Loạn mức giá xét nghiệm kháng thể SARS-CoV-2

Bạch Dương Thứ năm, ngày 07/10/2021 15:41 PM (GMT+7)
Mặc dù Bộ Y tế, Sở Y tế TP.HCM đã đưa ra các khuyến cáo việc xét nghiệm kháng thể SARS-CoV-2 sau khi tiêm vaccine Covid-19 không giúp xác định hiệu quả bảo vệ đối với bệnh, nhưng nhiều cơ sở y tế tư nhân vẫn quảng cáo tràn lan với các mức thu phí khác nhau.
Bình luận 0
Loạn mức giá xét nghiệm kháng thể SARS-CoV-2 - Ảnh 1.

Quảng cáo xét nghiệm kháng thể Covid-19 của một phòng khám tư nhân. Ảnh: Q.C

Mỗi nơi một giá, người dân vẫn lao đi xét nghiệm

Lợi dụng tâm lý của người dân sau tiêm vaccine Covid-19, nhiều cơ sở đã tung ra xét nghiệm kháng thể để đánh giá khả năng bảo vệ sau tiêm vaccine.

"Xét nghiệm định lượng kháng thể Covid-19 là phương pháp xét nghiệm dựa trên việc xác định kháng thể kháng virus SARS-CoV-2 lưu hành trong máu. Nếu một người chưa từng tiếp xúc virus, cơ thể không sinh ra kháng thể thì kết quả xét nghiệm sẽ "âm tính". Trường hợp cơ thể đã sinh ra kháng thể, kết quả xét nghiệm sẽ phản ánh bằng một chỉ số và chỉ số định lượng này chứng tỏ cơ thể có ít hay nhiều kháng thể bảo vệ…".

Đó là lời quảng cáo về một dịch vụ xét nghiệm mới xuất hiện thời gian gần đây, đánh trúng tâm lý của không ít người đã tiêm vaccine Covid-19.

Trên một số trang web, để quảng cáo cho xét nghiệm kháng thể sau tiêm vaccine Covid-19, có cơ sở thông tin: "Trong 100 người sau tiêm đủ 2 mũi vaccine Covid-19 có khoảng 5 - 20 người không sinh đủ kháng thể để phòng bệnh". Điều này đã ít nhiều tạo tâm lý lo lắng cho người dân.

Sau khi được tiêm 2 mũi vaccine Covid-19, chị Trần Thị Kim Cúc (ngụ quận 7) vẫn lo lắng không biết mình đã có kháng thể SAR-CoV-2 hay chưa. Chị liên hệ một phòng khám đa khoa quốc tế trên đường Nam Kỳ Khởi Nghĩa (quận 1) có quảng cáo dịch vụ xét nghiệm kháng thể tại nhà, chị được báo mức giá 890.000 đồng/người. Nếu làm xét nghiệm 2 người cùng nhà thì được giảm còn 690.000 đồng/người.

Anh Nguyễn Văn Út (làm nghề shipper, ngụ quận Bình Tân) lại muốn được xét nghiệm kháng thể để chứng minh mình từng mắc Covid-19. Cuối tháng 8, anh tự test nhanh Covid-19 cho kết quả dương tính. Do nhiều lần không liên hệ được với y tế phường, anh Út tự mua thuốc điều trị tại nhà. 

May mắn, sau 14 ngày tự điều trị, anh hoàn toàn hết các triệu chứng và cũng đã âm tính khi thực hiện test nhanh. Được một người bạn mách nước, anh Út tìm đến dịch vụ xét nghiệm kháng thể với hy vọng kết quả này giúp anh được cấp "thẻ xanh Covid-19".

Hiện vẫn còn khá nhiều cơ sở y tế tư nhân giới thiệu dịch vụ xét nghiệm kháng thể với đủ mức giá, từ 350.000 đồng – 1,5 triệu đồng (trọn gói).

Lạm dụng xét nghiệm kháng thể là tốn kém và vô ích

Trước thông tin nhiều người dân tự nguyện xét nghiệm định lượng kháng thể sau khi tiêm vaccine Covid-19, TS.BS Phạm Quang Thái, Phó trưởng Khoa Kiểm soát bệnh truyền nhiễm, Viện Vệ sinh dịch tễ Trung ương, cho biết trên thế giới chưa có quốc gia nào khuyến cáo xét nghiệm định lượng kháng thể virus SARS-CoV-2 sau khi tiêm đủ 2 mũi vaccine. Việc xét nghiệm kháng thể thường để phục vụ công tác nghiên cứu và điều trị.

Mỗi loại vaccine có thể giúp tạo ra lượng kháng thể khác nhau, nhưng ngoài kích thích sinh kháng thể thì vaccine còn kích hoạt miễn dịch qua trung gian tế bào, do vậy, kháng thể cao chưa chắc đã tốt hơn và ngược lại. Việc xét nghiệm định lượng kháng thể để đánh giá khả năng một người đã được bảo vệ là chưa đủ căn cứ khoa học.

Theo giải thích của BS Thái, nhiều người nhiễm SARS-CoV-2 không có kháng thể, hoặc không định lượng được kháng thể. Nhưng phần lớn không nhiễm bệnh tiếp trong những lần phơi nhiễm tiếp theo, bởi họ đã có miễn dịch qua trung gian tế bào hoặc đã có tế bào nhớ miễn dịch của lần tấn công trước.

Loạn mức giá xét nghiệm kháng thể SARS-CoV-2 - Ảnh 3.

Xét nghiệm kháng thể tại Bệnh viện Chợ Rẫy chủ yếu phục vụ mục đích nghiên cứu. Ảnh: BVCC

Liên quan đến việc xét nghiệm kháng thể để chứng minh là F0 khỏi bệnh hoặc đã tiêm vaccine, TS.BS Nguyễn Văn Vĩnh Châu, Phó Giám đốc Sở Y tế TP.HCM cho rằng, xét nghiệm kháng thể vô cùng phức tạp. Các test thương mại trên thị trường là xét nghiệm kháng thể chung; trong khi kháng thể bảo vệ không bị mắc bệnh là kháng thể trung hòa, ngăn chặn trực tiếp protein gai trên virus. Do đó, việc đo kháng thể để xác định có khả năng bảo vệ hay không hiện nay chỉ mang tính chất tương đối.

Trước tình trạng "lạm dụng" xét nghiệm kháng thể ở một số địa phương, Bộ Y tế đã có văn bản gửi Viện trưởng Viện Vệ sinh dịch tễ Trung ương, Viện Pasteur các khu vực, Giám đốc Sở Y tế các tỉnh, thành phố trực thuộc trung ương không sử dụng xét nghiệm kháng thể SARS-CoV-2 sai mục đích, không cần thiết, gây tốn kém và có thể gây tâm lý chủ quan trong thực hiện các biện pháp phòng chống dịch, tăng cường công tác truyền thông cho người dân và đơn vị xét nghiệm về lợi ích và giá trị chẩn đoán của các phương pháp xét nghiệm.

Sở Y tế TP.HCM cũng đã có công văn khẩn gửi đến các cơ sở y tế trên địa bàn về việc xét nghiệm kháng thể SARS-CoV-2; trong đó có đề nghị các đơn vị không xét nghiệm kháng thể SARS-CoV-2 khi không cần thiết, gây tốn kém.

Sở Y tế giao Trung tâm Kiểm soát Bệnh tật TP.HCM phối hợp các đơn vị chuyên môn, các chuyên gia trong lĩnh vực xét nghiệm xây dựng nội dung truyền thông cho người dân về lợi ích và giá trị chẩn đoán của các phương pháp xét nghiệm.

Bên cạnh đó, các Phòng y tế quận, huyện và TP.Thủ Đức triển khai về việc xét nghiệm kháng thể này đến các phòng khám và phòng xét nghiệm tư nhân trên địa bàn quản lý; kiểm tra, giám sát việc thực hiện xét nghiệm tại các cơ sở tư nhân đảm bảo đúng quy định pháp luật.

Mời các bạn đồng hành cùng báo Dân Việt trên mạng xã hội Facebook để nhanh chóng cập nhật những tin tức mới và chính xác nhất.
Tin cùng chuyên mục
Xem theo ngày Xem