Lý do cần có thêm cơ sở đào tạo nhân lực ngành xây dựng

04/09/2024 13:14 GMT+7
Do nhân lực không qua đào tạo chính quy, kỹ năng nghề nghiệp thiếu chuyên nghiệp nên hiện tượng làm ẩu, sai kỹ thuật xảy ra thường xuyên khiến nhà thầu đau đầu.

Theo đánh giá của Hiệp hội các nhà thầu xây dựng Việt Nam (VACC), đã có không ít doanh nghiệp ngành xây dựng trở thành những cái tên lớn, đảm đương được các công trình quy mô, tầm cỡ quốc tế về công nghệ và biện pháp thi công, cũng như trình độ quản lý.

Nhưng nhìn tổng đặc điểm chung, các doanh nghiệp xây dựng đa số vẫn chỉ là quy mô nhỏ. Ước tính của VACC cho biết, cả nước có khoảng 3.000 doanh nghiệp xây dựng, trên 90% doanh nghiệp xây dựng đăng ký vốn hoạt động dưới 100 tỷ đồng, số doanh nghiệp xây dựng có vốn 1.000 tỷ đồng "chỉ đếm trên đầu ngón tay".

Đặc điểm lớn của các doanh nghiệp xây dựng là 70 – 75% số lao động mang tính thời vụ, nông nhàn không qua đào tạo.

Trao đổi với phóng viên Dân Việt, một nhà thầu xây dựng thường xuyên sử dụng lao động thời vụ cho biết, thông thường doanh nghiệp sẽ liên kết giao khoán với một vài người "nuôi" thợ để thực hiện công trình. Việc liên kết này sẽ đảm bảo rằng, nhà thầu sẽ có đủ nhân công khi cần huy động.

"Nhưng bởi tính chất là lao động chân tay, không qua đào tạo chính quy; Kỹ năng nghề nghiệp của họ chủ yếu do truyền tay, truyền miệng nên hiện tượng làm ẩu, sai kỹ thuật xảy ra thường xuyên. Ví dụ dễ thấy nhất cho sự kém chuyên nghiệp là việc tuân thủ quy định an toàn lao động tại công trình như mặc áo, đội mũ, đi giày bảo hộ,...Hay lúc công trình đang đốc tiến độ, công nhân xin về, mà chủ yếu họ quê xa, nghỉ ít nhất cũng vài ngày, một tuần. Chủ thầu gây khó khăn có khi họ không quay trở lại", đại diện nhà thầu chia sẻ.

Dù có nhiều rủi ro khi sử dụng nguồn lao động thời vụ, nhưng bởi tài chính thiếu hụt, cộng thêm nguồn việc kém ổn định để tự đào tạo và nuôi dưỡng nhân công nên nhiều nhà thầu không có lựa chọn.

Lý do cần có thêm cơ sở đào tạo nhân lực ngành xây dựng- Ảnh 1.

Cần thêm nguồn nhân lực được đào tạo chuyên nghiệp. Ảnh minh hoạ.

Do vậy, để hiện đại hoá ngành xây dựng, đáp ứng được sự phát triển chung của nền kinh tế thì công tác đào tạo cần có hướng cụ thể. VACC cho biết, từ năm 1996 trở đi, các trường đào tạo công nhân dùng vốn ngân sách đều dừng đào tạo. Trong khi đó, các doanh nghiệp xây dựng lại có vốn quá nhỏ, không thể tự tổ chức đào tạo.

Thực tế, ngay cả các công ty lớn nhất trong ngành xây dựng hiện nay, cũng ít doanh nghiệp đủ khả năng nghĩ được việc đào tạo lực lượng lâu dài ra sao. "Chính vì vậy nguồn lực con người của ngành xây dựng ngày càng kém đi về chất lượng", Chủ tịch VCCA Nguyễn Quốc Hiệp nhận định.

Vì những khó khăn nêu trên, VACC nêu kiến nghị nhà nước phục hồi hệ thống các trường nghề, nhưng cần cải tiến chương trình đạo tạo cho sát với yêu cầu thực tế của doanh nghiệp, đồng thời cho phép xây dựng cơ chế thị trường hoá công tác đào tạo, mở ra việc kết hợp giữa các doanh nghiệp và trường đào tạo bằng hình thức hợp đồng kinh tế, có trách nhiệm của doanh nghiệp với nhà trường.

Về phương hướng giải pháp, lãnh đạo VACC nhìn nhận phải hợp tác với Tổng cục Dạy nghề để có hướng đào tạo lâu dài nên đã ký kết với Tổng cục Dạy nghề, phấn đấu đưa chương trình đào tạo của công nhân xây dựng vào chương trình đào tạo quốc gia.

Ngoài ra, ngành xây dựng muốn phát triển, tất yếu phải làm chủ được công nghệ kỹ thuật, song doanh nghiệp Việt Nam còn hạn chế bởi vốn nhỏ nên việc chủ động tổ chức trường lớp đào tạo gặp khó.

Như vậy, cần có một giải pháp lâu dài hơn, ví dụ như khuyến khích doanh nghiệp lớn đầu tư, tổ chức đào tạo rồi cung cấp lại lao động cho doanh nghiệp nhỏ. Chỉ như vậy mới đủ đội ngũ công nhân xây dựng lành nghề.

Vũ Khoa
Cùng chuyên mục