Lối đá kiểm soát (Kỳ 1): Bóng đá Việt Nam có phù hợp không?

Trần Oánh Thứ sáu, ngày 29/03/2024 15:10 PM (GMT+7)
Đang có cuộc tranh cãi bất tận rằng bóng đá Việt Nam có phù hợp với lối đá kiểm soát hay không? Và dường như chúng ta đang tranh cãi về 1 vấn đề, khi mà chính khái niệm vấn đề đó là gì? Thì mỗi người lại hiểu 1 kiểu.
Bình luận 0

Lối đá kiểm soát là gì?

Với rất nhiều người hâm mộ Việt Nam, nói đến lối đá kiểm soát, lập tức người ta nghĩ đến cách đá của các đội bóng hàng đầu thế giới, như Brazil, Aghentina, Đức, Hà Lan … hay điển hình hơn, họ nghĩ đến Barcelona, ĐT Tây Ban Nha, nghĩ đến HLV lừng danh Pep Guardiola ... nhưng rõ ràng, trình độ mặt bằng của bóng đá Việt Nam so với các nền bóng đá kể trên có 1 khoảng cách rất xa.

Thực tế, trong tiếng Việt, khái niệm "lối đá kiểm soát" mới xuất hiện gần đây, dường như nó là sự diễn giải cho cả khái niệm pressing trong bóng đá, vốn đang thịnh hành trên thế giới, cùng cả cho khái niệm kiểm soát bóng. Đang có cuộc tranh cãi bất tận rằng bóng đá Việt Nam có phù hợp với lối đá kiểm soát hay không? Và dường như chúng ta đang tranh cãi về 1 vấn đề, khi mà chính khái niệm vấn đề đó là gì? Thì mỗi người lại hiểu 1 kiểu.

Lối đá kiểm soát (Kỳ 1): Bóng đá Việt Nam có phù hợp không?- Ảnh 1.

Khả năng thoát pressing của ĐT Việt Nam trong trận đấu với ĐT Indonesia trên sân Mỹ Đình là không tốt. Ảnh: Lê Hiếu.

Để việc phân tích khả năng phù hợp của ĐT Việt Nam với lối đá kiểm soát đi đến kết quả, để các cuộc tranh luận tiến gần đến đích hơn, trước tiên chúng ta phải cùng nhau thống nhất 1 số khái niệm căn bản.

Trong 1 trận đấu bóng đá, ở bất kỳ cấp độ nào, từ Wolrd Cup tới bóng đá vỉa hè, 1 đội bóng luôn ở 1 trong 2 trạng thái cơ bản, hoặc "kiểm soát bóng" (posseision) hoặc "không kiểm soát bóng" (out of posseison). Giữa 2 trạng thái bền vững đó, có 2 giai đoạn với thời gian ngắn, cỡ khoảng dưới 10 giây, mà ngày nay chúng ta hay được nghe các bình luận viên nhắc đến, đó là giai đoạn chuyển đổi trạng thái.

Tóm lại, trong 1 trận đấu, các đội bóng phải tuần hoàn trải qua 2 trạng thái và 2 giai đoạn chuyển đổi trạng thái. Chúng ta sẽ cùng nhau tìm hiểu về từng trạng thái và giai đoạn này.

Đầu tiên là trạng thái "không kiểm soát bóng"

Đây là lúc các đội bóng tổ chức phòng ngự, là lúc để họ có thể thực hiện "pressing". Bạn có thể tra từ điển và có các định nghĩa, cách giải thích không hoàn toàn giống nhau cho khái niệm pressing, nhưng cơ bản đó là một quá trình phòng ngự chủ động và có hệ thống. Chẳng hạn, khi 1 cầu thủ đối phương có bóng, đương nhiên bạn phải tiến tới và tạo áp lực truy cản nhằm giành lại bóng. Thuật ngữ tiếng Anh chỉ hành động truy cản cá nhân này là "apply pressure", và đó là hoạt động đơn lẻ. Pressing bao gồm nhiều hoạt động truy cản đơn lẻ của nhiều cầu thủ đó. Và nó có tính chủ động bởi các hoạt động truy cản này có kế hoạch. Có tính hệ thống bởi sự phối hợp đồng bộ của cả đội bóng hoặc một nhóm cầu thủ tham gia pressing.

Thế giới chia pressing ra làm 3 loại

Pressing tầm thấp (Low press), là pressing ở phần sân nhà, đại loại ta vẫn hay nói đó là trạng thái nhường nửa sân cho đội bạn, ta chỉ thực sự tranh chấp quyết liệt khi bóng được đưa sang phần sân nhà. Lúc này giới hạn cho hàng ngang bẫy việt vị sẽ khoảng từ vạch 16m50 trở xuống. Ưu điểm là loại này an toàn hơn cho hàng thủ các đội bóng, khoảng cách từ tiền đạo đến hậu vệ thấp nhất gần nhau. Mật độ cầu thủ cao, dễ hỗ trợ bọc lót cho nhau trong phòng thủ. Điểm yếu là khoảng cách từ chỗ cướp được bóng đến cầu môn đối phương xa, số lượng cầu thủ tham gia các cuộc phản công ít. Đây là dạng phòng thủ mà các cấp ĐT Việt Nam thời HLV Park Hang-seo hay áp dụng.

Pressing tầm trung (Midfield press), đó là tập trung tranh chấp khu vực giữa sân, đỉnh khu vực này ở khoảng giữa vạch 16m50 của đối phương tới vạch giữa sân, đáy và là giới hạn cho hàng ngang bẫy việt vị ở khoảng giữa vạch giữa sân tới vạch 16m50 đội nhà. Ranh giới giữa pressing tầm trung và pressing tầm cao ngày càng mờ nhạt trong bóng đá hiện đại, bởi việc vận hành chiến thuật của các đội bóng ngày càng trở nên linh hoạt hơn.

Lối đá kiểm soát (Kỳ 1): Bóng đá Việt Nam có phù hợp không?- Ảnh 2.

ĐT Việt Nam thực hiện nhiều đường chuyền hỏng khi ĐT Indonesia chủ động pressing tầm cao. Ảnh: Lê Hiếu.

Pressing tầm cao là tranh chấp trên toàn bộ mặt sân đối phương, giới hạn bắt việt vị là vạch giữa sân. Trong trận ĐT Việt Nam gặp ĐT Indonesia lượt về vòng loại Wolrd Cup 2026 trên sân Mỹ Đình, có 1 tình huống cầu thủ Bùi Hoàng Việt Anh là người dưới cùng kích hoạt bẫy việt vị để đẩy tiền đạo Indonesia vào thế việt vị ở ngay vạch giữa sân khi đội bóng đang pressing tầm cao. Mặc dù pressing là 1 trạng thái phòng ngự, nhưng nhiều đội bóng hàng đầu đã đẩy trạng thái này lên mức độ cao hơn, nó trở thành như một trạng thái tấn công trong phòng ngự. Ép đối phương vào thế bị động ngay khi họ đang cầm bóng trên sân nhà, khi còn chưa kịp tổ chức tấn công. Ưu điểm của loại pressing này là đẩy khu vực tranh chấp bóng đến gần khung thành đối phương, dẫn đến các tình huống phản công hay tấn công có quãng đường ngắn hơn, nhanh hơn. Nhược điểm là có khoảng trống rất lớn giữa phía sau hàng hậu vệ và thủ môn đội nhà, cùng việc nếu pressing tầm cao thường xuyên tiêu hao rất nhiều thể lực của các cầu thủ.

Tiếp theo là trạng thái "kiểm soát bóng"

Nói đến kiểm soát bóng, người ta nghĩ ngay đến lối đá Tiki-taka của Barcalona dưới thời HLV Pep Guardiola. Thực tế có nhiều hình thức kiểm soát bóng, tiki-taka chỉ là 1 trong số đó. Đây là giai đoạn các đội bóng tìm cách phối hợp đưa bóng lên gần khung thành đối phương để tìm kiếm cơ hội. Nếu bạn không giỏi kiểm soát bóng, bạn không thể tiến gần cầu môn đối phương mà không mất bóng, hoặc bạn có thể mất bóng ngay trên sân nhà do đối phương pressing tầm cao.

Cuối cùng là 2 giai đoạn chuyển đổi trạng thái

Nếu đang trong trạng thái "kiểm soát bóng", bị mất bóng, để chuyển đổi trạng thái, một đội bóng có 2 lựa chọn:

Cách thứ nhất là ngay lập tức gây áp lực để giành lại bóng, như các thầy ngày xưa dạy thì đó là: mất bóng ở đâu đuổi bóng ở đó, thuật ngữ tiếng Anh là counter-press. Nó khác với khái niệm "apply pressure" nói đến ở trên, cũng là ngay lập tức tạo áp lực cướp lại bóng khi vừa mất bóng trong giai đoạn chuyển đổi, nhưng "apply pressure" là hành động đơn lẻ, còn counter-press là hoạt động hệ thống. Nếu counter-press thất bại, lúc đó đội bóng sẽ tiến vào giai đoạn "không kiểm soát bóng", lùi về ổn định đội hình để phòng ngự. Nếu counter-press thành công, họ quay trở lại trạng thái "kiểm soát bóng". Khái niệm counter-press khá giống với pressing, nhưng nó chỉ tương đồng ở chỗ đều mang ý nghĩa gây áp lực để đoạt lại bóng. Khi counter-press là chỉ động thái lập tức giành lại bóng ngay khi vừa mất bóng trong giai đoạn chuyển đổi trạng thái, thì pressing là việc gây áp lực lên đối phương trong trạng thái "không kiểm soát bóng". Cách thứ 2 đó là ngay khi mất bóng, các cầu thủ sẽ lùi về sân nhà, ổn định đội hình phòng ngự và đi vào giai đoạn "không kiểm soát bóng". Thuật ngữ tiếng Anh là reshape, có nghĩa là tái cấu trúc hàng phòng thủ.

Ngược lại, nếu đang từ trạng thái "không kiểm soát bóng", cướp được bóng của đối phương, đội bóng cũng có 2 lựa chọn cho giai đoạn chuyển đổi trạng thái. Cách thứ nhất là tận dụng cơ hội, lập tức tổ chức phản công nhanh. Đây là cách các đội bóng áp dụng lối đá phòng ngự phản công ưa thích. Nếu tổ chức phản công nhanh không thành công, đội bóng sẽ chuyển sang trạng thái "kiểm soát bóng". Cách thứ 2 đó là chủ động cầm bóng, ổn định đội hình, tiến vào trạng thái "kiểm soát bóng".

Càng ngày, 2 giai đoạn chuyển đổi trạng thái trong chu kỳ nêu trên càng trở nên quan trọng và được các đội bóng quan tâm. Vì có 1 quy luật, đó là hàng phòng ngự của 1 đội bóng dễ bị tổn thương nhất là khi họ vừa để mất bóng. Vì vậy, phản công nhanh ngay khi cướp được bóng tỏ ra rất hiệu quả. Đây là điều dễ hiểu, vì lúc đó, hàng phòng ngự của đối thủ vừa thiếu người do chưa lùi về kịp, vừa chưa kịp ổn định đội hình phòng thủ.

Nhưng khi các miếng phản công ngày càng tỏ ra hiệu quả thì các đội bóng tấn công cũng tìm mọi cách để đối phó với các cuộc phản công khi bị mất bóng. Khi đó khái niệm counter-press hình thành với triết lý: Thời điểm dễ nhất để lấy lại bóng là khi bạn vừa bị mất bóng. Điều này cũng dễ hiểu, vì khi bạn vừa cướp được bóng, cá nhân bạn chưa ở trong trạng thái khống chế bóng một cách chủ động, khoảng cách hợp lý để chuyền ban phối hợp kiểm soát bóng giữa bạn và các đồng đội cũng chưa hình thành đủ để các đồng đội hỗ trợ hiệu quả cho bạn, đó là lúc bạn dễ bị mất bóng ngược.

Trên đây là 2 trạng thái và 2 giai đoạn chuyển đổi trạng thái tồn tại thành chu kỳ tuần hoàn trong 1 trận đấu bóng đá, cùng một số khái niệm căn bản. Việc chọn lối đá nào cho 1 đội bóng, ví dụ như phòng ngự phản công hay lối đá kiểm soát, bản chất là chọn cách để xử lý từng trạng thái và từng giai đoạn chuyển đổi trạng thái nêu trên trong 1 trận đấu. Vậy với điều kiện trình độ bóng đá Việt Nam, đặc thù thể hình, thể lực, khả năng kỹ thuật của các cầu thủ Việt Nam, chúng ta chọn lối đá thế nào? Chọn cách xử lý từng trạng thái, từng giai đoạn chuyển đổi nói trên ra sao cho phù hợp?

Mời các bạn cùng Dân Việt tìm hiểu trong Kỳ 2 của bài viết: Bóng đá Việt Nam có phù hợp với lối chơi kiểm soát hay không?

Mời các bạn đồng hành cùng báo Dân Việt trên mạng xã hội Facebook để nhanh chóng cập nhật những tin tức mới và chính xác nhất.
Tin cùng chuyên mục
Xem theo ngày Xem