Lúa đông xuân ở ĐBSCL giảm giá, khó tiêu thụ: Cần khẩn cấp thu mua tạm trữ

Thứ ba, ngày 11/03/2014 10:57 AM (GMT+7)
Như NTNN đã phản ánh, những ngày này, giá lúa ở đồng bằng sông Cửu Long (ĐBSCL) liên tục giảm giá, khiến nhiều thương lái bỏ cọc, lúa chất đống ngoài đồng không có ai đến mua.
Bình luận 0
Điều này đang làm hao hụt sản lượng và gây tổn thất lớn sau thu hoạch cho nông dân.

Thương lái bỏ cọc hàng loạt


Đến thời điểm này, trên địa bàn Long An, đặc biệt là tại khu vực Đồng Tháp Mười của tỉnh, nông dân đang bước vào thu hoạch rộ vụ đông xuân. Nỗi buồn sau việc được mùa là giá lúa mấy ngày qua liên tục giảm, thương lái thì sẵn sàng bỏ tiền cọc dẫn đến nhiều nông dân thu hoạch xong, lúa chất đống chờ ngoài đồng.

Lúa thu hoạch xong không có thương lái mua, phải vận chuyển về nhà để phơi.
Lúa thu hoạch xong không có thương lái mua, phải vận chuyển về nhà để phơi.

Sáng 10.3, gặp phóng viên, ông Lê Văn Đông ngụ xã Tân Đông, huyện Thạnh Hóa, bức xúc cho biết: “Vụ lúa đông xuân này tôi thuê 10ha ở xã Tân Hiệp để canh tác, khi lúa bắt đầu vàng đuôi thương lai đến đặt cọc giá 5.200 đồng/kg. Với giá này tôi nhẩm tính vụ này cũng kiếm được khoảng 70-100 triệu đồng.

Cách đây 3 ngày, thương lái điện thoại lại thương lượng với tôi yêu cầu giảm xuống còn 4.700 đồng/kg họ mới chịu cân, nếu không họ chấp nhận bỏ cọc. Như vậy, coi như tôi mất trắng khoảng 70 triệu đồng”.

Còn bà Nguyễn Thị Điểu ở xã Bình Hòa Tây, huyện Mộc Hóa (Long An) cho hay, 5ha lúa đã đến ngày thu hoạch nhưng thương lái không chịu mua nên vẫn phải chờ. Theo bà Điểu, 3 tuần trước thương lái đã ra giá lúa 5.200 đồng/kg và đặt cọc 25 triệu đồng, nhưng bây giờ họ nói nếu bán 4.400 đồng/kg thì họ mới mua, không thì bỏ cọc.

“Tình hình này chắc tôi phải chịu lỗ, bán với giá 4.400 đồng/kg nếu không họ ép giá xuống nữa thì càng chết. Bởi vì gần 40 tấn lúa vừa mới thu hoạch xong, tôi muốn giữ lại để chờ giá cũng khó vì toàn bộ phân bón, thuốc đều mua thiếu và tính lãi. Tới đây còn phải trả tiền công máy gặt đập liên hợp nữa. Giờ bà con ở cánh đồng này ai cũng rầu thúi ruột hết” – bà Điểu nói.

Cũng theo bà Điểu: “Rút kinh nghiệm vụ lúa hè thu trước, tôi phải bỏ công, bỏ sức để phơi khô mất chục tấn lúa. Họ đổ lỗi cho tôi là không thực hiện đúng giờ cắt lúa (theo hợp đồng-PV), nên họ “bẻ cò” giờ chót, đã vậy còn kiện tôi ra tòa đòi lại tiền cọc”.

Mặc dù vậy, theo ghi nhận của NTNN, các thương lái ở đây hiện cũng “khổ” không kém nông dân do họ không tìm được đầu ra. Thương lái Nguyễn Văn Hồng (xã Vĩnh Công, huyện Châu Thành, Long An) cho biết: “Liên tục mấy ngày qua, tôi nhận hàng chục cuộc điện thoại kêu bán lúa, nếp. Tôi còn đang do dự bởi giá lúa giảm liên tục như thế này nếu mua thì lỗ, không mua thì không biết ăn nói thế nào với họ, bởi đây là những khách hàng quen”.

Một thương lái ở huyện Thủ Thừa cũng cho biết: “Tôi đang cân lúa của nhiều hộ nông dân ở xã Bình Thạnh với giá 5.100 đồng/kg lúa thường và nếp có giá từ 5.500-5.600 đồng/kg, đây là số lúa mà tôi đã đặt cọc trước. Hiện tại tôi cũng không dám nhận mua của ai, dù có rất nhiều người gọi điện đến kêu bán lúa”.

Nên sớm thu mua tạm trữ


Những nông dân thu hoạch lúa cách đây 3 tuần và bán giá 5.200 đồng/kg, có thu nhập rất “khủng”. Điển hình như anh Nguyễn Văn Dũng (xã Thạnh Trị, thị xã Kiến Tường, Long An), canh tác hơn 40ha, vừa rồi bán được giá nên lãi khoảng 1 tỷ đồng. Không riêng ông Dũng, nhiều nông dân ở đây thu hoạch lúa thời điềm đầu tháng 3.2014 có lãi tiền tỷ.

Theo ông Nguyễn Văn Hồng, thời điểm này nhiều thương lái chấp nhận “bỏ của chạy lấy người” sau khi giá lúa rớt quá nhanh. Ông Phan Văn On- Chủ tịch UBND xã Bình Hòa Tây, huyện Mộc Hóa cũng cho biết, giá lúa mấy ngày qua giảm nhanh và nhiều thương lái chấp nhận bỏ tiền cọc. Cũng theo ông On, thực trạng này xảy ra thường xuyên, mỗi khi mùa vụ đến.

Ông Lê Minh Đức –Giám đốc Sở NNPTNT Long An cho biết: “Hiện nay hầu hết các thương lái mua lúa đều thông qua “cò”, số ít đi trực tiếp mua. Nếu có đi mua trực tiếp từ người nông dân cũng khó mà mua được, do “cò” lúa đạp giá”.

Ông Đức cho rằng, rút kinh nghiệm nhiều năm qua, việc mua tạm trữ lúa cần phải có giải pháp cơ bản hơn để khi triển khai mua tạm trữ đạt hiệu quả cao. Tuy nhiên, theo ông Đức, việc Chính phủ cho phép mua tạm trữ lúa thì chỉ mua lúa, không mua lúa quy đổi gạo, đây là kẽ hở để một số doanh nghiệp lợi dụng.

Ông Đức cho biết thêm, riêng tại Long An, tổng diện tịch gieo sạ vụ lúa đông xuân 240.000ha, hiện đã thu hoạch gần 70.000ha, năng suất tươi ước đạt 62,1 tạ/ha, sản lượng thu hoạch 212.805 tấn.

Đang trình giải pháp tạm trữ lúa


Ngày 10.3, nguồn tin từ Bộ NNPTNT cho biết, hiện các bộ, ngành liên quan đã họp và đang trình Chính phủ kế hoạch thu mua tạm trữ lúa gạo vụ đông xuân tại ĐBSCL. Bên cạnh đó, các bộ cũng đang bàn các giải pháp để tiêu thụ hết lúa đông xuân cho bà con nông dân. Tuy nhiên, chưa rõ đến thời điểm nào kế hoạch thu mua tạm trữ lúa gạo mới được triển khai.

Diệu Thanh (Diệu Thanh)
Mời các bạn đồng hành cùng báo Dân Việt trên mạng xã hội Facebook để nhanh chóng cập nhật những tin tức mới và chính xác nhất.
Tin cùng chuyên mục
Xem theo ngày Xem