Lộ diện các ngân hàng vừa cam kết giảm thêm lãi suất, loạt kiến nghị "nóng"

14/07/2023 08:26 GMT+7
Tại Hội nghị Sơ kết hoạt động 6 tháng đầu năm 2023 do Hiệp hội Ngân hàng tổ chức, các tổ chức tín dụng đồng thuận cam kết giảm lãi suất. Đồng thời, các ngân hàng kiến nghị nhiều giải pháp gỡ khó để hỗ trợ nền kinh tế hiệu quả hơn.

Các ngân hàng đồng thuận cam kết giảm lãi suất

Theo báo cáo của Cơ quan thường trực Hiệp hội Ngân hàng, từ đầu năm 2023 đến nay, thực hiện chỉ đạo của Chính phủ và Ngân hàng Nhà nước (NHNN), các tổ chức tín dụng (TCTD) tiếp tục đồng hành, hỗ trợ doanh nghiệp, nhất là các doanh nghiệp có khả năng phục hồi sản xuất, kinh doanh.

Các TCTD hội viên Hiệp hội Ngân hàng đã có nhiều nỗ lực, tiết giảm chi phí, giảm lãi suất cho vay nhằm hỗ trợ doanh nghiệp, người dân phục hồi sản xuất kinh doanh theo chỉ đạo của Chính phủ và NHNN.

Đến nay, mặt bằng lãi suất huy động đã dần duy trì ổn định và giảm từ 1-2% so với cuối năm 2022, tạo cơ sở cho các TCTD giảm mặt bằng lãi suất cho vay, hỗ trợ doanh nghiệp theo sự chỉ đạo của Chính phủ và NHNN.

Lộ diện các ngân hàng vừa cam kết giảm thêm lãi suất, loạt kiến nghị "nóng" - Ảnh 1.

Toàn cảnh Hội nghị Sơ kết hoạt động 6 tháng đầu năm 2023 do Hiệp hội Ngân hàng tổ chức. (Ảnh: HHNH)

Trong bối cảnh, các ngân hàng vừa được điều chỉnh hạn mức tăng trưởng tín dụng; đồng thời tăng trưởng tín dụng trong 6 tháng đầu năm thấp nhất 10 năm, tại hội nghị các tổ chức tín dụng thành viên đều bày tỏ đồng thuận với lời kêu gọi của Hiệp hội Ngân hàng về việc giảm lãi suất tối thiểu từ 1,5 - 2%; đồng thời xem xét giảm phí, lệ phí và các dịch vụ khác... nhằm hỗ trợ doanh nghiệp, người dân phục hồi sản xuất kinh doanh, thúc đẩy tăng trưởng kinh tế.

Chẳng hạn như tại VietinBank, theo chia sẻ của ông Trần Văn Tần - Thành viên HĐQT, do những tác động tiêu cực từ nền kinh tế, khả năng hấp thụ vốn của doanh nghiệp suy giảm, khiến cho hoạt động ngân hàng rất khó khăn. Dù vậy, VietinBank vẫn nghiêm túc thực hiện các chỉ đạo của Chính phủ và NHNN. Việc triển khai gói hỗ trợ lãi suất 2% rất tích cực, với dư nợ đạt được là trên 10.000 tỷ đồng; tích cực triển khai cơ cấu nợ theo Thông tư 02/2023/TT-NHNN và tín dụng đối với nhà ở xã hội…

"VietinBank cam kết sẽ đi đầu trong việc triển khai cơ chế chính sách từ Chính phủ, NHNN, cũng như các cam kết và đồng thuận cùng các tổ chức hội viên. Với lời kêu gọi của Hiệp hội về giảm lãi suất 1,5 – 2%, VietinBank sẵn sàng hưởng ứng", ông Trần Văn Tần khẳng định.

Tại Vietcombank, ông Lê Quang Vinh - Phó Tổng Giám đốc Vietcombank cho biết, ngân hàng cũng nghiêm túc thực hiện có hiệu quả các chỉ đạo của Thủ tướng Chính phủ, NHNN về các giải pháp chính sách hỗ trợ doanh nghiệp vượt qua khó khăn như: Giảm lãi suất, cơ cấu lại thời hạn trả nợ, triển khai tích cực Nghị định 33 và Nghị định 31 của Chính phủ….

Lộ diện các ngân hàng vừa cam kết giảm thêm lãi suất, loạt kiến nghị "nóng" - Ảnh 2.

Ông Lê Xuân Trung - Thành viên Hội đồng Thành viên Agribank.

Còn theo chia sẻ của ông Lê Xuân Trung - Thành viên Hội đồng Thành viên Agribank, từ đầu năm đến nay ngân hàng đã có nhiều lần giảm lãi suất huy động và 7 lần giảm lãi suất cho vay. So với đầu năm 2023, lãi suất cho vay bình quân hiện nay của ngân hàng đã giảm 1%. Bên cạnh đó, Agribank cũng rất tích cực triển khai các chính sách của Chính phủ và NHNN như: Nghị quyết 31, Nghị quyết 33 của Chính phủ; Thông tư 02, Thông tư 03 của NHNN…. Ví như: việc cơ cấu nợ theo Thông tư 02 đã thực hiện được cho hơn 2.003 khách hàng với giá trị là 23.400 tỷ đồng; giảm 3% lãi suất cho các khách hàng bất động sản…

Tại TPBank, ông Nguyễn Hồng Quân - Phó Tổng Giám đốc TPBank thừa nhận, dù có quy mô nhỏ nhưng trong 6 tháng đầu năm 2023, TPBank tham gia tích cực tham gia các chương trình hỗ trợ doanh nghiệp và người dân, tổng số dư nợ được hỗ trợ lãi suất đến hết 6 tháng là 44.000 tỷ đồng… Ngoài ra, ngân hàng cũng tích cực giảm lãi suất để hỗ trợ doanh nghiệp và người dân.

Không đứng ngoài cuộc, ông Nguyễn Thành Đô - Phó Chủ tịch HĐQT HDBank chia sẻ, dù còn nhiều khó khăn nhưng trong 6 tháng đầu năm hoạt động kinh doanh của HDBank đạt được những kết quả tích cực. Ngân hàng cũng tích cực tham gia chương trình hỗ trợ lãi suất, chủ động giảm lãi suất hỗ trợ khách hàng, dự kiến đến cuối năm số tiền giảm lãi suất đạt khoảng 350 tỷ đồng.

Loạt kiến nghị "nóng"

Tuy nhiên, để các TCTD có thêm nguồn lực hỗ trợ doanh nghiệp, các tổ chức tín dụng cũng đã nêu ra loạt kiến nghị.

Ông Nguyễn Hồng Quân - Phó Tổng Giám đốc TPBank đề nghị, NHNN xem xét lại các quy định áp dụng tỷ lệ sử dụng vốn ngắn hạn cho vay trung dài hạn của các ngân hàng theo Thông tư 22/2019/TT-NHNN cho phù hợp thực tiễn; cùng với đó là xem xét mở rộng đối tượng thụ hưởng theo quy định tại Nghị định 31 của Chính phủ và Thông tư 03 của NHNN. Đối với Thông tư 02/2023/TT-NHNN, đề nghị xem xét kéo dài thời gian áp dụng, thay vì chỉ 12 tháng như hiện nay.

Trong khi đó, ông Nguyễn Đình Tùng - Tổng Giám đốc OCB đề nghị có cơ chế giãn nợ như thời kỳ Covid-19.

Với quy định tại Thông tư 22/2019/TT-NHNN, ông Tùng đề nghị xem xét điều chỉnh lại tỷ lệ vốn ngắn hạn sử dụng cho vay trung dài hạn cho phù hợp với thực tế hoạt động của các ngân hàng hiện nay. Đồng thời, NHNN nên xem xét hoãn thời hạn áp dụng tỷ lệ 30% thay vì đến hạn ngày 30/9/2023, để các TCTD có thêm nguồn lực hỗ trợ khách hàng.

Đặc biệt, với thực trạng một số ngân hàng đang đối mặt với "rủi ro danh tiếng", ông Tùng đề nghị cần phải có các quy định pháp luật để nâng cao trách nhiệm của người đi vay, cần xây dựng văn hóa vay nợ văn minh: Có vay có trả.

Nghiệp vụ ngân hàng chứa đựng nhiều rủi ro từ việc gửi tiền, từ việc cho vay, và từ dịch vụ thanh toán hộ khách hàng. Do đó, người làm ngân hàng cần phải ý thức rõ được đặc thù nghề nghiệp của nghề ngân hàng, để hiểu và tuân thủ những yêu cầu, quy định khắt khe của ngành, trong đó rất quan trọng là những chuẩn mực đạo đức nghề nghiệp. Với lý do như vậy, ông Tùng đề nghị, Hiệp hội Ngân hàng tăng cường đào tạo và truyền thông về Bộ Chuẩn mực đạo đức nghề nghiệp và quy tắc ứng xử của cán bộ ngân hàng, để người làm ngân hàng nắm rõ và thực hiện.

Đối với hoạt động chuyển đổi số, ông Nguyễn Thành Đô - Phó Chủ tịch HĐQT HDBank đề nghị, NHNN sớm ban hành hành lang pháp lý cho ngân hàng số cũng như đưa ra một số mô hình tiên phong để các ngân hàng nhìn vào và phát triển.


H.Anh
Cùng chuyên mục