vi xử lý đóng vai trò như bộ não của thiết bị smartphone và nhiều thiết bị điện tử khác.

Yangtze Memory Technologies Co., hay YMTC, dưới sự bảo trợ của Tsinghua Unigroup cũng đã bắt đầu sản xuất hàng loạt chip nhớ flash NAND với chức năng lưu trữ thông tin.

Nhưng cho đến nay, ngành chip DRAM của Trung Quốc vẫn chưa đạt được tiến bộ nào đáng kể. Và việc Tsinghua Unigroup xây dựng nhà máy ở Trùng Khánh tới đây hứa hẹn sẽ tạo ra bước tiến mới trong ngành chip DRAM của Trung Quốc, qua đó cạnh tranh trực tiếp với các gã khổng lồ chip DRAM lâu đời từ Mỹ.


Thùy Dung
Cùng chuyên mục