Mang tiếng "khùng" lão nông Tây Ninh ròng rã hơn 25 năm trồng 200ha rừng trên đất biên cương

Nguyên Vỹ Thứ bảy, ngày 01/05/2021 14:06 PM (GMT+7)
Trên quê hương nắng cháy Tây Ninh, nỗ lực tự trồng 200ha rừng của lão nông Võ Văn Ten còn đáng quý hơn những giá trị hữu hình.
Bình luận 0

Trong 200ha đó, có rừng gỗ quý, có rừng phòng hộ. Tất cả đều là tâm huyết mà ông và các con, hết năm này tháng khác cố công gầy dựng, nhưng không phải để bán gỗ mà để... bảo vệ môi trường.

Năm 2017, ông Võ Văn Ten có mặt tại Hà Nội nhận danh hiệu Nông dân Việt Nam xuất sắc, đại diện cho tỉnh Tây Ninh.

Đời cha trồng rừng, đời con lượm hạt

4 năm sau, chúng tôi gặp lại ông giữa mùa khô trên đất biên cương. Vẫn nước da đen sạm, vẫn giọng nói hào sảng, ông Ten năm nay đã 79 tuổi. Ông kể, mỗi ngày ông vẫn cưỡi xe máy cả trăm cây số đi thăm rẫy, thăm rừng.

Lão nông trồng 200ha rừng trên đất biên cương - Ảnh 1.

Ai nhắc đến chuyện chặt cây bán gỗ là ông Ten trợn mắt, gạt phắc đi: “Tôi chưa từng nghĩ đến” . Ảnh: Nguyên Vỹ

"Rừng cây này được trồng vĩnh viễn để bảo vệ môi sinh, không khai thác. Chừng nào tôi còn sức, còn khả năng vay trả lãi ngân hàng sẽ lại tiếp tục trồng rừng. Trồng tới hết diện tích thì thôi".

Ông Võ Văn Ten

Rừng của ông Ten trồng nhiều nơi, nhưng nhiều nhất là 50ha trong lòng hồ Dầu Tiếng, huyện Dương Minh Châu. Ngày trước khó khăn, ông cũng muốn trồng rừng bán gỗ để thoát nghèo. Nhưng nghĩ đến chuyện chặt rừng sẽ làm ảnh hưởng đến nguồn nước, khí hậu, ông lại không nỡ. Sống lâu với rừng, ông Ten hiểu rõ giá trị rừng mang lại. Nhưng để rừng phát huy hiệu quả phải mất 5-10 năm. Đây cũng là thách thức lớn khi trên cùng diện tích, nhiều người có thể thu về cả tỷ đồng mỗi năm.

Ngày tháng qua đi, nhìn từng cây rừng lớn lên, ông thân thuộc như từng đứa con tinh thần. Cứ ai nhắc đến chuyện chặt cây bán gỗ là ông trợn mắt, gạt phắt đi: "Bán gì chứ, tôi chưa từng nghĩ đến".

Anh Nguyễn Văn Hân - con rể thứ nhất của ông Ten kể, không ai bảo ai, mỗi anh em góp nhặt từng phần công sức, phụ cha trồng rừng bằng đủ các loại cây bản địa. "Nếu không mò mẫm đi các nơi từ Nam ra Bắc tìm cây giống thì cũng vào rừng lượm hạt về trồng" - anh Hân nói.

Tại thửa rừng 4ha ở thị xã Hòa Thành và thửa khác 2ha ở TP.Tây Ninh, anh Hân kể mình đang trồng hơn 15 loại cây: Lim xanh, mun sọc, nghiến, gõ đỏ, dõi xanh, trắc đen, chiu liu, lười ươi, cẩm lai đỏ... Từng cây rừng được trồng theo mật độ và phân theo luống thẳng hàng. Giữa các hàng có ống pec phun nước.

Anh Hân bảo, đất đô thị đang có giá, không phải ai cũng dám trồng rừng như ông Ten. Nhiều người cũng học theo ông Ten trồng rừng nhưng đa phần là trồng cây sưa để bán gỗ, chứ không hẳn vì cái tâm trồng rừng thuần túy. "Vì trồng rừng phải tạo ra hệ sinh thái giống như rừng. Nghĩa là phải trồng hỗn loài, tán rừng có đầy đủ tầng cao, tầng thấp và dây leo" - anh Hân giải thích.

Sừng sững rừng gáo vàng

Lão nông trồng 200ha rừng trên đất biên cương - Ảnh 3.

Thửa rừng kế bên, rừng cây gáo vàng 1 năm tuổi cũng đang vươn mình. Ảnh: Nguyên Vỹ

Tạm biệt những thửa rừng giữa đất đô thị, chúng tôi đi lên hồ Dầu Tiếng, thượng nguồn sông Sài Gòn. Hồ Dầu Tiếng là công trình thủy lợi nhân tạo có diện tích 27.000ha, lớn nhất nước.

Mùa khô, nước trong lòng hồ rút xuống, để lộ thiên ra vùng đất bán ngập. Trên đất bán ngập này, nông dân tranh thủ trồng các loại cây ngắn ngày như mì (sắn), dưa, đậu... trước khi mùa nước dâng, nhấn chìm mọi thứ.

Việc tranh thủ canh tác trên đất bán ngập mang lại lợi nhuận nhưng cũng gây tác động xấu đến môi trường nước. Tỉnh Tây Ninh đã nhiều lần trồng thử nghiệm các loại cây rừng khác nhau để bảo vệ môi trường, giảm dòng chảy lũ, hạn chế xói mòn, giảm nhẹ tác động của sóng tới hệ thống đê đập. Tuy nhiên, hồ Dầu Tiếng vận hành theo quy trình lưu chứa riêng, nguồn nước biến động. Ở cao trình nước dâng 24m, tìm được loại cây sống được khi nước ngập cả thân cây là không dễ.

Vừa là nông dân sản xuất kinh doanh giỏi, có nhiều đóng góp cho xã hội, lại có công trồng cây gây rừng, năm 2021 ông Ten được tặng Huân chương Lao động hạng Ba.

Theo Công ty TNHH MTV khai thác thuỷ lợi Dầu Tiếng-Phước Hòa (thuộc Bộ NNPTNT) - đơn vị quản lý hồ Dầu Tiếng, cây gáo vàng có khả năng chịu được ngập úng. Công ty này đã liên kết với một đơn vị khác lập dự án trồng gần 50ha cây gáo vàng trên đất bán ngập lòng hồ. Theo thuyết minh dự án, 1ha đất có thể trồng được 1.000 cây. Sau thời gian trồng khoảng 5-6 năm, gáo vàng có thể cho thu hoạch. 1ha gáo vàng có thể mang lại doanh thu gần 1 tỷ đồng. Dự án được triển khai khoảng 1 năm nay.

Thế nhưng, cũng ngay trong lòng hồ Dầu Tiếng, trước khi có dự án trên của chính quyền, ông Ten và các con đã tự mình trồng rừng phòng hộ cho lòng hồ từ 20 năm trước. Trong đó có cả những cánh rừng gáo vàng đã lớn từ 1-5 năm tuổi đang sừng sững vươn mình.

Vất vả giữ rừng

Men theo mép nước lòng hồ, con đường gập ghềnh, lầy lội trên nền đất bán ngập khiến màu xanh từ những cánh rừng của ông Ten cứ chập chờn đằng xa. Tới phần đất của ông Ten, chúng tôi phải di chuyển 1 lần nữa trên xe máy cày cỡ lớn mới vào được tim rừng. Chỉ tay vào bộ rễ cây tràm, nổi cao lên gần 1m so với mặt đất, ông Ten giải thích: Nước ngập tới đâu thì rễ tràm mọc tới đó. Ở cao trình mực nước 24-26m, chỉ có trồng rừng được thôi.

Ông bắt đầu trồng rừng ở đây từ 20 năm trước. Mỗi năm, ông cố gắng trồng thêm 5-10ha; đến nay đã được hơn 50ha rừng trên tổng diện tích 110ha đất của gia đình.

Khi thấy đề án trồng 1 tỷ cây xanh được Thủ tướng Chính phủ phê duyệt, ông Ten mừng lắm. Vì nỗ lực trồng rừng của những nông dân như ông được thêm phần khích lệ.

Tâm huyết là vậy nhưng trồng được rừng đã khó, giữ được rừng còn khó hơn. Bao nhiêu mùa khô đi qua là cũng đã bao phen rừng của ông bị cháy vì nắng nóng, vì người đi bắt ong... Việc phòng chống cháy rừng lại gặp thêm cản trở khác từ... Công ty khai thác thủy lợi Dầu Tiếng-Phước Hòa. Chuyện là ông Ten muốn đưa xe múc đất vào lòng hồ làm đường nội đồng, tạo lối đi thuận tiện để vận chuyển nước phòng chống cháy rừng. Nhưng Công ty Dầu Tiếng-Phước Hòa lại nghi ngờ ông đào đất, lấy cát đem đi kinh doanh nên ngăn cản.

"Công ty muốn ngăn cản những hành vi phá hoại nhưng tôi cũng đang góp phần bảo vệ lòng hồ. 1-2 xe cát đem đi bán trộm thì đáng kể gì so với công sức, tiền của gia đình bỏ ra sau hàng chục năm trời" - ông Ten giãi bày. Phía đơn vị quản lý yêu cầu ông Ten phải lập đề án trồng rừng mới cho phép. Nhưng việc này không thể 1 sớm 1 chiều mà hoàn thành. Trong khi rừng vẫn đối diện nguy cơ cháy rất lớn.

Ông Võ Đức Trong - Phó Chủ tịch HĐND tỉnh Tây Ninh cho biết, người dân tự trồng được rừng là đáng quý, chính quyền hoàn toàn ủng hộ và khuyến khích. "Cũng không nên quá câu nệ vào thủ tục hành chính mà gây khó dễ cho công tác bảo vệ rừng. HĐND tỉnh sẽ làm việc với Công ty Dầu Tiếng - Phước Hòa để tìm hướng tháo gỡ" - ông Võ Đức Trong cho biết. 

Mời các bạn đồng hành cùng báo Dân Việt trên mạng xã hội Facebook để nhanh chóng cập nhật những tin tức mới và chính xác nhất.
Tin cùng chuyên mục
Xem theo ngày Xem