Lý lịch tư pháp là gì? Những ai phải xin lý lịch tư pháp?

Việt Sáng Thứ bảy, ngày 08/04/2023 10:05 AM (GMT+7)
Lý lịch tư pháp là vấn đề đang được nhiều bạn đọc quan tâm. Theo luật sư, Luật Lý lịch tư pháp năm 2009 nêu rõ thông tin về lý lịch tư pháp.
Bình luận 0

Bạn đọc hỏi về lý lịch tư pháp

Tôi được đề nghị phải cung cấp lý lịch tư pháp nhưng chưa biết về loại giấy này.

Xin hỏi lý lịch tư pháp là gì? Tại sao phải xin cấp lý lịch tư pháp?

Bạn đọc Mai Hiên (Thanh Xuân, TP Hà Nội) hỏi.

Liên quan đến việc này, Luật sư Nguyễn Trọng Nghĩa - Đoàn Luật sư TP Hà Nội cho biết, Luật Lý lịch tư pháp năm 2009 nêu rõ các thông tin về lý lịch tư pháp.

Lý lịch tư pháp là gì?

Theo khoản 1 Điều 2 Luật Lý lịch tư pháp năm 2009, lý lịch tư pháp là lý lịch về án tích của người bị kết án bằng bản án, quyết định hình sự của tòa án đã có hiệu lực pháp luật, tình trạng thi hành án và về việc cấm cá nhân đảm nhiệm chức vụ, thành lập, quản lý doanh nghiệp, hợp tác xã trong trường hợp doanh nghiệp, hợp tác xã bị tòa án tuyên bố phá sản.

Phiếu lý lịch tư pháp là phiếu do cơ quan quản lý cơ sở dữ liệu lý lịch tư pháp cấp có giá trị chứng minh cá nhân có hay không có án tích.

dan-gap-kho-khi-xin-cap-phieu-ly-lich-tu-phap-2-1680864980117254694761.png

Theo luật sư, Luật Lý lịch tư pháp năm 2009 nêu rõ các thông tin về lý lịch tư pháp.

Mục đích quản lý lý lịch tư pháp

1 là đáp ứng yêu cầu cần chứng minh cá nhân có hay không có án tích, có bị cấm hay không bị cấm đảm nhiệm chức vụ, thành lập, quản lý doanh nghiệp, hợp tác xã trong trường hợp doanh nghiệp, hợp tác xã bị Tòa án tuyên bố phá sản.

2 là ghi nhận việc xoá án tích, tạo điều kiện cho người đã bị kết án tái hoà nhập cộng đồng.

3 là hỗ trợ hoạt động tố tụng hình sự và thống kê tư pháp hình sự.

4 là hỗ trợ công tác quản lý nhân sự, hoạt động đăng ký kinh doanh, thành lập, quản lý doanh nghiệp, hợp tác xã.

Đối tượng quản lý lý lịch tư pháp

1. Công dân Việt Nam bị kết án bằng bản án hình sự đã có hiệu lực pháp luật của Toà án Việt Nam, Toà án nước ngoài mà trích lục bản án hoặc trích lục án tích của người bị kết án được cơ quan có thẩm quyền của nước ngoài cung cấp theo điều ước quốc tế về tương trợ tư pháp trong lĩnh vực hình sự hoặc theo nguyên tắc có đi có lại.

2. Người nước ngoài bị Toà án Việt Nam kết án bằng bản án hình sự đã có hiệu lực pháp luật.

3. Công dân Việt Nam, người nước ngoài bị Toà án Việt Nam cấm đảm nhiệm chức vụ, thành lập, quản lý doanh nghiệp, hợp tác xã trong quyết định tuyên bố phá sản đã có hiệu lực pháp luật.

Mời các bạn đồng hành cùng báo Dân Việt trên mạng xã hội Facebook để nhanh chóng cập nhật những tin tức mới và chính xác nhất.
Tin cùng chuyên mục
Xem theo ngày Xem