Lo doanh thu giảm mạnh, các công ty Mỹ lặng lẽ vận động hành lang thay Huawei
“Giám đốc điều hành các nhà sản xuất con chíp hàng đầu nước Mỹ như Intel, Xilinx đã tham dự một cuộc họp hồi cuối tháng 5 với Bộ Thương mại để phản ứng về việc Huawei lọt vào danh sách đen kèm lệnh hạn chế thương mại” - Một nguồn tin của Reuters cho hay. Qualcomm cũng nhiều lần tác động lên chính phủ về vấn đề này.
Các nhà sản xuất chíp bác bỏ mối lo ngại về an ninh quốc gia mà chính phủ Mỹ đưa ra, vì cho rằng các sản phẩm của Huawei bao gồm linh kiện smartphone và máy tính thường được cung cấp phổ biến, sẵn có và khó có thể gây rủi ro bảo mật. “Đây không phải vấn đề giúp đỡ Huawei. Họ chỉ đang cố ngăn chặn những thiệt hại khổng lồ với các công ty Mỹ” - một nguồn tin nhận định.
Huawei đã chi 70 tỷ USD cho hoạt động nhập khẩu linh kiện vào năm 2018, 11 tỷ USD trong số đó rót vào túi các công ty Mỹ bao gồm Qualcomm, Intel, Micron… Hiệp hội công nghiệp bán dẫn Mỹ (SIA) thừa nhận họ đã thay mặt các công ty sản xuất chíp tham dự các cuộc hội đàm với chính phủ để tham vấn về tác động của lệnh hạn chế thương mại Huawei lên ngành công nghiệp con chíp Mỹ.
“Các lĩnh vực công nghệ không tác động đến vấn đề an ninh quốc gia không nên bị hạn chế xuất nhập khẩu. Chúng tôi muốn truyền đạt quan điểm này đến Chính phủ” - ông Keith Goodrich, Phó chủ tịch SIA cho hay.
Các công ty con chíp Mỹ mất đi đối tác lớn vì lệnh hạn chế thương mại nhắm vào Huawei
Lệnh hạn chế thương mại được Bộ Thương mại Mỹ đưa ra ngay sau khi cuộc đàm phán giữa Washington và Bắc Kinh rơi vào bế tắc, với hàng loạt cáo buộc ăn cắp tài sản trí tuệ, vi phạm chính sách ngoại giao và an ninh quốc gia mà Washington nhắm vào Huawei. Google - nhà cung cấp phần cứng, phần mềm và các ứng dụng, dịch vụ kỹ thuật cho Huawei cũng không hài lòng với lệnh hạn chế thương mại dù họ buộc phải tuân thủ, theo ông Liang Hua, Chủ tịch phụ trách mảng phân phối thiết bị viễn thông của Huawei.
Sau động thái của các công ty Mỹ, Bộ Thương mại nước này khẳng định họ thường xuyên lắng nghe những ý kiến về các vấn đề pháp lý, nhưng cuộc đối thoại kể trên không tác động đến hành động thực thi pháp luật.
Hồi đầu tháng 6, trong một cuộc phỏng vấn tại Mexico, ông Andrew Williamson - Phó chủ tịch phụ trách các vấn đề truyền thông của Huawei cho hay công ty không yêu cầu đối tác Mỹ vận động hành lang thay mình. “Họ thực hiện điều đó vì chính họ, bởi Huawei là khách hàng lớn, đối tác lâu năm của họ, và việc cắt đứt mối quan hệ này sẽ gây ra những hậu quả thảm khốc có thể lường trước”.
Huawei từ lâu đã cắt giảm nỗ lực vận động hành lang tại Mỹ, ngay từ khi lệnh hạn chế chưa được ban hành. Năm ngoái, Huawei từng sa thải 5 nhân viên tại trụ sở Washington, trong đó có Phó chủ tịch phụ trách vấn đề đối ngoại, theo nguồn tin từ Reuters. Thay vào đó, gã khổng lồ công nghệ tăng cường thúc đẩy quan hệ công chúng trên mặt trận pháp lý khi liên tục đưa ra những tuyên bố phản đối cáo buộc của Nhà Trắng đăng tải trên các tờ báo lớn của Mỹ. Những phát ngôn “bóng bẩy” của ông Nhậm Chính Phi cũng được đẩy mạnh tuyên truyền làm dịu đi hình ảnh “đen tối” của Huawei ở phương Tây.