Loại cây ở Cao Bằng tác dụng thần kỳ với phụ nữ sau sinh, màu sắc 4 mùa, xào thịt bò miễn chê

Thứ sáu, ngày 12/05/2023 05:04 AM (GMT+7)
Cây sau sau (mạy sâu - Tày) mọc ở Cao Bằng còn có nhiều tên gọi khác, như: cây phong hương, cây bạch giao hương...Tên khoa học của cây phong hương là Liquidambar formosana Hance. Sự chuyển động màu của lá cây sau sau là bức tranh hoàn hảo bốn mùa. Ai từng ăn lá sau sau xào thịt bò sẽ không thể nào quên...
Bình luận 0

Cây sau sau (mạy sâu - Tày) mọc ở tỉnh Cao Bằng còn có nhiều tên gọi khác, như: Phong hương, bạch giao hương... Tên khoa học của phong hương là Liquidambar formosana Hance. 

Các bộ phận của cây sau sau có tên riêng. Quả sau sau gọi là lộ lộ thông, lá gọi là phong hương diệp, rễ sau sau có tên là phong hương căn, nhựa là phong hương keo.

Cây sau sau đối với nhiều người thật mộc mạc bình dị, quá quen thuộc, không có gì đáng để tâm. Trước đó hai mươi năm tôi cũng vậy. Cho đến một buổi tối dạo trên một số trục đường ở thành phố Huế tôi bất ngờ phát hiện ra ở cố đô có trồng sau sau.

Nơi đất khách quê người lòng bỗng xốn xang nhớ về quê nhà đến mức khó tả. Cây sau sau làm cho tôi xúc động, làm tôi dâng trào cái chất thơ ca vốn tiềm ẩn bấy lâu nay. Từ ngày đó tôi bắt đầu quan tâm đến loài cây dung dị này. 

Thì ra quả đúng là cây sau sau có một số đặc điểm riêng, có những thế mạnh không phải loài thực vật nào cũng có. Cây sau sau cũng mọc hoang ở nhiều nơi trên đất nước Việt Nam và ở một số nước khác. Nhưng không ở đâu sau sau gây nhiều cảm xúc và ấn tượng như ở huyện Trùng Khánh (Cao Bằng). Thổ nhưỡng và khí hậu ở đó hợp với sau sau nên cây mọc tốt, cao to. 

    Loại cây rừng ở Cao Bằng tác dụng thần kỳ với phụ nữ sau sinh, màu sắc 4 mùa, xào thịt bò miễn chê - Ảnh 1.

    Rừng cây sau sau mọc ở huyện Trùng Khánh, tỉnh Cao Bằng. Ảnh: Mác Kham

    Vào mùa xuân từ những cành trơ trụi của sau sau chồi non tách khỏi vỏ lớn nhanh tạo ra những chiếc lá màu tím rồi chuyển sang màu đỏ quyến rũ. 

    Thời gian sau màu đỏ dịu dần để chuyển sang màu xanh lá mạ phớt chút đỏ còn lưu luyến không khí xuân chuyển sang hè. Sau đó lá sau sau có màu xanh đậm đặc trưng của màu lá. 

    Mùa thu đến lá sau sau lại chuyển màu để chớm đông có màu vàng day dứt hoài niệm để từng giờ, từng ngày lá chín thành màu đỏ sẫm trước khi theo những luồng gió lạnh trở về với mặt đất như gắng làm ấm lên cái giá buốt của vùng biên. 

    Sự chuyển động màu của lá cây sau sau là bức tranh hoàn hảo bốn mùa. Ai từng ăn lá sau sau xào thịt bò sẽ không thể nào quên cái hương vị đặc biệt của nó. Những ai đã từng ăn xôi nhuộm từ lá sau sau cũng sẽ cảm nhận dễ dàng mùi thơm quyến rũ nhẹ nhàng tỏa ra trong từng hạt xôi. Lá non sau sau chấm tương ăn sống như một gia vị trong bữa ăn tưởng như dân dã nhưng cũng sang trọng và có cái riêng cái lạ của dân sành điệu ẩm thực...

    Quả sau sau (lộ lộ thông) theo đông y có vị đắng, tính bình, mùi thơm, tác dụng khứ phong, hoạt lạc, lợi thủy thông kinh. Có tác dụng chữa phong thấp, đau nhức khớp xương, khớp, tâm vị đau trướng, thủy thũng, đái khó, mề đay, viêm da, chàm. 

    Lá sau sau (phong hương diệp) có vị đắng, tính bình, tác dụng thanh nhiệt giải độc, thu liễm chỉ huyết. Lá sau sau có tác dụng chữa viêm ruột, đau vùng thượng vị, thổ huyết, chảy máu cam, dùng ngoài trị mẩn ngứa, eczema. 

    Nhựa phong hương (phong hương keo) có vị ngọt, cay, tính ấm, tác dụng thông khiếu, khai uất, khứ đàm, hoạt huyết giảm đau. Nhựa sau sau có tác dụng trị ho có đờm, kinh giản, thổ huyết, chảy máu cam. Rễ sau sau (phong hương căn) có vị đắng tính ấm, tác dụng khư thấp, chỉ thống có tác dụng chữa thấp khớp, đau răng. 

    Như vậy từ các bộ phận của cây sau sau còn cho nhiều bài thuốc giá trị trong dân gian, trong y học cổ truyền của dân tộc. Cây tầm gửi mọc trên sau sau là vị thuốc quý mà đồng bào vùng cao vẫn thường dùng để đun nước tắm cho phụ nữ sau sinh với nhiều tác dụng thần kỳ.

    Lá cây sau sau trông giống lá phong bởi nó chính là một giống phong với tên gọi rất đẹp là: Phong hương. Xuất xứ tên gọi đó là bởi loài cây này có nhựa thơm quyến rũ. Vào những năm thập kỷ bảy mươi của thế kỷ hai mươi, các nhà khoa học của Việt Nam đã chiết xuất thành công nhựa thơm từ cây sau sau có chất lượng tương đương nhựa thơm Canada với tên gọi “Vietnam balsam”. 

    Nhựa thơm cây phong hương được ứng dụng trong công nghiệp dược và mỹ phẩm. Không hiểu tại sao ngần ấy thời gian trôi qua mà “Vietnam balsam” chưa hoặc không trở thành thương phẩm thông dụng góp phần làm giàu cho quê hương, đất nước.

    Những rừng sau sau cao vút vào ngày hè sẽ là nơi cắm trại, nơi nghỉ mát của thanh thiếu niên và du khách. Mùa lá phong hương vàng chín đỏ sẽ là thời điểm quý cho khách du lịch thăm thú, cho các họa sỹ, những nhà nhiếp ảnh sáng tạo. 

    Tôi tưởng tượng đường phố quê mình mà trồng sau sau chắc cũng sẽ có nhiều ý nghĩa vì loài cây này không chỉ có nhiều giá trị chưa được quan tâm khai thác mà từ thính giác, thị giác và khứu giác thêm cả vị giác của tất cả mọi người đều cảm nhận được hương thơm ngan ngát. Bởi sau sau là phong hương, là gió thơm.

    Đoàn Lư (Báo Cao Bằng)
    Mời các bạn đồng hành cùng báo Dân Việt trên mạng xã hội Facebook để nhanh chóng cập nhật những tin tức mới và chính xác nhất.
    Tin cùng chuyên mục
    Xem theo ngày Xem