Lo bị Mỹ cắt nguồn cung, Trung Quốc vội vã tăng 4 lần quỹ đầu tư để sản xuất chip

07/07/2020 12:44 GMT+7
Vốn hóa thị trường trên sàn chứng khoán của các nhà sản xuất chip Trung Quốc đã tăng gấp đôi so với cùng kỳ năm ngoái sau khi hàng loạt quỹ do nhà nước hậu thuẫn đổ tiền vào lĩnh vực chip để thúc đẩy sản lượng trong nước.
Lo bị Mỹ cắt nguồn cung, Trung Quốc vội vã tăng 4 lần quỹ đầu tư để sản xuất chip - Ảnh 1.

Lo bị Mỹ cắt nguồn cung, Trung Quốc vội vã tăng 4 lần quỹ đầu tư để sản xuất chip

Tính từ đầu năm đến nay, các nhà sản xuất chip Trung Quốc đã nhận được tới 144 tỷ NDT (20,5 tỷ USD) vốn đầu tư cam kết, theo dữ liệu của Nikkei Asian Review. Đáng nói, trong cả năm 2019, con số này chỉ là 64 tỷ NDT. Điều này đồng nghĩa với việc so với cùng kỳ năm ngoái, số vốn đầu tư vào ngành công nghiệp chip Trung Quốc đã tăng tới 4 lần.

Dù các công ty smartphone và viễn thông Trung Quốc hiện đang chiếm lĩnh nhiều thị trường quan trọng trên thế giới, các nhà sản xuất chip Trung Quốc chỉ đáp ứng được khoảng 15% nhu cầu chip hiện tại. Trong bối cảnh căng thẳng Mỹ - Trung leo thang và Washington dần đẩy các công ty Trung Quốc khỏi thị trường chip do Mỹ thống trị, Bắc Kinh ngày càng ý thức được tầm quan trọng của việc tự chủ nguồn cung chip.

Chính quyền Chủ tịch Tập Cận Bình từ lâu đã quan ngại về mối đe dọa ngày càng rõ rệt khi căng thẳng Mỹ Trung lan sang lĩnh vực công nghệ. Bộ Thương mại Mỹ mới đây đưa ra Bộ Quy tắc sản phẩm sản xuất tại nước ngoài, quy định các nhà cung cấp chip nước ngoài sử dụng thiết bị sản xuất chip của Mỹ phải được Mỹ cấp phép nếu muốn xuất khẩu cho Huawei. Điều này đã chặn đứng nguồn cung chip toàn cầu của Huawei - nhà cung cấp viễn thông số 1 thế giới và đồng thời là nhà sản xuất smartphone thứ 2 thế giới của Trung Quốc. Hồi năm 2018, một công ty viễn thông khác của Trung Quốc là ZTE cũng từng đứng trước bờ vực phá sản khi bị chính quyền Trump cấm tiếp cận công nghệ Mỹ.

Tham vọng tự lực ngành công nghiệp chip để giảm thiểu sự phụ thuộc vào công nghệ Mỹ đã thúc đẩy chính phủ Trung Quốc thiết lập nhiều quỹ đầu tư quan trọng. Ví dụ, quỹ đầu tư công nghiệp mạch tích hợp Trung Quốc được thành lập hồi năm 2014 hiện đã huy động được 140 tỷ NDT. Chính phủ Trung Ương dự kiến sẽ ra mắt quỹ đầu tư thứ hai trong năm nay. Không riêng chính quyền trung ương, các địa phương như Thượng Hải và Bắc Kinh cũng đang thành lập quỹ phát triển của riêng mình nhằm mục tiêu phát triển, tự chủ ngành công nghiệp chip.

SMIC, nhà sản xuất chip hợp đồng hàng đầu Trung Quốc hiện nay là đối tượng thụ hưởng chính của các quỹ đầu tư này. Dự kiến tới đây, các quỹ đầu tư do chính phủ Trung Quốc và chính quyền thành phố Thượng Hải điều hành sẽ bơm vốn 2,25 tỷ USD cho một công ty con thuộc SMIC. Dự kiến, khoản đầu tư sẽ giúp nâng quy mô sản xuất chip Kirin 710A 14nm tại nhà máy SMIC Thượng Hải từ 6.000 wafer/ tháng lên 35.000 wafer/ tháng để đáp ứng nhu cầu của Huawei, đồng thời đầu tư nghiên cứu và phát triển công nghệ sản xuất chip 12nm tiên tiến hơn.

SMIC từng có kế hoạch kêu gọi vốn 25 tỷ NDT thông qua niêm yết trên sàn STAR thuộc Ủy ban Đổi mới Khoa học & Công nghệ (Thượng Hải). Công ty cũng tuyên bố sẽ tăng chi tiêu vốn 30% lên 4,3 tỷ USD để đầu tư cho công tác nghiên cứu và phát triển. Việc tăng vốn sẽ giúp nâng công suất sản xuất hàng tháng của nhà máy lên khoảng 20% từ nay đến cuối năm, theo nhận định của một chuyên gia trong ngành.

Dù còn cách các nhà sản xuất chip hàng đầu thế giới như TSMC rất xa cả về trình độ và năng suất sản xuất, SMIC hiện là nơi hy vọng hàng đầu của chính phủ Trung Quốc về việc tự lực ngành công nghiệp chip trong nước. Trong chiến lược Made in China 2025, Bắc Kinh đặt mục tiêu phát triển ngành chip đáp ứng 70% nhu cầu chip trong nước vào năm 2025. Nhưng các chuyên gia chỉ ra rằng Trung Quốc khó bắt kịp mục tiêu này, nhất là sau khi vụ dịch Covid-19 làm trì trệ ngành sản xuất trong nước. Công ty phân tích IC Insights dự báo đến hết năm 2024, ngành chip Trung Quốc sẽ chỉ đạt mục tiêu đáp ứng 20% thị phần chip trong nước.


Thùy Dung
Cùng chuyên mục