"Lỗ hổng" phía sau vụ "hung thần" xe ben thi công dự án trọng điểm ở Bình Định

Dũ Tuấn Thứ hai, ngày 17/04/2023 19:57 PM (GMT+7)
Tại Bình Định, xuất hiện tình trạng nhà thầu, cá nhân lợi dụng dự án giao thông trọng điểm và các mỏ đất được cấp phép, đưa xe tải, phương tiện vào khai thác khoáng sản trái phép để trà trộn vào đoàn xe dự án, thu lợi bất chính, rất khó xử lý. Việc này được kiến nghị, cần cơ quan chức năng, chính quyền cùng vào cuộc.
Bình luận 0

"Chúng ta trễ 1 buổi, 1 giờ thì tai nạn có thể xảy ra, bất cứ lúc nào"

Ngày 17/4, Ban An toàn giao thông tỉnh Bình Định họp bàn xử lý phương tiện chở vật liệu xây dựng phục vụ các công trình trọng điểm và công tác tuyên truyền an toàn giao thông khu vực nông thôn. 

Bình Định bàn giải pháp xử lý phương tiện chở vật liệu vi phạm, gây mất an toàn giao thông. CLIP: Dũ Tuấn.

Là địa phương căng thẳng nhất của Bình Định về tình trạng "hung thần" xe ben, Chủ tịch UBND huyện Phù Mỹ Lê Văn Lịch cho biết, mỗi ngày có hàng trăm lượt xe vận chuyển vật liệu trên nhiều tuyến đường huyết mạch của huyện, dọc tuyến đường là các chợ và trường học, rất nhiều đường ngang nên cực kỳ nguy hiểm.

Thế nhưng, hiện nay chưa có sự phối hợp với các đơn vị lẫn nhau. Tuyến đường các xã của huyện rất yếu nhưng xe có tải trọng 40 – 50 tấn cứ chạy, vừa rồi ông đi kiểm tra thì thấy đường nát bét hết.

"Lỗ hổng" của Bình Định sau vụ "hung thần" xe ben thi công dự án trọng điểm  - Ảnh 1.

Chủ tịch UBND huyện Phù Mỹ Lê Văn Lịch cho rằng, vai trò của chủ đầu tư vừa qua rất mờ nhạt và chưa làm hết trách nhiệm . Ảnh: Dũ Tuấn.

"Trong ngày hôm qua, chúng tôi cũng đã làm việc với Ban An toàn giao tỉnh để có cuộc họp gấp xử lý ngay. Tôi cũng đề nghị sau cuộc họp này cần khẩn trương cắm biển báo cấm, nếu không tôi cho dừng hết tất cả các hoạt động. Chúng ta trễ 1 buổi, 1 giờ thì tiềm ẩn tai nạn xảy ra, bất cứ lúc nào. Chưa được 1 tháng mà đã có 3 vụ tai nạn xảy ra, rất là rủi ro", ông Lịch bức xúc.

Phó Chủ tịch UBND huyện Tây Sơn Nguyễn Văn Khánh cho biết, tại huyện vẫn còn tình trạng xe tải chở vật liệu thi công dự án chạy quá tải trọng, do các mỏ khoáng sản chưa lắp đặt trạm cân. 

"Tôi kiến nghị với Sở TNMT, đối với mỏ nào chưa lắp đặt trạm cân thì không nên gia hạn hoặc cấp phép khai thác vì liên quan đến công tác tải trọng. Đường bê tông mà chạy xe tải 3,4 chân thì mau hỏng là tất nhiên", lãnh đạo huyện Tây Sơn nói. 

"Lỗ hổng" của Bình Định sau vụ "hung thần" xe ben thi công dự án trọng điểm  - Ảnh 2.

Họp bàn việc xử lý phương tiện chở vật liệu xây dựng phục vụ các công trình trọng điểm và công tác tuyên truyền an toàn giao thông khu vực nông thôn. Ảnh: Dũ Tuấn.

Tại huyện Tuy Phước, đại diện lãnh đạo huyện cho hay, địa phương hiện đang có 2 dự án đang triển khai là Cát Tiến – Diêm Vân và tuyến đường thị xã An Nhơn ra đầm Thị Nại.

Theo lãnh đạo huyện này, tuyến đường ĐT 640 là tuyến đường chính để phục vụ thi công nên các phương tiện chạy trên tuyến đường này có tải trọng lớn, ngoài ra một số tuyến đường tại địa phương đã bị sụt lún, hư hỏng.

Đối với thị xã An Nhơn, đại diện lãnh đạo địa phương cũng thông tin về tình trạng xe chở vật liệu thi công các công trình trọng điểm của tỉnh trong thời gian qua tăng đột biến, trong đó tập trung trên tuyến ĐT 636.

"Đây là tuyến đường huyết mạch. Hiện nay, tuyến đường đang vừa thi công mở rộng và cũng vừa tham gia giao thông nên cũng tiềm ẩn mất an toàn giao thông", đại diện lãnh đạo thị xã An Nhơn nói.

Thanh tra Bộ gọi hỏi Trưởng Phòng CSGT, sao không xử lý xe tải?

Theo Chủ tịch UBND huyện Phù Mỹ Lê Văn Lịch, đây là xe tải phục vụ công trình trọng điểm nên trách nhiệm hàng đầu phải là chủ đầu tư – Ban quản lý dự án giao thông tỉnh Bình Định. 

Nhưng vai trò của chủ đầu tư vừa qua rất mờ nhạt và chưa làm hết trách nhiệm, ông cho rằng, việc đổ trách nhiệm về chính quyền địa phương là không ổn.

Ông Lịch kiến nghị, chủ đầu tư phải kiểm soát xử lý mạnh tay ngay tại mỏ, nhà thầu không đảm bảo môi trường hoặc an toàn giao thông, ngay lập tức cấm vận chuyển. 

"Lỗ hổng" của Bình Định sau vụ "hung thần" xe ben thi công dự án trọng điểm  - Ảnh 3.

Vụ tai nạn xảy ra ở huyện Phù Mỹ, Bình Định liên quan đến xe ben thi công dự án giao thông trọng điểm. Ảnh: Dũ Tuấn.

Ngoài ra, làm việc cụ thể với nhà thầu thi công vận chuyển đất cát trên đường, không được để xảy ra việc mất an toàn giao thông, ô nhiễm môi trường. Nếu có phải xử lý nghiêm vi phạm và làm ngay.

"Chúng tôi chẳng qua là thỉnh thoảng kiểm tra giám sát giúp chủ đầu tư thôi, không thể đổ trách nhiệm cho thanh tra giao thông, CSGT, tôi cho rằng như thế không đúng, sức đâu mà làm", ông Lịch gay gắt.

Trưởng Phòng CSGT Công an tỉnh Bình Định Võ Văn Chín cũng tỏ ra bức xúc không kém, đối với tình trạng xe ben vi phạm giao thông, gây nguy hiểm cho người dân.

"Không thể vì dự án mà đánh mất đi trật tự an toàn giao thông", ông Chín nói.

Cũng theo ông Chín, thời gian qua, ông liên tục nhận được cuộc gọi phản ánh của  lãnh đạo tỉnh rồi các đoàn thanh tra Bộ vào Bình Định và nói, tại sao xe tải chở đất, cát đi lung tung như thế, mà không xử lý?

"Lỗ hổng" của Bình Định sau vụ "hung thần" xe ben thi công dự án trọng điểm  - Ảnh 4.

Trưởng Phòng CSGT Công an tỉnh Bình Định Võ Văn Chín. Ảnh: Dũ Tuấn.

"Chúng tôi vẫn xử lý quyết liệt nhưng loạt xe tải vận chuyển vật liệu che đậy không kỹ, vi phạm thì trách nhiệm của chủ đầu tư, nhà thầu vận chuyển. Ký hợp đồng với nhau, phải có cam kết không vi phạm an toàn giao thông. Tuỳ mức độ vi phạm, có thể xử lý cứng rắn thì nhà thầu mới chấp hành. Không xử lý tận gốc ở mỏ, để đi ra đường rơi vãi, vi phạm thì lại nói CSGT, thanh tra giao thông, chính quyền đâu, tại sao không xử lý", ông Chín cho hay.

Xử lý tận gốc tại mỏ, CSGT nhẹ việc, báo chí cũng đỡ "bút mực" 

Theo vị Trưởng Phòng CSGT, không chỉ riêng ở huyện Phù Mỹ - tình trạng báo Dân Việt vừa phản ánh mà ở các địa phương khác trong tỉnh, đặc biệt khi thi công đường cao tốc rầm rộ, chắc chắn tình hình xe vi phạm sẽ phức tạp hơn nữa.

"Trách nhiệm là của ai, phải bàn kỹ để xử lý, nói chung chung là không được. Trách nhiệm của chủ đầu tư, để ký hợp đồng xong rồi, nhà thầu gọi các xe ở ngoài vào vận chuyển, không đủ điều kiện, không đảm bảo tiêu chuẩn mà chạy ào ào, không kiểm soát. Phải kiểm soát từ gốc tại mỏ, nếu xử lý được thì anh em chúng tôi nhẹ việc, báo chí cũng đỡ bút mực phản ánh", ông Chín quả quyết.

"Lỗ hổng" của Bình Định sau vụ "hung thần" xe ben thi công dự án trọng điểm  - Ảnh 5.

Phó Giám đốc Công an tỉnh Bình Định Nguyễn Đức Nam. Ảnh: Dũ Tuấn.

Phó Giám đốc Công an tỉnh Bình Định Nguyễn Đức Nam đề nghị, trách nhiệm chủ đầu tư cần phải bố trí người để giám sát về việc vận chuyển vật liệu để triển khai các công trình. 

Trong đó, giám sát ngay từ vị trí mỏ để đảm bảo về tải trọng và vận chuyển trên đường tránh tình trạng rơi vãi. 

Tới đây, lực lượng CSGT sẽ tiếp tục tăng cường kiểm tra, xử lý nghiêm đối với các trường hợp xe chở quá khổ, quá tải, chạy không đúng tốc độ, theo đúng quy định của pháp luật.

Giám đốc Sở GTVT tỉnh Bình Định Trần Thanh Dũng cũng yêu cầu, chủ đầu tư quản lý chặt chẽ các phương tiện thiết bị của các nhà thầu tham dự án theo đúng hồ sơ dự thầu. 

Thậm chí, cung cấp số liệu phương tiện, thiết bị và các nhà thầu thi công gửi cho các cơ quan chức năng để kiểm tra, giám sát.

Đề nghị, lực lượng công an tiếp tục quan tâm về việc giám sát xử lý tốc độ, tải trọng, môi trường trên các tuyến đường đang vận chuyển vật liệu để phục thi công các dự án trọng điểm để có xử lý. Nếu cần thiết nghiên cứu thành lập tổ liên ngành.

"Lỗ hổng" của Bình Định sau vụ "hung thần" xe ben thi công dự án trọng điểm  - Ảnh 6.

Giám đốc Sở GTVT tỉnh Bình Định Trần Thanh Dũng. Ảnh: Dũ Tuấn.

Ông Dũng cũng cho biết, Sở sẽ chỉ đạo các phòng chức năng để thanh tra theo lĩnh vực kiểm tra xử lý các phương tiện vi phạm trật tự ATGT theo thẩm quyền.

Rà soát, bổ sung các biển báo hạn chế tốc độ tại các đoạn tuyến các khu dân cư, mặt đường hẹp và các đoạn tuyến có phương tiện đi qua để phục vụ thi công dự án. 

Đối với xe tải tham gia chở vật liệu ông Dũng cho yêu cầu nên hạn chế 40km/h và hạn chế đi lại trong thời gian cao điểm để hạn chế tai nạn giao thông.

Phát biểu cảm ơn báo Dân Việt ngay tại cuộc họp, Giám đốc Sở GTVT tỉnh Bình Định cam kết, đối với những phản ánh của báo sẽ xử lý trên tình thần khẩn trương, xử lý nghiêm các phương tiện, xe ben gây ảnh hưởng đến người dân.

"Ngay trong chiều nay, sẽ có đoàn công tác về huyện Phù Mỹ, Tuy Phước để khảo sát lắp các biển báo hạn chế tốc độ xe tải, trong thời gian vận chuyển thi công dự án", ông Dũng khẳng định.

img

Phó Ban quản lý dự án giao thông tỉnh Bình Định Nguyễn Ngọc Sơn. Ảnh: Dũ Tuấn.

Có tình trạng lợi dụng dự án để khai thác khoáng sản trái phép, thu lợi bất chính

Theo Phó Ban quản lý dự án giao thông tỉnh Bình Định Nguyễn Ngọc Sơn, hiện nay, cơ quan này gặp rất nhiều khó khăn trong việc xử lý tình trạng lợi dụng dự án để khai thác khoáng sản trái phép, khi xử lý, ngăn chặn rất cần sự hỗ trợ của chính quyền địa phương và lực lượng chức năng. Vì Ban chỉ có chỉ đạo tăng cường, còn bố trí quản lý xử lý thì không có chế tài.

Tại các dự án, do nhu cầu thu mua đất sét của các lò gạch trên địa bàn rất lớn nên quá trình bóc tầng phủ, mặt ruộng, nhà thầu lén chở đi bán trái phép, thu lợi bất chính. Vừa rồi, công an xã Bình Nghi (huyện Tây Sơn) và Ban đã kịp thời phát hiện, thu giữ phương tiện, xử lý nghiêm 1 doanh nghiệp.

Đáng lo ngại, trường hợp này, không chỉ xảy ra ở huyện Tây Sơn mà còn xuất hiện ở huyện Tuy Phước, TX.An Nhơn (Bình Định)…

Ngoài ra, các mỏ đất ở phường Bùi Thị Xuân (TP.Quy Nhơn) cấp 6 dự án cho 6 doanh nghiệp khai thác, nhưng nếu không đồng bộ thì doanh nghiệp "đổ qua đổ lại", rất khó quản lý.

"Chẳng hạn mở đất Chà Rây, ngoài việc cấp cho dự án trong điểm, có tình trạng ban đêm một số cá nhân vào khai thác trái phép ở khu vực ngoài ranh mỏ được cấp nhưng lại nằm trong khu vực mỏ, ban ngày lại trà trộn vào dòng xe của các dự án, chạy đi bán các nơi. Chúng tôi phát hiện nhưng xử lý không được, rất khó", ông Sơn nói.


Mời các bạn đồng hành cùng báo Dân Việt trên mạng xã hội Facebook để nhanh chóng cập nhật những tin tức mới và chính xác nhất.
Tin cùng chuyên mục
Xem theo ngày Xem