Lời hứa của ông Bí thư Bình Định và kỳ tích ấm lòng về cuộc 'di cư lịch sử'

Dũ Tuấn Thứ ba, ngày 05/12/2023 08:05 AM (GMT+7)
Ở các xã miền núi của Bình Định bây giờ, thật khó tìm ra nơi nào có cơ sở hạ tầng khang trang, tươm tất như xã An Dũng (huyện An Lão). Một khung cảnh làng quê thanh bình, kỳ tích phép màu về cuộc sống tươi đẹp, hạnh phúc đã dần hiện hữu, từ cuộc "di cư lịch sử" phục vụ thi công hồ Đồng Mít.
Bình luận 0

Hồ chứa nước Ðồng Mít được khởi công tháng 2/2019, có dung tích gần 90 triệu m3, tổng mức đầu tư trên 2.140 tỷ đồng từ nguồn trái phiếu Chính phủ, vốn ngân sách Trung ương và địa phương. Dự án được khánh thành vào tháng 2/2023. Hồ bảo đảm cấp nước sinh hoạt cho 276.000 người; phục vụ tưới cho 6.742 ha đất canh tác vùng hạ du thuộc thị xã Hoài Nhơn, các huyện An Lão, Hoài Ân, Phù Mỹ. Tạo nguồn cấp nước cho 267 ha nuôi trồng thủy sản, cấp nước cho sản xuất công nghiệp 250 ha.

Kỳ tích lịch sử ở An Dũng

Hơn 3 năm trước, Chủ tịch UBND tỉnh Bình Định Hồ Quốc Dũng –  (nay là Bí thư Tỉnh uỷ, Chủ tịch HĐND tỉnh Bình Định) đã có chuyến công tác, vận động cuộc "di cư lịch sử" với gần 2.000 người ở An Dũng (chủ yếu là đồng bào H'rê), nhường chỗ cho dự án hồ chứa nước Ðồng Mít.

Đi cùng chuyến công tác ấy, phóng viên Dân Việt còn nhớ, với tư cách là người đứng đầu chính quyền tỉnh Bình Định, ông Hồ Quốc Dũng thành thật gửi lời cảm ơn sự hy sinh của bà con, đi kèm lời hứa có trách nhiệm rằng: "Vận dụng tất cả chính sách hỗ trợ, người dân đến nơi ở mới, phải tốt hơn nơi cũ".

Chuẩn bị cho cuộc dời dân với quy mô lớn lần này, Bình Định đã đền bù, xây dựng khu tái định cư và quy hoạch hơn 700ha đất, cải tạo diện tích lúa nước, hệ thống kênh mương tưới tiêu… giao cho người dân sản xuất, tại nơi ở mới.

Lời hứa của ông Bí thư Bình Định và kỳ tích ấm lòng về cuộc 'di cư lịch sử' - Ảnh 1.

Ông Hồ Quốc Dũng – Bí thư Tỉnh uỷ, Chủ tịch HĐND tỉnh Bình Định (khi ấy là Chủ tịch UBND tỉnh Bình Định) cảm ơn người dân ở An Dũng đã đồng lòng hy sinh vì lợi ích chung, nhường chỗ cho dự án hồ chứa nước Ðồng Mít. Ảnh: Dũ Tuấn.

Quả thực, sau lời hứa ấy, nhìn lại trong các xã miền núi của Bình Định bây giờ, thật khó tìm ra nơi nào có cơ sở hạ tầng khang trang, tươm tất như xã An Dũng (huyện An Lão). 

Một khung cảnh thanh bình như bất cứ làng quê nào, kỳ tích về cuộc sống tươi đẹp, hạnh phúc hiện hữu từ cuộc "di cư lịch sử" để phục vụ thi công hồ Đồng Mít...

Tận mắt chứng kiến cảnh đám trẻ nhỏ quần xanh, áo trắng không cảnh âu lo, nô nức, tung tăng đến trường, mới cảm nhận hết được bầu không khí yên bình ở miền sơn cước. Không "ngoa" khi nói rằng, An Dũng xứng đáng "lọt tóp" là một trong những khu tái định cư khang trang, đẹp nhất nhì miền núi ở miền Trung.

Đáng mừng, trong một lần ghé thăm bà con An Dũng, Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính xúc động nói rằng, ông cảm ơn sự đồng lòng của bà con khi chấp nhận rời làng cũ và rất ấm lòng khi Bình Định, có thêm công trình phục vụ người dân.

Lời hứa của ông Bí thư Bình Định và kỳ tích ấm lòng về cuộc 'di cư lịch sử' - Ảnh 2.

Khu tái định cư với cơ sở hạ tầng khang trang, đồng bộ. Ảnh: Dũ Tuấn.

Lần này trở lại đại ngàn An Lão, chúng tôi tận mắt thấy và nghe nhiều câu chuyện đẹp ở huyện miền núi, vốn nghèo khó nhất của Bình Định. 

Trong những mẩu chuyện thân tình, việc di dời gần 2.000 người (chủ yếu người Hrê) của xã An Dũng để thực hiện công trình thủy lợi hồ Đồng Mít, là một kỳ tích với cái kết hạnh phúc mĩ mãn, và đối với nhiều người nó tưởng chừng như "khó tin".

Một góc núi rừng hùng vĩ trước đây, giờ bừng sáng trông như phố thị với cơ sở hạ tầng khang trang, đồng bộ. 

Những con đường nội bộ rộng thênh thang được tráng bê tông phẳng lì với hệ thống điện hoàn chỉnh. Trường học, trạm y tế, cơ quan xã được xây dựng tinh tươm, bề thế. 

Đặc biệt, khi về nơi ở mới, người dân đã xây dựng những căn nhà hiện đại, khang trang. Nhìn từ xa, những mái ngói đỏ rực của khu tái định cư hồ Đồng Mít nổi bật lên màu xanh của núi rừng, trông như một bức tranh.

Lời hứa của ông Bí thư Bình Định và kỳ tích ấm lòng về cuộc 'di cư lịch sử' - Ảnh 3.

Những ngôi nhà bề thế, nằm san sát nhau được quy hoạch xây dựng bài bản giữa đại ngàn. Ảnh: Dũ Tuấn.

'Bà con tha thiết muốn mang nắm đất quê hương ở làng cũ về nơi ở mới'

Để di dân, Ban Thường vụ Huyện uỷ An Lão đã thành lập ngay Ban Chỉ đạo vận động cuộc di dời, Trưởng Ban lúc đấy là Bí thư Huyện uỷ Đinh Minh Tấn, Chủ tịch UBND huyện Phạm Văn Nam (hiện đang là Phó Chủ tịch Uỷ ban Mặt trận Tổ quốc Việt Nam tỉnh Bình Định) giữ chức Phó Ban trực kiêm Tổ trưởng Tổ công tác giải quyết trực tiếp vấn đề nóng.

Là Chủ tịch huyện miền núi, ông Nam am hiểu, thành thạo tiếng nói và thuộc nằm lòng những bài hát của người đồng bào H'rê. 

Đây là lợi thế, giúp ông có thể giao tiếp bằng tiếng mẹ đẻ của đồng bào H'rê và hiểu rất rõ tâm tư, nguyện vọng của bà con.

"Cái khó lúc này là làm sao để bà con An Dũng đồng lòng dời làng và khó khăn hơn là làm cách nào để bà con An Trung, An Hưng chấp thuận, nhường đất cho bà con An Dũng đến nơi ở mới, với diện tích đất ở và sản xuất là rất lớn. Không còn cách nào khác, chúng tôi tuyên truyền, vận động trong nội bộ cán bộ, Đảng viên trước, họ đi đầu trong việc nhận tiền đền bù để làm gương, từ đấy mới đi vận động người dân", ông Nam kể lại.

Lời hứa của ông Bí thư Bình Định và kỳ tích ấm lòng về cuộc 'di cư lịch sử' - Ảnh 4.

Những cuộc trò chuyện thân tình của Chủ tịch UBND huyện An Lão Phạm Văn Nam khi đến nhà bà con An Dũng để vận động di dời. Ảnh: Dũ Tuấn.

Theo ông Nam, tiến độ công việc rất áp lực, lúc này dời dân ở điểm dân cư nhạy cảm, bởi sinh kế chưa bền vững nên vừa làm công tác dời dân, vừa đảm bảo đời sống và lương thực cho người dân là rất khó. 

Ngay khi dời dân ra cũng chưa bố trí kịp đất ruộng, nhiều hộ chưa xây kịp nhà ở vì theo nguyện vọng người dân muốn cầm tiền, tự xây nhà mình để ở. Nhưng nếu để bà con cầm tiền nhiều, rất dễ không làm chủ được mình, dẫn đến việc tiêu pha hoang phí, không còn tiền làm nhà.

Vì vậy, huyện đã kết nối với ngân hàng Agribank để làm "bà đỡ" đóng gói các khoản đền bù làm quỹ tiết kiệm cho người dân. Có hộ, chờ quá trình xây dựng nhà ổn định thì quỹ tiết kiệm từ tiền đền bù cũng lên mười mấy triệu… 

"Chúng tôi mất đúng 4 tháng 18 ngày để hoàn thành việc di dời 480 hộ dân An Dũng với 1.998 nhân khẩu về nơi ở mới", ông Nam cho hay.

Để giúp bà con hình dung về nơi ở mới, ông Nam trực tiếp giao việc cho Phòng Kinh tế Hạ tầng lên ý tưởng, thiết kế nhà mẫu chuẩn 1 phòng khách, 3 phòng ngủ, 1 phòng ăn, công trình vệ sinh khép kín. Và dự tính, về số tiền xây dựng hoàn thiện ngôi nhà, để bà con yên tâm.

Ông Nam nói rằng, bí quyết để thành công trong cuộc di dân là tất cả kiến nghị của bà con đều được ghi nhận, xử lý công khai, minh bạch, chính sách luôn đi kèm với quyền lợi hợp pháp và phù hợp phong tục tập quán, của người đồng bào.

Lời hứa của ông Bí thư Bình Định và kỳ tích ấm lòng về cuộc 'di cư lịch sử' - Ảnh 4.

Là Chủ tịch huyện miền núi, ông Phạm Văn Nam (đội mũ xanh) am hiểu, thành thạo tiếng nói và thuộc nằm lòng những bài hát của người đồng bào H'rê. Ảnh: Dũ Tuấn.

"Bà con rời làng tha thiết muốn mang nắm đất quê hương ở làng cũ về nơi ở mới, vì vậy ruộng lúa nước được lấy đất mặt ở làng An Dũng cũ mang về nơi ở mới, phủ trên lớp mặt để tạo nguồn dinh dưỡng, cho bà con sản xuất. Việc này, không có trong phương án ban đầu, nhưng khi chúng tôi kiến nghị, tỉnh chấp thuận, vì đây là quyền lợi chính đáng. Mùa lúa nước đầu tiên ở vùng đất mới, đạt năng suất 62 tạ trên héc ta, mùa màng ấm no, bà con hạnh phúc khôn xiết, cán bộ cũng vui lây với thành quả của bà con", ông Nam bộc bạch. 

Ngoài ra, chính quyền huyện cũng hỗ trợ mỗi gia đình 5 cây ăn quả gồm: Mít, dừa, xoài... Vậy nên, nếu về An Dũng vào mùa cây ra quả, màu xanh thiên nhiên cộng với hoa quả, rất sung túc, trù phú.

Câu chuyện mà ông Nam nhắc đến nhiều lần khi trò chuyện với tôi, ông bảo "cả cuộc đời sẽ không bao giờ quên", là khoảnh khắc chứng kiến cảnh xúc động của nhiều gia đình đồng bào H'rê, di dời làng ma trên chính mảnh đất "chôn nhau cắt rốn" của họ.   

"Bây giờ nhớ lại, tôi vẫn còn rùng mình, cảm xúc xúc động đan xen. Để thuyết phục việc di dời mồ mả của bà con, quả là điều không dễ dàng. Tôi phải xếp lịch để đi ăn cúng cùng với già làng, những người có uy tín trong làng, chứng kiến cuộc di dời 26 rừng ma (nghĩa địa của đồng bào). 

Lời hứa của ông Bí thư Bình Định và kỳ tích ấm lòng về cuộc 'di cư lịch sử' - Ảnh 6.

Ông Phạm Văn Nam (mũ xanh) đi cùng bà con An Dũng bốc mộ từ rừng ma cũ về chôn cất tại rừng ma mới. Ảnh: Dũ Tuấn.

Bản chất người đồng bào rất trung thực và họ sống tình cảm, tính cộng đồng bản làng rất cao. Mỗi nấm mồ họ chỉ bốc một nắm đất, cuộn gói gọn trong chiếc chiếu để dời về rừng ma mới. Cảnh người khóc lóc bùi ngùi, thê lương… khiến ai nấy có mặt, cũng rất dễ rơi nước mắt", ông Nam nói và cho biết, vậy nên việc vận dụng chính sách phải song hành, cụ thể hoá phù hợp với phong tục tập quán người đồng bào, không thể bỏ quên phong tục truyền thống của người đồng bào dân tộc thiểu số. 

Bằng nhiều cách với những câu chuyện rất thực và thú vị, chính quyền, hội đoàn thể tích cực vận động di dời vì lợi ích chung, nơi ở mới đảm bảo tốt hơn nơi cũ, thế là bà con đồng thuận rời làng.

"Nhìn lại khu tái định cư khang trang, cuộc sống của người dân được ấm no, hạnh phúc. Chúng tôi rất biết ơn sự hi sinh của bà con An Dũng, lời hứa về nơi ở mới ổn định với bà con, đã được thực hiện một cách hoàn hảo nhất có thể", ông Nam tâm sự.

'Ở làng cũ muốn đi viện bằng xe máy mất gần 1 giờ đồng hồ, giờ đi một lát là tới'

Gia đình chàng thanh niên người Hrê Đinh Văn Kiên có 5 nhân khẩu gồm ông nội, ba mẹ và vợ chồng Kiên. 

Chia tay nơi ở cũ với căn nhà cấp 4 tuềnh toàng, về khu tái định cư gia đình Kiên xây dựng căn nhà rất kiên cố, khang trang. Hỏi căn nhà xây hết bao nhiêu tiền, Kiên lắc đầu vừa cười vừa bộc bạch: "Xây nhà bao nhiêu tiền chỉ có ông ba biết chứ mình không có biết, mà chắc tốn nhiều tiền lắm, nhà đẹp mà".

Đi ngang qua căn nhà mới toanh vừa xây dựng hoàn chỉnh có tường rào cổng ngõ rất bề thế, nhìn vào thấy chiếc ô tô bán tải đậu bên hông nhà, phía bên kia là gian hàng tạp hóa nho nhỏ với cô gái người Hrê xinh đẹp. Ghé vào, chúng tôi được cô gái đón chào bằng nụ cười tươi như xuân mới.

Lời hứa của ông Bí thư Bình Định và kỳ tích ấm lòng về cuộc 'di cư lịch sử' - Ảnh 4.

Hạ tầng giao được được xây dựng kết nối đồng bộ ở khu tái định cư. Ảnh: Dũ Tuấn.

Đinh Thị Phương cô gái trẻ H'rê cho hay, khi còn ở làng cũ, gia đình Phương ở trong căn nhà sàn nho nhỏ. 

Khi về khu tái định cư gia đình của Phương được Nhà nước cấp 450m2 đất, tiền hỗ trợ nhận được 270 triệu đồng, căn nhà vừa xây dựng xong mấy tháng nay tiêu tốn hết 450 triệu đồng. 

Nhờ ba mẹ của Phương vừa làm rẫy trồng keo vừa mua bán gỗ rừng trồng nên có tích lũy, về nơi ở mới xây được nhà to và việc làm ăn thuận lợi hơn.

Về khu tái định cư cuộc sống có những đổi thay tốt hơn nơi ở cũ. Cơ quan Nhà nước, trường học, trạm y tế chỉ đi mấy bước là tới, ai đau nặng đường đến bệnh viện huyện cũng rất gần, điện thì sáng cả ngày cả đêm. 

"Hồi còn ở trên làng cũ, ai đau yếu chỉ biết cúng để chữa bệnh chứ bệnh viện xa quá ai cũng ngại đi. Ở làng cũ, đau ốm bất chợt nhưng muốn đi bệnh viện bằng xe máy mất khoảng gần 1 giờ đồng hồ, giờ đi một lát là tới, mừng nhất là chuyện ấy", cô gái trẻ người H'rê nhớ lại.

Lời hứa của ông Bí thư Bình Định và kỳ tích ấm lòng về cuộc 'di cư lịch sử' - Ảnh 5.

Ruộng nương, đất canh tác để phục vụ nhu cầu công việc hằng ngày của người dân An Dũng nơi ở mới. Ảnh: Dũ Tuấn.

Điểm nhấn độc đáo tại khu tái định cư hồ Đồng Mít là xen lẫn giữa những ngôi nhà được xây dựng khá "hiện đại" là những căn nhà sàn truyền thống của đồng bào dân tộc thiểu số. 

Theo truyền thống của đồng bào Hrê ở An Lão, người dân chỉ sinh hoạt trong nhà sàn. Thế nên bây giờ về nơi ở mới dẫu họ có xây dựng được nhà kiên cố đi nữa thì phía sau căn nhà mới họ vẫn dựng gian nhà sàn để gia đình làm chỗ sinh hoạt, gỗ làm nhà sàn được họ tận dụng từ căn nhà sàn cũ trước đây.

Theo ông Đinh Văn Phiên - Chủ tịch UBND xã An Dũng, cuộc dời dân hồ Đồng Mít diễn ra năm 2020, ban đầu gặp rất nhiều cam go do người dân không đồng thuận, nhưng tinh thần là khó chỗ nào tập trung tháo gỡ chỗ đó. 

"Các buổi vận động diễn ra ban đêm vì ban ngày bà con đều lên nương, lên rẫy. Chính quyền và người dân ngồi lại thảo luận, gỡ từng vấn đề nhỏ nhất, kể cả chuyện đền bù cây dừa, cây mít cũng phải để người dân đồng thuận", ông Phiên nói.

Lời hứa của ông Bí thư Bình Định và kỳ tích ấm lòng về cuộc 'di cư lịch sử' - Ảnh 6.

Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính, Bí thư Tỉnh uỷ Bình Định Hồ Quốc Dũng, Phó Bí thư Thường trực Tỉnh uỷ Lê Kim Toàn đến thăm, động viên, cảm ơn bà con nhân dân đã nhường nơi sinh sống và lao động cho dự án hồ Đồng Mít hoàn thành, hồi tháng 2. - Ảnh: VGP/Nhật Bắc.

Ông Phiên nhớ lại, ngày xưa, làng ở sâu trong hốc núi nhưng ở rải rác ven suối, đi lại khó khăn, hạ tầng không có. Mỗi mùa mưa là các bản lại phải lo sạt lở, lũ quét, đường sá bị cuốn trôi cô lập các làng. Nhưng từ khi tái định cư hồ Đồng Mít bà con có cuộc sống mới, như một cuộc cách mạng. 

Từ ở biệt lập trong núi, bà con được di dời ra gần trung tâm huyện, nhà cửa đầu tư hiện đại, con em học hành thuận lợi, nhiều người trẻ bắt đầu xuất khẩu lao động ra nước ngoài nên thu nhập cao. 

"Trước kia, xã chẳng có điều kiện gì nên chẳng ai mơ phát triển được nông thôn mới hết. Nhưng từ ngày tái định cư, huyện đã nhìn thấy tương lai và đưa An Dũng vào kế hoạch phấn đấu đến 2025 đưa xã về đích nông thôn mới. Hiện, chúng tôi đã đạt 12/19 tiêu chí xây dựng nông thôn mới nên điều kiện phát triển nông thôn kiểu mẫu rất tiềm năng", ông Phiên cho hay.

Lời hứa của ông Bí thư Bình Định và kỳ tích ấm lòng về cuộc 'di cư lịch sử' - Ảnh 7.

Ngôi làng mới bề thế... bừng sáng giữa núi rừng An Lão, Bình Định. Ảnh: Dũ Tuấn.

'Làng thoát khỏi cảnh biệt lập sâu trong hốc núi'

Già Đinh Văn Đua (83 tuổi, thôn 1, xã An Dũng) là cán bộ cách mạng, người có uy tín trong làng đi đầu nhường đất, dời đi. 

Cùng với các hộ dân, ông Đua được bố trí 7 lô đất ở (mỗi lô từ 300-400m2) do gia đình ông có 7 người con. Ngoài ra, ông còn được bố trí 3ha đất rẫy, ruộng lúa để canh tác. 

Đến làng mới, không còn lo chuyện đất đai nên bà con đua nhau xây dựng nhà cửa khang trang. Số tiền bà con có được để xây nhà, mua sắm là nhờ vào việc đền bù, giải tỏa. Chẳng mấy chốc, các lớp nhà mới dần phủ kín 3 phân khu tái định cư, tạo nên đô thị mới kiên cố giữa đại ngàn. 

Làng mới gần trung tâm huyện nên các em học sinh học lên cấp 2, 3 không cần ở lại bán trú như trước mà đi về thuận lợi. Từ đây, nhiều ngành nghề dịch vụ mới hình thành, nhiều hộ mở hàng quán, tăng gia sản xuất, chăn nuôi mở rộng đàn gia súc nên đời sống dần nâng cao. 

Trong khi đó, người trẻ cũng mở mang tư duy, nỗ lực tìm kiếm các công việc mới, nhiều em đăng ký để đi xuất khẩu lao động qua Nhật Bản, Hàn Quốc, Đài Loan…

Lời hứa của ông Bí thư Bình Định và kỳ tích ấm lòng về cuộc 'di cư lịch sử' - Ảnh 8.

Không cảnh yên bình, hạnh phúc ở khu tái định cư An Dũng. Ảnh: Dũ Tuấn.

Qua lời kể của già Đua, trước đây, bản làng ở sâu trong núi, quanh năm chỉ lo đủ "no cái bụng" chứ chẳng mơ đến xây dựng nhà cửa hàng trăm, hàng tỷ đồng. Nhưng từ ngày nhà nước đầu tư hồ chứa Đồng Mít, người dân rất đồng lòng, sẵn sàng hy sinh để nhường đất, nhường làng. 

Đến nay, nhà nước bố trí đất đai, hạ tầng đường sá, điện, trường, trạm và có cả công viên xanh, hệ thống thoát nước để dân làng sinh sống ổn định nên lớp trẻ có tương lai tươi mới.

"Bây giờ, làng thoát khỏi cảnh biệt lập sâu trong hốc núi. Mùa mưa không còn lo sạt lở, lũ quét, đường sá bị cuốn trôi cô lập làng nữa rồi, mừng lắm", già Đua hớn hở.

Cán bộ đau dạ dày, đổ bệnh… cũng may, bà con thấu hiểu

Đây là một cuộc dời dân, thể hiện được ý chí của tập thể lãnh đạo tỉnh Bình Định, toàn huyện và người dân vùng dự án, với ước mong cuộc sống người dân tốt đẹp hơn. Mặc dù nhiều thách thức, nhưng cuộc tái định cư hồ Đồng Mít dời nguyên 1 xã An Dũng đi nơi khác, quả là kỳ tích.

Ông Đỗ Đình Biểu - Trưởng Phòng NNPTNT huyện An Lão, kể: "Trước đây, không ai nghĩ An Dũng sẽ về đích nông thôn mới trước, vì cuộc sống cũ rất thiếu thốn với "4 không" (không trường, trạm, đường và không được quy hoạch làng), chỉ số hộ nghèo gần như toàn xã. Hiện, UBND huyện đã đưa xã vào mô hình kiểu mẫu để đầu tư, phấn đấu đến năm 2025 đạt xã nông thôn mới. Trong năm 2023 này, toàn xã sẽ có thêm 125 hộ dân thoát nghèo, tỷ lệ giảm nghèo tiếp tục tăng cao nên tương lai mới rất tốt". 

Theo ông Đỗ Tùng Lâm - Phó Chủ tịch UBND huyện An Lão, để triển khai thi công hồ chứa nước Đồng Mít, có 480 hộ dân ở xã An Dũng phải di dời đến khu tái định cư, bình quân mỗi hộ nhận được khoản tiền đền bù từ 400 - 450 triệu đồng. Những năm qua, nhờ trồng rừng nên các hộ đồng bào dân tộc thiểu số đều đó của ăn của để. 

Lời hứa của ông Bí thư Bình Định và kỳ tích ấm lòng về cuộc 'di cư lịch sử' - Ảnh 9.

Rời làng cũ, người dân An Dũng có cuộc sống ổn định, tương lai tươi sáng ở nơi mới. Ảnh: Dũ Tuấn.

Tuy có tiền, nhưng vì điều kiện địa lý nên họ không tiếp cận được với nhịp sống của xã hội, do đó chưa biết đầu tư làm ăn mở mang kinh tế, cứ tích lũy để đó. Bây giờ về nơi ở mới, có nhu cầu làm nhà là họ bung ra làm.

Ngoài khu vực đất ở gần 80 ha, tỉnh Bình Định đã quy hoạch vùng trồng lúa trên 75 ha và đất lâm nghiệp 700 ha để bồi thường cho các hộ dân xã An Dũng đã nhường đất xây dựng hồ chứa nước Đồng Mít.

"Khu tái định cư hồ Đồng Mít được xây dựng trên địa bàn xã An Trung và 1 phần An Hưng, nhưng theo nguyện vọng của người dân, chính quyền huyện An Lão vẫn lấy địa danh hành chính của khu tái định cư là xã An Dũng như trước đây. Nơi ở mới của người dân tái định cư xã An Dũng được chia làm 3 phân khu, trong đó có 4 làng nằm khá gần nhau", ông Lâm cho biết.

Hệ thống điện, nước sinh hoạt tại khu tái định cư đã được các cơ quan chuyên môn xây dựng, lắp đặt hoàn thành. 

Điện, nước được kéo về tận nhà dân với chi phí thấp nhất. Huyện An Lão định hướng cho người dân tái định cư xã An Dũng trồng cây xanh tại nơi ở để hình thành các khu dân cư kiểu mẫu.

Lời hứa của ông Bí thư Bình Định và kỳ tích ấm lòng về cuộc 'di cư lịch sử' - Ảnh 10.

Khu đất rộng với hạ tầng được xây dựng bài bản, tạo nên không gian sống hiện đại giữa núi rừng. Ảnh: Dũ Tuấn.

Ông Đỗ Tùng Lâm bộc bạch, thực ra ngày đầu di dời bà con, cán bộ gặp rất nhiều khó khăn, bởi văn hóa người miền núi rất khác và đôi khi mâu thuẫn, gây khó trong các chính sách bồi thường hỗ trợ Nhà nước.

Phó Chủ tịch huyện miền núi đưa ra ví dụ, phong tục tín ngưỡng bà con Hrê họ đã chôn người chết là chôn 1 lần, không có bốc lên nữa.

Vì vậy, khi ứng dụng chính sách bồi thường dời đi rất khó, chúng tôi phải mời các chuyên gia văn hóa, người làng uy tín để thành lập tổ bồi thường đặc biệt vận động bà con.

Thường thì chọn ban đêm để vận động, vì lúc này bà con mới đi rẫy, rừng về nhà. Cứ đêm nào cũng đi đến từng nhà, mưa dầm thấm lâu mà khổ nhất là văn hóa bà con cứ phải uống rượu bằng ca lớn mới nói chuyện được với họ, nên rất "căng" anh em.

"Nhiều người vận động được mấy hôm thì lại đau dạ dày, đổ bệnh. Cũng may, hầu hết bà con đều thấu hiểu, đồng thuận bởi ý nghĩa dự án này rất tốt cho xã hội", ông Lâm thổ lộ.

Vẫn theo ông Lâm, mấu chốt làm nên cuộc dời dân lịch sử Đồng Mít là từ khâu dân vận sát sườn, đi sâu vào lòng dân để dân hiểu, dân tin tưởng và đồng thuận ủng hộ dự án. Ngoài ra, vai trò cán bộ, đảng viên cơ sở cũng rất quan trọng trong lòng dân.

"Uy tín của họ lâu nay sẽ khiến dân phục, nên nói dân nghe tin theo. Ngoài ra, cách làm cũng cần công khai các chính sách đền bù hỗ trợ, công bằng với tất cả mọi người thì dân cũng thuyết phục. Chúng tôi rất biết ơn sự hy sinh của người dân An Dũng", ông Lâm đúc kết.

Song hành với việc xây dựng cơ sở hạ tầng đảm bảo, Bình Định còn chú trọng giao đất sản xuất và đào tạo nghề, cho đồng bào H'rê nơi đây. Về nơi ở mới với điều kiện sống hoàn toàn mới, người dân tái định cư hồ Đồng Mít hân hoan, ngập tràn niềm tin về tương lai phồn thịnh phía trước.

Lời hứa của ông Bí thư Bình Định và kỳ tích ấm lòng về cuộc 'di cư lịch sử' - Ảnh 11.

Nhà cửa khang trang mọc san sát nhau, cuộc sống người dân khấm khá, sung túc. Ảnh: Dũ Tuấn.

Thủ tướng rất ấm lòng khi về thăm bà con An Dũng

Chứng kiến hồ Đồng Mít hình thành nhờ vào sự hy sinh, đồng lòng của người dân An Dũng, Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính nói rằng, ông rất ấm lòng khi Bình Định có thêm công trình phục vụ người dân, bà con được hưởng lợi.

Nói chuyện thân mật với người dân An Dũng, Thủ tướng trân trọng cảm ơn bà con đã sẵn sàng rời khỏi nơi ở hàng trăm năm, di dời mồ mả tổ tiên, thay đổi tập quán, thói quen canh tác… để nhường đất cho dự án. 

Nhờ việc giải phóng mặt bằng nhanh, đúng quy định, dự án đã được thi công nhanh, hoàn thành đúng tiến bộ, bảo đảm chất lượng, kỹ thuật, mỹ thuật, vệ sinh môi trường.

Lời hứa của ông Bí thư Bình Định và kỳ tích ấm lòng về cuộc 'di cư lịch sử' - Ảnh 12.

Bà con An Dũng (huyện An Lão, Bình Định) vui mừng chào đón Thủ tướng Chính Phủ Phạm Minh Chính về thăm. - Ảnh: VGP/Nhật Bắc.

Thủ tướng vui mừng khi khu tái định cư được lãnh đạo Bình Định quy hoạch, xây dựng với hạ tầng giao thông, điện, nước… đồng bộ. Đúng như mục tiêu của Đảng, Nhà nước là nơi ở mới của bà con phải tốt hơn hoặc bằng nơi ở cũ, góp phần tái cơ cấu các khu dân cư khang trang, sạch đẹp hơn.

Thủ tướng Phạm Minh Chính tin tưởng rằng, phát huy truyền thống anh hùng cách mạng, tinh thần đoàn kết, chung sức, đồng lòng của các cấp uỷ Đảng, chính quyền và nhân dân, Bình Định sẽ bước vào giai đoạn phát triển mới với những bước đi đột phá và trở thành một địa phương phát triển nhanh, bền vững, người dân có cuộc sống ấm no, hạnh phúc.

Công trình "lịch sử" vì người dân Bình Định

Hồ chứa nước Ðồng Mít được khởi công tháng 2/2019, có dung tích gần 90 triệu m3, tổng mức đầu tư trên 2.140 tỷ đồng từ nguồn trái phiếu Chính phủ, vốn ngân sách Trung ương và địa phương. Dự án được khánh thành vào tháng 2/2023, đúng dịp Thủ tướng Phạm Minh Chính làm việc tại Bình Định.

Hồ bảo đảm cấp nước sinh hoạt cho 276.000 người; phục vụ tưới cho 6.742 ha đất canh tác vùng hạ du thuộc thị xã Hoài Nhơn, các huyện An Lão, Hoài Ân, Phù Mỹ.

Tạo nguồn cấp nước cho 267 ha nuôi trồng thủy sản, cấp nước cho sản xuất công nghiệp 250 ha. Cải thiện môi trường sinh thái, tạo độ ẩm và chống xâm nhập mặn, giảm lũ cho vùng hạ lưu, giải quyết vấn đề thiếu nước cho các huyện phía bắc Bình Định.

Mời các bạn đồng hành cùng báo Dân Việt trên mạng xã hội Facebook để nhanh chóng cập nhật những tin tức mới và chính xác nhất.
Tin cùng chuyên mục
Xem theo ngày Xem