Lưu lượng hành khách hàng không "đi lùi" 21 năm vì Covid-19

04/01/2021 11:35 GMT+7
Một báo cáo mới đây cho thấy cuộc khủng hoảng đại dịch Covid-19 năm 2020 đã xóa sổ chuỗi hơn 2 thập kỷ tăng trưởng lưu lượng hành khách trong ngành hàng không.

Trong một nghiên cứu mới đây, công ty phân tích dữ liệu du lịch Cirium cho biết: “Đại dịch và hậu quả đại dịch đã xóa sổ 21 năm tăng trưởng lưu lượng hành khách hàng không trong nhiều tháng, khiến lưu lượng hành khách giảm xuống mức tương đương hồi năm 1999”.

“So với năm 2019, lưu lượng hành khách năm 2020 ước tính giảm 67%” - thông cáo báo chí của Cirium cho hay.

Lưu lượng hành khách hàng không "đi lùi" 21 năm vì Covid-19 - Ảnh 1.

Lưu lượng hành khách hàng không "đi lùi" 21 năm vì Covid-19

Chỉ có 2,9 nghìn tỷ RPK (Revenue passenger kilometers - Khách luân chuyển, là chỉ số đo lường dung lượng khách vận chuyển của một hãng hàng không) được ghi nhận trong năm 2020, giảm mạnh so với con số 8,7 nghìn tỷ vào năm 2019.

Ngành công nghiệp hàng không bị ảnh hưởng nặng nề bởi đại dịch Covid-19, khi hàng trăm quốc gia và vùng lãnh thổ trên thế giới thực hiện các biện pháp đóng cửa biên giới trong nỗ lực ngăn chặn sự lây lan dịch bệnh.

Dữ liệu từ Cirium chỉ ra từ 1/1/2020 đến 20/12/2020, các hãng hàng không đã khai thác 16,8 triệu chuyến bay, giảm mạnh từ mức 33,2 triệu chuyến bay trong thời gian cùng kỳ 2019. Hơn 40 hãng hàng không đã ngừng hoạt động hoàn toàn hoặc đình chỉ hoạt động tạm thời.

Virgin Australia là hãng hàng không lớn nhất phá sản do Covid-19 tính đến thời điểm hiện tại. Hãng hàng không Avianca Holdings lớn thứ hai Mỹ Latinh cũng nộp đơn xin phá sản. Tại Thái Lan, hãng hàng không quốc gia Thai Airways International cũng suýt phá sản nếu không được chính phủ tiếp sức. Nhiều hãng hàng không như Cathay Pacific Airways (Hồng Kông ) thì chọn cách cắt giảm 8.500 việc làm như một phần nỗ lực tái cơ cấu để đối phó với cuộc khủng hoảng đại dịch.

Các chuyên gia dự đoán sẽ còn nhiều hãng hàng không phá sản hoặc đối diện với áp lực tài chính trầm trọng trong năm 2021, khi nhu cầu du lịch và vận tải hàng không vẫn chưa thực sự phục hồi về mức trước đại dịch.

Một tính toán cho hay các hãng hàng không toàn cầu cần ít nhất 250 tỷ USD hỗ trợ từ các chính phủ để cầm cự trong cuộc khủng hoảng đại dịch này. Nhiều quốc gia trên thế giới từ Singapore cho đến Hà Lan, Pháp… đã tung ra các gói hỗ trợ hãng hàng không, nhưng vẫn không tránh được tình trạng một số hãng tuyên bố phá sản.

Triển vọng phục hồi

Theo báo cáo của Cirium’s Airline Insights Review 2020, Châu Á-Thái Bình Dương và Bắc Mỹ là những khu vực có triển vọng phục hồi lưu lượng hành khách và vận tải hàng không nhanh nhất thế giới trong dài hạn

Theo thống kê năm 2020, các chuyến bay quốc tế giảm mạnh 68% so với cùng kỳ năm 2019 trong khi các chuyến bay nội địa chỉ giảm 40%. Cirium kỳ vọng nhu cầu di chuyển hàng không sẽ tăng trở lại trong năm 2024-2025, trong đó phân khúc hành khách nội địa là động lực đầu tiên cho sự phục hồi bền vững. 

Các sân bay bận rộn nhất thế giới như sân bay quốc tế JFK New York không nằm trong danh sách phục hồi nhanh nhất, do lưu lượng chuyến bay quốc tế chiếm đa số. Trong khi đó, các sân bay nhỏ hơn như Minneapolis, O’Hare (Chicago), Atlanta và Charlotte (Mỹ) hiện có lưu lượng hành khách truy cập cao hơn đáng kể do lưu lượng chuyến bay nội địa cao hơn. Tình trạng tương tự cũng xảy ra tại các sân bay Trung Quốc.

Philip Baggaley, giám đốc điều hành  S&P Global Ratings nhận định: "Chúng tôi lạc quan hơn về sự phục hồi trong phân khúc du lịch giải trí, nhất là du lịch nội địa. Thăm gia đình hoặc nghỉ dưỡng vẫn là những lý do thuyết phục hành khách di chuyển”.

"Dịch Covid-19 đã phá hủy nhiều năm tăng trưởng và để lại một ngành công nghiệp du lịch toàn cầu nghèo nàn hơn. Tuy nhiên, du lịch hàng không cuối cùng vẫn sẽ tăng trưởng trở lại" - ông Philip Baggaley lạc quan.


NTTD
Cùng chuyên mục