Lo ngại dịch chuyển dòng tiền?
Giới phân tích tài chính cho rằng, việc dư thừa thanh khoản, đồng thời tín dụng khó tăng chính là yếu tố chính khiến các ngân hàng giảm lãi suất đầu vào. Nếu như đầu tháng 8, đã có một đợt giảm lãi suất huy động, thì nay giữa tháng 9, lại có thêm một đợt điều chỉnh mới.
Theo báo cáo của Ngân hàng Nhà nước, mặt bằng lãi suất huy động bằng VND của tổ chức tín dụng vẫn có xu hướng giảm. Hiện, lãi suất huy động bằng VND phổ biến ở mức 0,1 - 0,2%/năm đối với tiền gửi không kỳ hạn và có kỳ hạn dưới 1 tháng; 3,7 - 4,1%/năm đối với tiền gửi có kỳ hạn từ 1 tháng đến dưới 6 tháng; 4,4 - 6,4%/năm đối với tiền gửi có kỳ hạn từ 6 tháng đến dưới 12 tháng; kỳ hạn từ 12 tháng trở lên ở mức 6,0 - 7,1%/năm.
Trong khi lãi suất tiền gửi tiết kiệm có xu thế giảm thì một số kênh đầu tư khác lại cạnh tranh, chẳng hạn như trái phiếu doanh nghiệp đang ngày càng gia tăng cạnh tranh với kênh gửi tiết kiệm.
Thực tế cho thấy, nhiều doanh nghiệp phát hành trái phiếu lãi suất cao hơn hẳn tiết kiệm. Ông Nguyễn Hoàng Dương, Phó Vụ trưởng Vụ Tài chính ngân hàng và các tổ chức tín dụng cho hay, thị trường trái phiếu doanh nghiệp trong những năm gần đây đã trở thành kênh huy động vốn ngày càng quan trọng cho các doanh nghiệp, từng bước cho thấy sự dịch chuyển vốn từ kênh tín dụng ngân hàng sang kênh phát hành trái phiếu theo đúng định hướng của Chính phủ về phát triển thị trường vốn cân bằng với thị trường tín dụng ngân hàng, giảm áp lực cung ứng vốn cho kênh tín dụng ngân hàng.
Nếu so với một số nước trong khu vực mặc dù quy mô thị trường trái phiếu doanh nghiệp còn ở mức thấp, tuy nhiên sự phát triển nhanh của thị trường này thời gian qua cũng đặt ra một số rủi ro.
Các doanh nghiệp, trong đó có doanh nghiệp quy mô nhỏ, doanh nghiệp bất động sản đẩy mạnh huy động vốn trái phiếu cho hoạt động sản xuất kinh doanh, đầu tư, phát triển dự án. Nếu hoạt động của doanh nghiệp gặp khó khăn, doanh nghiệp sẽ không trả được nợ gốc, lãi trái phiếu gây bất ổn cho thị trường. Nhà đầu tư trái phiếu nếu không phân tích, đánh giá rủi ro, đầu tư trái phiếu chỉ vì lãi suất cao sẽ có rủi ro mất vốn khi doanh nghiệp không thực hiện được nghĩa vụ thanh toán gốc, lãi trái phiếu.
Các tổ chức phân phối, bảo lãnh phát hành trái phiếu doanh nghiệp (có thể là các ngân hàng thương mại, công ty chứng khoán) có rủi ro không thực hiện được các nghĩa vụ, cam kết với nhà đầu tư theo các điều kiện, điều khoản của trái phiếu do không đáp ứng được các quy định về chỉ tiêu an toàn tài chính theo quy định của pháp luật chuyên ngành.
Trước sự tăng trưởng và phát triển nhanh của thị trường trái phiếu doanh nghiệp, Bộ Tài chính cũng đã bắt đầu thực hiện đồng bộ các giải pháp về cơ chế chính sách và quản lý giám sát để hạn chế, giảm thiểu những rủi ro cho thị trường.