Lực lượng hạt nhân của Nga đang trong tình trạng 'báo động cao', điều đó có nghĩa là gì?

Lê Phương (ABC) Thứ hai, ngày 28/02/2022 11:51 AM (GMT+7)
Mới đây, Tổng thống Nga Vladimir Putin đã tuyên bố trên truyền hình nước này rằng các lực lượng hạt nhân của Nga đang trong tình trạng "báo động cao".
Bình luận 0
Lực lượng hạt nhân của Nga đang trong tình trạng 'báo động cao', điều đó có nghĩa là gì? - Ảnh 1.

Kho vũ khí của Nga bao gồm tổ hợp tên lửa Iskander trên đất liền và tên lửa Kalibr phóng từ biển, cả hai đều có thể mang đầu đạn hạt nhân. (Ảnh: Cơn quan Báo chí Bộ Quốc phòng Nga)

Mặc dù không hoàn toàn rõ ý của ông Putin, nhưng Moscow trước đây từng tiết lộ chính sách chính thức của mình về việc sử dụng vũ khí hạt nhân. Với kho vũ khí đầu đạn khổng lồ và hệ thống phân phối có khả năng mang hạt nhân của Nga, có thể nói kết quả sẽ không dễ chịu chút nào.

'Báo động cao' có nghĩa là gì?

Ông Putin cho biết đã thảo luận với Bộ trưởng Quốc phòng và tổng tham mưu trưởng quân đội Nga nhằm đặt các lực lượng hạt nhân vào một "chế độ nhiệm vụ chiến đấu đặc biệt".

Một quan chức quốc phòng cấp cao của Mỹ giấu tên cho biết, Washington đang cố gắng đánh giá mức độ nghiêm trọng trong tuyên bố của ông Putin.

Đối với một số người, thông điệp khá rõ ràng. Bà Patricia Lewis, giám đốc chương trình an ninh quốc tế của Chatham House, cho biết: "Đây không phải là 'sự răn đe' - đây là một mối đe dọa".

Miro Popkhadze, một nhà phân tích tại Viện Nghiên cứu Chính sách Đối ngoại, nói với Al Jazeera rằng tuyên bố của ông Putin được coi là một mối đe dọa đối với châu Âu. Ông nói: "Mục tiêu của ông Putin là chia rẽ Liên minh châu Âu và làm suy yếu sự ủng hộ của khối này đối với Ukraine".

Nga và Mỹ thường đặt các phân khu trên bộ cũng như trên tàu ngầm của lực lượng hạt nhân chiến lược trong tình trạng báo động và sẵn sàng chiến đấu mọi lúc, nhưng các máy bay ném bom có khả năng hạt nhân và các loại máy bay khác thì không.

Theo Hans Kristensen, một nhà phân tích hạt nhân, nếu ông Putin trang bị vũ khí hoặc nâng cao khả năng sẵn sàng chiến đấu hạt nhân cho các máy bay ném bom của mình, hoặc nếu ông ra lệnh cho các tàu ngầm tên lửa đạn đạo ra biển, thì có lẽ Mỹ sẽ có động thái đáp trả. Ông nhấn mạnh, điều này có thể dẫn đến một sự leo thang đáng lo ngại đối với tình hình hiện tại.

Vì sao ông Putin lại tuyên bố như vậy? 

Lực lượng hạt nhân của Nga đang trong tình trạng 'báo động cao', điều đó có nghĩa là gì? - Ảnh 2.

Tổng thống Nga Vladimir Putin nói về việc đặt các lực lượng hạt nhân của Nga vào tình trạng 'báo động cao' trong một bài phát biểu trên truyền hình. (Ảnh: Reuters)

Trong bài phát biểu trên truyền hình thông báo về động thái của mình, ông Putin đã trích dẫn những tuyên bố của các nhà lãnh đạo NATO và hàng loạt các biện pháp trừng phạt kinh tế mà phương Tây áp đặt lên Nga.

Theo ông Putin, Mỹ, EU và các quốc gia phương Tây khác đang tăng cường các biện pháp trừng phạt kinh tế, ngăn chặn các hãng hàng không Nga từ không phận châu Âu, cấm truyền thông Nga và cam kết cung cấp thêm tiền, vũ khí cho Ukraine.

"Không chỉ áp đặt các biện pháp trừng phạt, các quan chức hàng đầu của các nước NATO cũng đã đưa ra những tuyên bố không thân thiện", ông Putin nói.

Trước đó, ông đã đề cập đến kho vũ khí hạt nhân của mình trong một bài phát biểu tuyên bố bắt đầu "chiến dịch quân sự đặc biệt" vào thứ Năm (24/2), ông nhấn mạnh bất kỳ quốc gia nào cản đường Nga sẽ gặp phải hậu quả "chưa từng có".

Nga có bao nhiêu vũ khí hạt nhân?

Kho dự trữ vũ khí hạt nhân là bí mật quốc gia, vì vậy bất kỳ số liệu nào cũng chỉ là ước tính. Tuy nhiên, các nhà phân tích tin rằng Nga là quốc gia sở hữu nhiều vũ khí hạt nhân nhất trên toàn cầu.

Năm 1986, nước này có tới 45.000 quả. Mặc dù vậy, sau những nỗ lực giải trừ vũ khí, Moscow đã giảm đáng kể số lượng đầu đạn hạt nhân của mình. Theo Liên đoàn các nhà khoa học Mỹ, Nga hiện có khoảng 4.000 đầu đạn trong kho dự trữ quân sự của mình, tương đương với Mỹ. Ngoài ra còn khoảng 6.000 đầu đạn không sử dụng, dự kiến tháo dỡ.

Các thành viên NATO khác là Pháp và Anh có tổng số đầu đạn tương ứng là 290 và 225.

Trong số các đầu đạn của Nga, 1.588 được cho là "đầu đạn chiến lược" được triển khai trên các tên lửa xuyên lục địa và tại các căn cứ của máy bay ném bom hạng nặng.

Theo Cơ quan Nghiên cứu Quốc hội Mỹ, lực lượng hạt nhân của Nga bao gồm cả các hệ thống chiến lược tầm xa - tên lửa đạn đạo xuyên lục địa, tên lửa đạn đạo phóng từ tàu ngầm và máy bay ném bom hạng nặng - cũng như các hệ thống phân phối tầm ngắn và tầm trung.

"Nga đang hiện đại hóa lực lượng hạt nhân của mình, họ đang thay thế các trang bị có từ thời Liên Xô bằng tên lửa, tàu ngầm, máy bay và các hệ thống vận chuyển mới", cơ quan này cho biết trong một báo cáo.

Lực lượng hạt nhân của Nga đang trong tình trạng 'báo động cao', điều đó có nghĩa là gì? - Ảnh 3.

Máy bay Tu-95 của Nga có thể thả bom hạt nhân tự do hoặc triển khai tên lửa hành trình mang đầu đạn hạt nhân. (Ảnh: Wiki)

Chính sách của Nga về việc sử dụng vũ khí hạt nhân là gì?

Vào tháng 6/2020, Moscow công bố một lệnh hành pháp, có tiêu đề "Các nguyên tắc cơ bản trong chính sách nhà nước của Liên bang Nga về răn đe hạt nhân".

"Đây là lần đầu tiên trong lịch sử gần 30 năm của Liên bang Nga, chính sách hạt nhân của Nga được công khai", giáo sư danh dự về nghiên cứu chiến lược của Đại học Quốc gia Australia Paul Dibb cho biết vào thời điểm đó.

Lệnh này nói rằng vũ khí hạt nhân chỉ được sử dụng "trong trường hợp bắt buộc" và quyết định sử dụng chúng sẽ do Tổng thống Nga đưa ra. Báo cáo cũng nêu chi tiết các điều kiện có thể gây ra xung đột, chẳng hạn như phóng tên lửa đạn đạo chống lại Nga hoặc các đồng minh.

Giáo sư Dibb lưu ý rằng đây là một "vấn đề đáng quan tâm". Ông nói: "Đây có thể là phương pháp leo thang để giảm leo thang trong chiến lược hạt nhân của Nga. Việc ông Putin đưa ra lời tuyên bố có thể sẽ khiến các quốc gia khác 'chùn chân'".

Các nhà lãnh đạo thế giới khác có tin ông Putin không?

Cùng thời điểm với bài phát biểu của ông Putin, văn phòng Tổng thống Ukraine Volodymyr Zelensky thông báo rằng hai bên sẽ gặp nhau tại một địa điểm không xác định ở biên giới Belarus.

Bộ trưởng Ngoại giao Ukraine Dmytro Kuleba cho biết tuyên bố của Tổng thống Nga Vladimir Putin được tính toán nhằm gây áp lực khi bắt đầu các cuộc đàm phán, nhưng Kyiv sẽ không bị khuất phục. Ông Kuleba nói: "Chúng tôi coi tuyên bố của ông Putin là động thái gây thêm áp lực lên phái đoàn Ukraine. Nhưng chúng tôi sẽ không nhượng bộ trước áp lực này".

Thư ký báo chí Nhà Trắng Jen Psaki cho biết đây chỉ đơn giản là một đòn tâm lý. Bà Psaki nói: "Cộng đồng toàn cầu và người dân Mỹ nên tỉnh táo. Chúng ta đã thấy ông Putin làm vậy hết lần này đến lần khác".

Bà Psaki cũng nói thêm với ABC America rằng Nga không bị NATO hay Ukraine đe dọa.

Mời các bạn đồng hành cùng báo Dân Việt trên mạng xã hội Facebook để nhanh chóng cập nhật những tin tức mới và chính xác nhất.
Tin cùng chuyên mục
Xem theo ngày Xem