“Mang tiếng đất người dân lấn chiếm, đằng sau cán bộ mua xây nhà trái phép”!

Dũ Tuấn Thứ ba, ngày 24/03/2020 14:21 PM (GMT+7)
Đó là vấn đề “nóng” được Phó Chủ tịch UBND tỉnh Bình Định Nguyễn Phi Long nêu ra phân tích trong cuộc họp xử lý tình trạng lấn chiếm đất công, xây dựng trái phép và yêu cầu công an lập ngay chuyên án điều tra truy tố, khi có biểu hiện sai phạm.
Bình luận 0

Ngày 24/3, chính quyền tỉnh Bình Định tổ chức cuộc họp Ban chỉ đạo và Tổ công tác giúp việc cho Ban chỉ đạo xử lý tình trạng lấn chiếm đất đai, xây dựng trái phép trên địa bàn Khu kinh tế Nhơn Hội.

Buông lỏng, đùn đẩy trách nhiệm

Theo Phó Trưởng Ban quản lý Khu kinh tế tỉnh Bình Định Nguyễn Thanh Nguyên, tháng 3/2019 UBND tỉnh Bình Định đã chủ trì cưỡng chế 39 trường hợp lấn chiếm đất, xây dựng trái phép tại Khu kinh tế Nhơn Hội nên tình trạng này đang có xu hướng “hạ nhiệt”. Tuy nhiên, từ tháng 4/2019 đến nay, Tổ công tác vẫn phát hiện và lập biên bản hàng loạt trường hợp vi phạm mới.

Theo số liệu thống kê, tại xã Nhơn Hội (TP.Quy Nhơn) có 4 trường hợp vi phạm, 1 trường hợp xây dựng nhà tole di động trên đất không được xây dựng nhà ở và 3 trường hợp xây dựng vượt giấy phép, xã Phước Hòa (huyện Tuy Phước) có 2 trường hợp vi phạm.

Đặc biệt, huyện Phù Cát được xem là “điểm nóng” để xảy ra thực trạng này, tại xã Cát Chánh có 16 trường hợp lấn chiếm đất đai xây dựng trái phép, ngoài ra 29 trường hợp đã phát hiện trước đây cũng được chính quyền ban hành quyết định cưỡng chế, tại xã Cát Tiến có 24 trường hợp vi phạm…   

img

img

Do tình hình phức tạp, năm 2019 UBND tỉnh Bình Định từng chủ trì cưỡng chế 39 trường hợp lấn chiếm đất, xây dựng trái phép tại Khu kinh tế Nhơn Hội. Ảnh: Dũ Tuấn.

Phó Chủ tịch UBND huyện Phù Cát Trần Văn Hương lý giải, việc xử lý lấn chiếm đất xây dựng trái phép không hềđơn giản, bởi gặp rất nhiều khó khăn vướng mắt. Khi chính quyền vào cuộc xử lý 29 trường hợp lấn chiếm (xã Cát Chánh) thì đa số người dân vi phạm lại ở huyện Tuy Phước, đã có tình trạng chuyển nhượng mua bán đất nên rất mất thời gian xác lập hành vi chính xác, chính quyền ban hành thu hồi đất thì lập tức các hộ dân này kéo đến trụ sở huyện khiếu nại.

“Tổ công tác xử lý được thành lập nhưng thành phần không đảm bảo, cán bộ địa chính có trách nhiệm chính thì không tham gia Tổ công tác mà là cán bộ phụ nên khó xử lý công việc. Tổ công tác nên bố trí thêm lãnh đạo UBND xã, để xác lập hồ sơ nhanh chóng, hiệu quả”, ông Hương kiến nghị.  

img

Giám đốc Sở Tài nguyên Môi trường Bình Định Lê Văn Tùng cho rằng, việc xử lý địa phương còn đùn đẩy trách nhiệm. Ảnh: Dũ Tuấn.

Giám đốc Sở Tài nguyên Môi trường Bình Định Lê Văn Tùng cho rằng, mặc dù tỉnh đã chỉ đạo không để xảy ra tình trạng vi phạm mới, nhưng việc này vẫn tiếp tục tái diễn. Đặc biệt, chính quyền địa phương còn trông chờ vào tỉnh rất nhiều, thậm chí có trường hợp đùn đẩy trách nhiệm.

“Trước đây, huyện Phù Cát cho rằng những hộ dân lấn chiếm đất đai rồi chuyển nhượng xử lý không được nên có hồ sơ gửi đến Sở Tài nguyên Môi trường. Chúng tôi họp cơ quan liên quan và trả lời huyện với yêu cầu phải xử lý người đang sử dụng đất. Còn quan hệ dân sự chuyển nhượng sai đến đâu, họ cứ kiện ra tòa. Nếu huyện cứ chờ thì không bao giờ xử lý nổi, chuyên môn đã rõ rồi, không vướng gì cả, địa phương phải nhanh chóng vào cuộc”, ông Tùng nhấn mạnh.  

Chủ tịch xã, địa chính... đều nói không biết?

Theo Phó Giám đốc Công an tỉnh Bình Định - Đại tá Phan Công Bình, chính quyền cấp xã cần xác lập kỹ hồ sơ tổ chức cưỡng chế từng hộ một, đúng quy định pháp luật để khi cưỡng chế tránh sai sót, kiện tụng. Ngoài ra, cơ quan quản lý phải có lực lượng bảo vệ diện tích đất được nhà nước giao quản lý và tuyên truyền vận động người dân chấp hành.

“Việc quản lý không khó, bởi muốn xây dựng ngôi nhà phải mất nhiều thời gian, chính quyền, ban quản lý ở sát bên phải vào cuộc xử lý ngay khi phát hiện, sẽ tránh được lãng phí cho người dân khi cưỡng chế. Cơ quan quản lý phải có trách nhiệm, không để xây dựng xong mới vào cuộc cưỡng chế, giảm được cưỡng chế càng nhiều thì càng tốt”, Đại tá Phan Công Bình cho hay.

img

Theo Phó Giám đốc Công an tỉnh Bình Định - Đại tá Phan Công Bình, quan trọng nhất vẫn là tuyên truyền, giảm cưỡng chế càng nhiều càng tốt. Ảnh: Dũ Tuấn.

Phó Chủ tịch UBND tỉnh Bình Định Nguyễn Phi Long nhận định, tổ chức cưỡng chế là biện pháp cuối cùng để lập lại kỷ cương pháp luật, khi không còn phương án giải quyết thì chính quyền mới bắt buộc thực hiện.

“Hậu quả đã quá rõ ràng, người dân vi phạm bị mất tiền của vì xây nhà trái phép, cơ quan nhà nước quản lý buông lỏng thì sau này thanh tra kết luận sẽ có rất nhiều cán bộ vi phạm. Thực tế, khi cưỡng chế xử lý tỉnh đã phát hiện rất nhiều chuyện đằng sau, nếu cấp xã làm tốt thì cấp huyện, tỉnh sẽ đỡ vất vả rất nhiều”, ông Long nói.

Theo ông Nguyễn Phi Long, việc lấn chiếm đất rồi phân lô bán nền trục lợi đã vi phạm quản lý đất đai, lừa đảo chiếm đoạt tài sản của người khác. Vì vậy, công an tỉnh cần tăng cường công tác nắm tình hình, kịp thời phát hiện tình trạng lấn chiếm đất đai, xây nhà trái phép mang tính tổ chức tham mưu cho UBND tỉnh xử lý.

“Người dân bình thường thì họ có dám quây hàng nghìn m2 đất, nếu không xử lý dứt điểm thì sẽ có người đứng đằng sau để làm những việc khác nữa. Vụ lấn chiếm đóng cọc phân lô ở dọc đường ĐT 639 phải có tổ chức, chứ làm sao một người dân bình thường mà đi mua cọc đóng được. Đóng cọc khu này phải mất vài ngày nhưng công an xã, chủ tịch xã không nắm được. Thực tế, xây dựng ngôi nhà phải mất 2 ngày (kể cả thứ 7, chủ nhật) trước đó họ phải tập kết vật liệu nhưng điều rất lạ, nhà xây xong khi hỏi Chủ tịch xã, địa chính đều nói không biết rồi viện lý do xây dựng vào thứ 7, chủ nhật chính quyền không làm việc”, ông Long thắc mắc và yêu cầu làm rõ vấn đề.

img

Chủ tịch UBND tỉnh Bình Định Hồ Quốc Dũng cùng Phó Chủ tịch Nguyễn Phi Long trực tiếp đến hiện trường cưỡng chế tại Khu kinh tế Nhơn Hội năm 2019. Ảnh: Dũ Tuấn. 

Xử lý nghiêm cán bộ, đảng viên sai phạm

Phó Chủ tịch UBND tỉnh Bình Định Nguyễn Phi Long lưu ý, khi phát trường hợp vi phạm đủ điều kiện thì cần chuyển cơ quan điều tra công an tỉnh vào cuộc, xử lý vài vụ án điểm để cảnh tỉnh các trường hợp khác.

Ông Long cũng thừa nhận, chính quyền tỉnh Bình Định đã có quá nhiều bài học trong việc buông lỏng quản lý đất đai và khi công an điều tra thì chắc chắn sẽ “lộ” ra nhiều câu chuyện phải xử lý.

“Bây giờ, đất mang tiếng người dân lấn chiếm nhưng đằng sau là cán bộ mua, dùng ảnh hưởng của mình để xây dựng nhà trái phép. Việc này, khi có hiện tượng chứng cứ thì công an tỉnh cần lập chuyên án, đủ kiện thì điều tra truy tố, xử lý dứt điểm. Vừa rồi, Chủ tịch UBND tỉnh Hồ Quốc Dũng đã báo Thường vụ Tỉnh ủy, kiên quyết xử lý các trường hợp là cán bộ, đảng viên tham gia vào hành vi lấn chiếm đất đai, xây dựng nhà trái phép”, ông Long cho hay.

img

Phó Chủ tịch UBND tỉnh Bình Định Nguyễn Phi Long yêu cầu địa phương, cơ quan chức năng khẩn trương vào cuộc xử lý tình trạng lấn chiếm, xây dựng trái phép. Ảnh: Dũ Tuấn.

Theo Phó Chủ tịch UBND tỉnh Bình Định, giá trị đất đai ở tỉnh Bình Định, đặc biệt các nơi ven biển đang tăng trưởng quá cao, đây là một trong những nguyên nhân dẫn đến tình trạng lấn chiếm đất đai, xây dựng trái phép diễn biến phức tạp.

Trong khi, chính quyền cấp tỉnh vừa có quy hoạch dự án thì tại địa phương đã xuất hiện tình trạng lấn chiếm, xây dựng trái phép rồi buôn bán chuyển nhượng sang tay không đúng quy định.

“Năm ngoái, tỉnh đồng loạt ra quân xử lý 39 trường hợp vi phạm họ vẫn chấp hành, không có ai kiện tụng vì người dân nhận thức được nhưng do chính quyền buông lỏng quản lý mới để những vi phạm này lấn tới.  Đất công nhà nước quản lý, làm gì có chuyện cắm cọc chia lô, ngang nhiên như đất của tư nhân, nếu mà làm đúng trách nhiệm thì kỷ luật hết lãnh đạo các xã. Do tình hình tại khu kinh tế quá phức tạp, UBND tỉnh mới thành lập Ban chỉ đạo Tổ công tác, còn trách nhiệm chính ở đây vẫn là tổ chức chính quyền, quản lý đất đai là chủ tịch xã”, ông Nguyễn Phi Long nhấn mạnh.

Từ khóa:
Mời các bạn đồng hành cùng báo Dân Việt trên mạng xã hội Facebook để nhanh chóng cập nhật những tin tức mới và chính xác nhất.
Tin cùng chuyên mục
Xem theo ngày Xem