Loại cá này của Việt Nam đã "bơi" tới 140 quốc gia trên thế giới

Khánh Nguyên Thứ ba, ngày 10/01/2023 12:04 PM (GMT+7)
Tới năm 2022 cá tra Việt Nam đã chinh phục hơn 140 thị trường trên thế giới, trong đó có các thị trường truyền thống và khắt khe về an toàn thực phẩm và các quy định kỹ thuật như Mỹ, EU và cả những thị trường vốn không ưa chuộng cá nuôi như Nhật Bản.
Bình luận 0

Là loài cá thịt trắng nuôi đặc sắc của Việt Nam, cá tra ngày càng được người tiêu dùng trên thị trường thế giới yêu thích vì sự tiện lợi, cấu trúc và hương vị trung tính, dễ chế biến và giá cả phù hợp với mọi phân khúc tiêu thụ. Vì thế, thị trường tiêu thụ cá tra năm 2023 vẫn được đánh giá là rộng mở.

Tới năm 2022 cá tra Việt Nam đã chinh phục hơn 140 thị trường trên thế giới, trong đó có các thị trường truyền thống và khắt khe về an toàn thực phẩm và các quy định kỹ thuật như Mỹ, EU và cả những thị trường vốn không ưa chuộng cá nuôi như Nhật Bản.

Cá tra đã "bơi" tới 140 thị trường

Sự phổ biến của cá tra và sự nỗ lực của cộng đồng doanh nghiệp Việt Nam đưa cá tra đi khắp năm châu, đã giúp cho ngành này mang về nguồn ngoại tệ lớn mỗi năm. 

Với kim ngạch xuất khẩu (XK) từ 1,5 -2,4 tỷ USD/năm, riêng con cá tra đã chiếm 16-26% tổng giá trị XK thủy sản của Việt Nam. Cá tra đã trở thành loài cá thịt trắng nuôi được yêu thích số 1 ở nhiều thị trường như EU, Mexico, Anh, Trung Quốc, Nhật Bản, các nước Trung Đông… và ngày càng tăng thị phần ở các thị trường lớn khác như Mỹ, Nga…

Xuất khẩu cá tra vẫn lạc quan, rộng cửa - Ảnh 1.

Thu hoạch cá tra tại Vĩnh Long. Ảnh: TTXVN.

Với kim ngạch XK từ 1,5 - 2,4 tỷ USD/năm, riêng con cá tra đã chiếm 16-26% tổng giá trị XK thủy sản của Việt Nam. Cá tra đã trở thành loài cá thịt trắng nuôi được yêu thích số 1 ở nhiều thị trường như EU, Mexico, Anh, Trung Quốc, Nhật Bản, các nước Trung Đông…

Theo bà Lê Hằng - Giám đốc Truyền thông, Hiệp hội Chế biến và Xuất khẩu thủy sản Việt Nam (VASEP), trong 6 năm qua, XK cá tra trải qua một giai đoạn biến động trồi sụt, chủ yếu bị ảnh hưởng của đại dịch Covid -19 trong 2 năm 2020 – 2021. 

Theo đó, năm 2020, kim ngạch XK cá tra giảm xuống mức thấp nhất là gần 1,5 tỷ USD, giảm 26% so với năm 2019. Nguyên nhân là do đại dịch Covid-19 bùng phát mạnh trên thế giới, nhất là tại Mỹ và EU, khiến nhu cầu tiêu thụ cá tra sụt giảm và nghiêm trọng hơn là tình trạng đứt gãy chuỗi logistics thương mại toàn cầu, giá cước vận tải biển tăng mạnh khiến cho doanh nghiệp cá tra không thể đưa hàng đi và trụ được trên những thị trường xa như châu Mỹ, châu Âu.

Năm 2021, thị trường tiêu thụ bắt đầu bình ổn trở lại, nhưng những làn sóng dịch Covid-19 lại liên tục bùng phát tại Việt Nam, với đỉnh điểm là quý III/2021 khiến toàn bộ chuỗi sản xuất thương mại thủy sản bị gián đoạn, trong đó nặng nề nhất là cá tra vì nằm trong trung tâm dịch và bị đình trệ đúng vào thời điểm cần tăng tốc sản xuất XK cho cuối năm và năm mới. Do vậy, XK cá tra dù đã hồi phục 8% nhưng kim ngạch vẫn chỉ đạt trên 1,6 tỷ USD.

Năm 2022 là thời kỳ "phục hưng" của ngành hàng cá tra. XK cá tra Việt Nam đã bứt phá mạnh mẽ với kỷ lục 2,4 tỷ USD. Giá XK cá tra sang các thị trường tăng từ 20 - 55%, nhất là tại thị trường Mỹ.

Triển vọng năm 2023

Bà Lê Hằng dự báo, nguồn cung các loại cá thịt trắng vào năm 2023 giảm và xu hướng giá cá thịt trắng tăng mạnh, thì cá tra Việt Nam vẫn nhìn thấy cơ hội lạc quan trong năm 2023. Khi lạm phát ngấm sâu vào các nền kinh tế thế giới, nhất là các thị trường thuộc khối G7, người tiêu dùng đã và sẽ tiếp tục siết chặt chi tiêu đối với các mặt hàng thực phẩm giá cao. 

Do vậy, dù ít nhiều bị tác động đến nhu cầu tiêu thụ và thực phẩm, nhưng so với các mặt hàng thủy hải sản khác, năm 2023 tiêu thụ và XK cá tra vào các thị trường có thể không bị giảm đáng kể.

"Trung Quốc chắc chắn sẽ là kỳ vọng lớn nhất với ngành cá tra năm tới, sau khi nước này bỏ các quy định kiểm soát, xét nghiệm Covid-19 đối với hàng nhập khẩu. Nới lỏng chính sách kiểm soát Covid-19 sẽ thúc đẩy mạnh mẽ nhu cầu tiêu thụ thực phẩm và thủy sản của thị trường này. Trong số các thị trường nhập khẩu cá tra Việt Nam, Trung Quốc thu hút số doanh nghiệp đông đảo nhất. Năm 2022, có hơn 160 doanh nghiệp Việt Nam có mặt hàng cá tra XK sang Trung Quốc" - bà Hằng nhận định.

Bên cạnh thị trường Trung Quốc, các nước ASEAN cũng có sức hút lớn đối với các doanh nghiệp XK cá tra Việt Nam. Trong đó, nổi trội nhất là thị trường Thái Lan, chiếm trên 45% giá trị nhập khẩu cá tra của toàn khối. Thị trường này đã thu hút được gần 80 doanh nghiệp XK cá tra của Việt Nam.

Trung Đông cũng được đánh giá là một khu vực kinh tế ổn định trong năm 2022 và năm 2023 cũng là thị trường tiêu thụ cá tra tiềm năng. XK cá trang sang Trung Đông trong 11 tháng năm 2022 đạt 129 triệu USD, tăng 64% so với cùng kỳ năm ngoái. Khối thị trường này chiếm gần 6% giá trị XK cá tra của Việt Nam trong năm 2022.

Năm 2022, chiến sự Nga – Ukraine căng thẳng, nguồn cung dầu mỏ từ Nga hạn chế là cơ hội để các nước Trung Đông thu lợi nhuận, do vậy kinh tế của khu vực này vẫn tăng trưởng lạc quan và tăng cao hơn so với năm 2021. Mặc dù cũng bị lạm phát cao nhưng nhìn chung nhu cầu tiêu dùng thực phẩm của các nước Trung Đông không bị ảnh hưởng nặng nề như các thị trường khác. Đó là yếu tố để doanh nghiệp thuỷ sản Việt Nam đẩy mạnh XK sang Trung Đông.

Ngoài ra, khối thị trường CPTPP vẫn có sức hút với các doanh nghiệp cá tra vì lợi thế thuế quan và một số thị trường trong khối có tăng trưởng kinh tế ổn định và khả quan so với các thị trường khác.Với những xu hướng thị trường này, kỳ vọng là các doanh nghiệp cá tra Việt Nam sẽ tiếp tục linh hoạt nắm bắt cơ hội và lợi thế thị trường để giữ tăng trưởng XK trong năm 2023. 

Mời các bạn đồng hành cùng báo Dân Việt trên mạng xã hội Facebook để nhanh chóng cập nhật những tin tức mới và chính xác nhất.
Tin cùng chuyên mục
Xem theo ngày Xem