Lùm xùm dự án Thanh Hà Cienco 5: "Đại gia điếu cày" Lê Thanh Thản mua Cienco 5 Land có đúng luật?

Quang Dân Thứ hai, ngày 11/01/2021 07:30 AM (GMT+7)
Việc Tập đoàn Mường Thanh của "đại gia điếu cày" Lê Thanh Thản nhận chuyển nhượng 95% cổ phần của Cienco 5 Land là đúng luật, vì việc chuyển nhượng tại đây chủ yếu là của các cổ đông ngoài Cienco 5 (các cổ đông chiếm 95% vốn tại đây).
Bình luận 0

Chỉ ít lâu sau khi thông tin Tập đoàn Mường Thanh của "đại gia điếu càyLê Thanh Thản sở hữu 95% cổ phần CTCP Cienco 5 Land được công khai, tháng 4/2016, Cienco 5 đã gửi văn bản đề nghị Bộ Giao thông vận tải (GTVT) kiểm tra, rà soát việc giảm vốn sở hữu của Cienco 5 nhiều năm trước đây tại Cienco 5 Land.

Trong văn bản kiến nghị, đại diện Cienco 5 cũng cho rằng, việc Cienco 5 bán cổ phần Cienco 5 Land vào năm 2009 và không nắm cổ phần chi phối tại Cienco 5 Land là trái quy định, có khả năng làm mất vốn, tài sản nhà nước…

Không có "nguy cơ mất vốn nhà nước" tại Cienco 5

Ngay sau khi các cơ quan truyền thông lên tiếng về việc chuyển nhượng cổ phần tại Cienco 5 Land có nguy cơ mất tài sản nhà nước, đại diện Bộ GTVT đã lên tiếng rằng vốn nhà nước tại Cienco 5 đã được bảo toàn.

Cụ thể, đối với việc Cienco 5 bán cổ phần Cienco 5 Land vào năm 2009, theo quy định tại khoản 3, Điều 20 của Điều lệ Cienco 5 (được Bộ GTVT phê duyệt ngày 5/1/2009) thì HĐQT Tổng công ty được quyết định hoặc phân cấp cho Tổng Giám đốc quyết định các dự án đầu tư, góp vốn, mua bán cổ phần, tài sản có giá trị đến 50% tổng giá trị tài sản trên báo cáo tài chính công bố tại quý gần nhất của Tổng công ty. Trong khi 1.950.000 cổ phần được bán (trị giá 21,5 tỷ đồng) chỉ chiếm khoảng 0,5% tổng giá trị tài sản của Cienco 5 thời điểm đó (xấp xỉ 4.000 tỷ đồng).

Lùm xùm dự án Thanh Hà Cienco 5: Ai là chủ sở hữu của Cienco 5 Land? - Ảnh 1.

Cienco 5 land

Mặt khác, theo Nghị định 78/2007/NĐ-CP, Nghị định 108/2009/NĐ-CP, việc sử dụng vốn nhà nước đối với việc thực hiện các dự án BT không được khuyến khích. Điểm a, khoản 1, Điều 5 Nghị định 78/2007/NĐ-CP quy định doanh nghiệp nhà nước tham gia góp vốn để thực hiện dự án với tỷ lệ không quá 49% vốn chủ sở hữu của nhà đầu tư, nên vốn góp Cienco 5 tại doanh nghiệp dự án Cienco 5 land khi thành lập là hợp pháp.

Vì vậy, việc Cienco 5 chuyển nhượng vốn điều lệ hoặc không nắm cổ phần chi phối tại doanh nghiệp dự án Cienco 5 Land không trái với quy định của pháp luật, đúng chủ trương của Nhà nước về các dự án đầu tư phát triển công trình kết cấu hạ tầng của Chính phủ theo các hình thức BOT, BTO, BT.

Tập đoàn Mường Thanh nhận chuyển nhượng có đúng luật?

Tương tự, việc Tập đoàn Mường Thanh của "đại gia điếu cày" Lê Thanh Thản nhận chuyển nhượng 95% cổ phần của Cienco 5 Land là đúng luật, vì việc chuyển nhượng tại đây chủ yếu là của các cổ đông ngoài Cienco 5 (các cổ đông chiếm 95% vốn tại đây).

Tài liệu cho thấy, trong quá trình từ khi thành lập doanh nghiệp dự án đến khi Mường Thanh thâu tóm 95% vốn chủ sở hữu của Cienco 5 land, số cổ phần Cienco 5 nắm giữ tại Cienco 5 land luôn duy trì dưới 5%.

Giai đoạn 2011-2014, nhiều nhà đầu tư lao đao do thị trường nhà đất đóng băng, các ngân hàng siết chặt cho vay bất động sản theo Nghị quyết 11/NQ-CP ngày 24/2/2011 của Chính phủ về các giải pháp tập trung kiềm chế lạm phát, ổn định kinh tế vĩ mô.

Trong hoàn cảnh đó, Cienco 5 Land nhiều lần mời Cienco 5 mua cổ phần để có thêm nguồn vốn phục vụ các dự án. Nhưng Cienco 5 chỉ mua thêm lượng cổ phiếu nhỏ bởi Chính phủ có chỉ đạo các doanh nghiệp nhà nước cắt giảm đầu tư ngoài ngành. Đồng thời, Bộ GTVT có văn bản yêu cầu Cienco 5 tập trung chỉ đạo, thực hiện các bước cổ phần hóa công ty mẹ và các đơn vị thành viên theo đúng tiến độ kế hoạch đã được phê duyệt…

Trước thực trạng nhiều dự án BT bị đình trệ do thiếu vốn, UBND thành phố Hà Nội đã tiến hành kiểm tra, rà soát. Ngày 2/12/2013, UBND thành phố đã có Công văn 166/TB-VP thông báo dừng triển khai hợp đồng BT nhiều dự án, trong đó có dự án mà Cienco 5 Land đang thực hiện.

Lùm xùm dự án Thanh Hà Cienco 5: Ai là chủ sở hữu của Cienco 5 Land? - Ảnh 2.

Số cổ phần Cienco 5 nắm giữ tại Cienco 5 land luôn duy trì dưới 5%.

Sau nhiều nỗ lực của Cienco 5 Land, đến tháng 7/2014, UBND thành phố Hà Nội mới đồng ý ký hợp đồng phụ lục gia hạn và điều chỉnh hợp đồng BT đường trục phía nam và các dự án hoàn vốn cho Cienco 5 Land. Có thể thấy, ngay cả thời điểm khó khăn nhất, Cienco 5 cũng không thể hỗ trợ cho Cienco 5 Land, kể cả việc bảo lãnh vay vốn.

Với áp lực về tài chính để thanh toán trái phiếu và các khoản vay sắp đến hạn, đầu năm 2016, nhiều cổ đông tại Cienco 5 Land chỉ mong chuyển nhượng cổ phần cho những nhà đầu tư có đủ năng lực để tiếp tục thực hiện dự án và các nghĩa vụ, quyền lợi liên quan. Thậm chí, các cổ đông Cienco 5 Land còn chấp nhận bán nợ cả cổ phần và cho thanh toán sau sáu tháng, nhưng chưa có đối tác quan tâm thật sự.

Đến cuối tháng 4/2016, các cổ đông (ngoài cổ đông Nhà nước) của Cienco 5 Land mới bán được cổ phần cho Tập đoàn Mường Thanh của "đại gia điếu cày" Lê Thanh Thản.

Trước đó, như Dân Việt đã thông tin, Năm 2016, Công ty Cổ phần Tập đoàn Mường Thanh do đại gia điếu cày Lê Thanh Thản đứng đầu đã mua lại 95% cổ phần của Công ty Cổ phần Phát triển Địa ốc Cienco5 (Cienco 5 Land), thuộc Cienco 5.

Được biết, tổng giá trị thương vụ này là 3.500 tỷ đồng. Trong đó bao gồm: 1.000 tỷ đồng mua lại 95% cổ phần tại Cienco 5 Land và 2.000 tỷ đồng khoản nợ Tập đoàn Mường Thanh đứng ra trả thay cho Cienco 5 Land. Sau khi hoàn tất mọi thủ tục, Tập đoàn Mường Thanh kiểm soát các dự án của Cienco 5 Land tại quận Hà Đông, Hà Nội, trong đó có khu đô thị Mỹ Hưng – Cienco 5.

Mời các bạn đồng hành cùng báo Dân Việt trên mạng xã hội Facebook để nhanh chóng cập nhật những tin tức mới và chính xác nhất.
Tin cùng chuyên mục
Xem theo ngày Xem