Lo doanh nghiệp khai thác đá phá sản, giải thể, tỉnh Quảng Nam “cầu cứu” Bộ Tài nguyên và Môi trường

11/06/2024 18:02 GMT+7
Phía UBND tỉnh Quảng Nam nhấn mạnh, nếu đấu giá quyền khai thác khoáng sản mà doanh nghiệp khác trúng đấu giá không sử dụng lại tài sản, máy móc, thiết bị, mà các doanh nghiệp được cấp phép trước đây đã đầu tư vào mỏ thì phải xử lý sao?, không để doanh nghiệp rơi vào nguy cơ phải phá sản, giải thể.

Ngày 11/6, ông Hồ Quang Bửu - Quyền Chủ tịch UBND tỉnh Quảng Nam đã có công văn gửi Bộ Tài nguyên và Môi trường về việc hướng dẫn tháo gỡ vướng mắc trong việc giải quyết thủ tục cấp lại giấy phép khai thác khoáng sản đá xây dựng tại 2 mỏ đá của doanh nghiệp trên địa bàn tỉnh Quảng Nam.

Lo doanh nghiệp khai thác đá phá sản, giải thể, tỉnh Quảng Nam “cầu cứu” Bộ Tài nguyên và Môi trường- Ảnh 1.

UBND tỉnh Quảng Nam đã có công văn gửi Bộ Tài nguyên và Môi trường về việc hướng dẫn tháo gỡ vướng mắc trong việc giải quyết thủ tục cấp lại giấy phép khai thác khoáng sản đá xây dựng tại 2 mỏ đá của doanh nghiệp trên địa bàn tỉnh Quảng Nam. Ảnh: T.H

UBND tỉnh Quảng Nam cho biết, hiện nay, trên địa bàn tỉnh Quảng Nam có 2 mỏ đá làm vật liệu xây dựng thông thường đã được UBND tỉnh cấp giấy phép khai thác khoáng sản trước ngày Luật Khoáng sản năm 2010 có hiệu lực thi hành (ngày 01/7/2011); sau đó được tiếp tục gia hạn, điều chỉnh giấy phép và các đơn vị chủ mỏ đá đã nộp đủ tiền cấp quyền khai thác khoáng sản đối với trữ lượng khai thác của giấy phép được cấp theo quyết định phê duyệt của UBND tỉnh và thông báo của cơ quan thuế.

Nay đã hết thời hạn giấy phép được cấp nhưng do nguyên nhân khách quan, chưa khai thác hết trữ lượng được cấp phép và 2 đơn vị chủ mỏ lập hồ sơ, thủ tục trình xin cấp lại giấy phép khai thác để khai thác hết phần trữ lượng khoáng sản còn lại.

Tuy nhiên, qua rà soát thấy có vướng mắc theo quy định của pháp luật, UBND tỉnh Quảng Nam xin ý kiến hướng dẫn của Bộ Tài nguyên và Môi trường đối với 2 mỏ đá trên.

Theo đó, mỏ đá xây dựng Tây Hòa Vân, xã Tam Nghĩa, huyện Núi Thành được UBND tỉnh cấp cho Công ty TNHH Rạng Đông theo cấp giấy phép khai thác khoáng sản lần đầu tại quyết định số 2386/QĐ-UB ngày 08/12/1998 với diện tích 12,42ha, trữ lượng đá được khai thác 6.048.500m3, công suất khai thác 30.000 m3/năm, thời hạn đến tháng 12/2003.

Sau đó, được gia hạn giấy phép khai thác lần 1 tại quyết định số 1398/QĐ-UB ngày 14/4/2003; lần 2 tại quyết định số 1878/QĐ-UBND ngày 4/6/2008; lần 3 gia hạn và điều chỉnh công suất khai thác tại quyết định số 2087/QĐ-UBND ngày 4/7/2013 với diện tích khu vực mỏ là 13,34ha, trữ lượng đá còn lại được phép khai thác là 5.384.279m3, công suất 80.000 m3/năm, thời hạn đến hết ngày 30/4/2023.

Từ khi được cấp giấy phép đến hết tháng 4/2023, công ty này mới khai thác được tổng cộng 782.866 m3 đá xây dựng (tính quy về trữ lượng đá nguyên khối). Năm 2018, do triển khai thực hiện dự án đường cao tốc Đà Nẵng - Quảng Ngãi có ảnh hưởng đến việc nổ mìn khai thác mỏ, UBND tỉnh Quảng Nam đã yêu cầu công ty cắt giảm một phần diện tích khu vực mỏ (5,6ha) để đảm bảo khoảng cách an toàn khi nổ mìn khai thác đến đường cao tốc (cách đường cao tốc tối thiểu 500m) và tổ chức thăm dò, đánh giá lại trữ lượng khoáng sản trong phần diện tích còn lại của mỏ là 7,7ha.

Để tổ chức lại việc khai thác, công ty này đã đầu tư kinh phí xây dựng lại cơ bản mỏ (mở tuyến công tác mới, bóc tầng phủ) và đầu tư kinh phí mua sắm máy móc, thiết bị, lắp đặt mới trạm biến áp, dây chuyền nghiền, sàng đá.

Đồng thời, đã lập hồ sơ, thủ tục thăm dò khoáng sản, được UBND tỉnh cấp giấy phép thăm dò số 1224/GP-UBND ngày 24/4/2019 và hợp đồng với đơn vị địa chất tổ chức thăm dò, đánh giá lại trữ lượng khoáng sản đối với phần diện tích 7,7ha được tiếp tục khai thác; được UBND tỉnh phê duyệt trữ lượng khoáng sản tại quyết định số 3964/QĐ-UBND ngày 5/12/2019 với tổng trữ lượng khoáng sản đá làm vật liệu xây dựng thông thường (cấp 121 và 122) là 5.818.427m3.

Hiện nay, Công ty TNHH Rạng Đông đã lập đầy đủ hồ sơ, thủ tục theo quy định và trình cơ quan có thẩm quyền chấp thuận chủ trương đầu tư, cấp lại giấy phép khai thác khoáng sản đối với diện tích 7,7ha còn lại nêu trên nhưng do có vướng mắc quy định của pháp luật nên đến nay chưa được giải quyết.

Lo doanh nghiệp khai thác đá phá sản, giải thể, tỉnh Quảng Nam “cầu cứu” Bộ Tài nguyên và Môi trường- Ảnh 2.

UBND tỉnh Quảng Nam kính đề nghị Bộ Tài nguyên và Môi trường xem xét, cho ý kiến hướng dẫn đối với trường hợp 2 mỏ đá xây dựng nêu trên đã được UBND tỉnh cấp giấy phép khai thác khoáng sản lần đầu trước ngày 1/7/2011 (trước ngày Luật Khoáng sản năm 2010 có hiệu lực thi hành), nay hết thời hạn giấy phép khai thác được cấp nhưng chưa khai thác hết trữ lượng khoáng sản của mỏ đã được cấp phép, thì nay UBND tỉnh có được cho phép gia hạn, cấp lại giấy phép khai thác khoáng sản cho các doanh nghiệp đã được cấp giấy phép trước đó không thông qua đấu giá lại quyền khai thác khoáng sản hay không?. Trong ảnh: một trong nhiều mỏ khai thác đá trên địa bàn tỉnh Quảng Nam

Đối với mỏ đá thứ 2 tại khối phố Tân Phú, thị trấn Phú Thịnh, huyện Phú Ninh, mỏ đá này được UBND tỉnh cấp phép cho công ty TNHH Thái Bình khai thác khoáng sản đá làm vật liệu xây dựng thông thường tại quyết định số 1810/QĐ-UB ngày 25/5/2005; gia hạn lần 1 tại quyết định số 2835/QĐ-UBND ngày 27/8/2008; lần 2 tại quyết định số 2870/QĐ-UBND ngày 10/9/2010; gia hạn lần 3 tại quyết định số 3274/QĐ-UBND ngày 16/9/2016, thời hạn đến hết tháng 7/2023.

Năm 2017, Công ty Cổ phần Minh Đạt Quảng Nam đã nhận chuyển nhượng lại quyền khai thác khoáng sản từ Công ty TNHH Thái Bình và đã được UBND tỉnh cấp phép khai thác khoáng sản đá làm vật liệu xây dựng thông thường và đất san lấp, xây dựng công trình tại quyết định số 4155/QĐ-UBND ngày 27/11/2017, điều chỉnh tại quyết định số 1476/QĐ-UBND ngày 09/5/2018; với trữ lượng đá được phép khai thác là 573.899m3, đất san lấp 85.946m3; công suất khai thác đá xây dựng 100.000m3 nguyên khối/năm, thời hạn tiếp tục khai thác khoáng sản, cải tạo phục hồi môi trường, đóng cửa mỏ đến hết tháng 7/2023.

Trữ lượng đá thực tế đã khai thác là 334.191m3 nguyên khối; trữ lượng đá còn lại chưa khai thác là 239.708m3 nguyên khối. Hiện nay, Công ty Cổ phần Minh Đạt Quảng Nam đã lập hồ sơ, thủ tục theo quy định và trình cơ quan có thẩm quyền chấp thuận chủ trương đầu tư, cấp lại giấy phép khai thác khoáng sản để tiếp tục khai thác hết phần trữ lượng khoáng sản đá xây dựng còn lại (đã nộp tiền cấp quyền khai thác khoáng sản) nhưng do có vướng mắc quy định của pháp luật nên chưa được giải quyết.

Qua rà soát, đối chiếu 2 trường hợp nêu trên với quy định của pháp luật về khoáng sản hiện hành thấy có vấn đề chưa rõ ràng, mâu thuẫn, còn có cách hiểu khác nhau tại khoản 1 Điều 84 và Điều 55 của Luật Khoáng sản.

UBND tỉnh Quảng Nam kính đề nghị Bộ Tài nguyên và Môi trường xem xét, cho ý kiến hướng dẫn đối với trường hợp 2 mỏ đá xây dựng nêu trên đã được UBND tỉnh cấp giấy phép khai thác khoáng sản lần đầu trước ngày 1/7/2011 (trước ngày Luật Khoáng sản năm 2010 có hiệu lực thi hành).

"Nay hết thời hạn giấy phép khai thác được cấp nhưng chưa khai thác hết trữ lượng khoáng sản của mỏ đã được cấp phép, thì nay UBND tỉnh Quảng Nam có được cho phép gia hạn, cấp lại giấy phép khai thác khoáng sản cho các doanh nghiệp đã được cấp giấy phép trước đó không thông qua đấu giá lại quyền khai thác khoáng sản hay không?.

Nếu không được, phải thực hiện việc đấu giá quyền khai thác khoáng sản đối với phần trữ lượng khoáng sản còn lại chưa khai thác tại 2 khu vực mỏ nêu trên thì việc xử lý tiền cấp quyền khai thác khoáng sản mà các doanh nghiệp đã nộp thực hiện theo cách nào, có hoàn trả lại cho doanh nghiệp được không?.

Bên cạnh đó, nếu đấu giá quyền khai thác khoáng sản mà doanh nghiệp khác trúng đấu giá không sử dụng lại tài sản, máy móc, thiết bị, kinh phí mà các doanh nghiệp được cấp phép trước đây đã đầu tư vào mỏ thì phải xử lý như thế nào để đảm bảo hài hòa quyền lợi của doanh nghiệp, không để doanh nghiệp rơi vào nguy cơ phải phá sản, giải thể", công văn của tỉnh Quảng Nam nhấn mạnh.

Trương Hồng
Cùng chuyên mục