Mập mờ “dán mác” trường quốc tế để trục lợi?

Hà My Thứ sáu, ngày 09/08/2019 06:00 AM (GMT+7)
Chữ “quốc tế” được gắn khá phổ biến ở nhiều trường tư thục trên cả nước. Nhưng việc sử dụng từ “quốc tế” trong tên trường có thực sự chính danh, đúng với các quy định hay không lại là một vấn đề đang được dư luận quan tâm sau vụ việc ở Trường Gateway, và cần các cơ quan chức năng lên tiếng, xử lý.
Bình luận 0

“Dán nhãn” quốc tế để quảng cáo

Dư luận vẫn chưa hết bàng hoàng, đau xót về vụ việc nam sinh lớp 1 tử vong trên chiếc xe buýt đưa đón học sinh của Trường Phổ thông Liên cấp quốc tế Gateway (Cầu Giấy, Hà Nội). Trường này có mức học phí khá cao, gần 120 triệu đồng/năm, chưa kể tiền ăn, tiền học liệu, tiền ghi danh… Nếu tính hết thì mỗi phụ huynh sẽ phải đóng xấp xỉ 15 triệu đồng/tháng để cho con học trường quốc tế này.

img

Bảng hiệu trường Gateway ghi rõ yếu tố quốc tế (international).  Ảnh: T.L

Tuy nhiên, ngày 7/8, trong buổi họp báo công bố thông tin về vụ tử vong của  em học sinh lớp 1 Trường Gateway nghi do bị bỏ quên trên xe buýt, ông Phạm Ngọc Anh – Trưởng Phòng GDĐT quận Cầu Giấy khẳng định, trên địa bàn quận không có trường nào là trường “quốc tế”. Ông Ngọc Anh cho biết, tại quyết định thành lập Trường Gateway cũng không hề có chữ “quốc tế” trong tên trường. Như vậy, có nghĩa “quốc tế” là do Trường Gateway tự dán nhãn cho mình. Điều này khiến cho nhiều người ngỡ ngàng bởi trường “quốc tế” này đã có từ lâu, nhiều người biết đến, bảng hiệu của trường cũng ghi rõ ràng, nhưng chưa từng có cơ quan chức năng nào nhắc nhở.

Thực tế, Trường Gateway không phải là trường duy nhất gắn chữ “quốc tế” vào tên của trường, mà trên địa bàn TP.Hà Nội còn rất nhiều trường có tên và cách làm như vậy.

img

Trên xe buýt đưa đón học sinh của Trường Gateway cũng ghi rõ “Trường PTLC quốc tế...”. Ảnh: K.B

Chị H.V.A (Cầu Giấy) - một phụ huynh có con đang học tại Trường Gateway cho biết việc chọn lựa trường học cho con là một việc vô cùng gian nan. “Trường Gateway có cơ sở vật chất và chất lượng đào tạo ở mức tốt trong khu vực, tuy nhiên thời gian trở lại đây tôi muốn chuyển trường cho con thì cũng rất khó. Nói phụ huynh chọn trường vì “mác” quốc tế thì không chính xác bởi có nhiều trường được gắn với chữ quốc tế chứ không riêng gì Gateway. Chúng tôi chọn trường cho con từ nhiều yếu tố, cũng tham khảo qua bạn bè có con học trong trường, tuy nhiên đúng là trong lớp có nhiều phụ huynh vẫn bị tâm lý “sính ngoại” khi thích cái mác quốc tế này, mặc dù thầy cô giáo đều là người Việt, chương trình học đa phần đều của Bộ GDĐT, trường cũng không có học sinh là người nước ngoài”.

Sáng 8/8, trong buổi công bố kết luận thanh tra về việc quản lý hoạt động liên kết đào tạo), cấp phát văn bằng chứng chỉ của Sở GDĐT Hà Nội, Chánh Thanh tra Bộ GDĐT Nguyễn Huy Bằng đã yêu cầu Sở GDĐT Hà Nội sớm tổ chức rà soát, thanh tra kiểm tra hoạt động các cơ sở giáo dục có mang tên trường quốc tế theo thẩm quyền.

Theo Điều 48 của Luật Giáo dục hiện hành, các loại hình nhà trường trong hệ thống giáo dục quốc dân chỉ bao gồm: Trường công lập; trường dân lập; trường tư thục. Luật Giáo dục mới được Quốc hội thông qua năm 2019 (có hiệu lực từ 1/7/2020) cũng quy định 3 loại hình nhà trường tương tự như trên.

Theo Thông tư 12/2011 của Bộ GDĐT ban hành ngày 28/3/2011 về điều lệ trường trung học cơ sở, phổ thông và trường phổ thông có nhiều cấp học, việc đặt tên trường được quy định như sau: Trường trung học cơ sở (hoặc trung học phổ thông; tiểu học và trung học cơ sở; trung học cơ sở và trung học phổ thông; tiểu học, trung học cơ sở và trung học phổ thông; trung học phổ thông chuyên) + tên riêng của trường.

Như vậy, việc gắn mác quốc tế vào tên trường của Trường Gateway và nhiều trường khác nữa là việc làm tự phát, không được pháp luật công nhận là trường quốc tế. Có thể hiểu, từ quốc tế chỉ được gắn vào tên trường nhằm  quảng cáo, PR, thu hút phụ huynh, học sinh (!?).

Cần phải xử lý các trường tự phong quốc tế

Chia sẻ với phóng viên, ông  Lê Hồng Vũ - Trưởng Phòng GDĐT quận Tây Hồ (Hà Nội) cho biết theo Nghị định 86/2018 quy định về hợp tác, đầu tư của nước ngoài vào lĩnh vực giáo dục do Chính phủ ban hành, thì tên các trường có vốn đầu tư nước ngoài bao gồm các yếu tố cấu thành được sắp xếp theo trật tự: “Trường”, “Cấp học hoặc trình độ đào tạo” và tên riêng.

  Nước ta không thiếu quy phạm pháp luật về trường quốc tế để xử lý các vấn đề này. Tuy nhiên, địa phương có thực hiện theo các quy định này hay không mới là vấn đề. Tôi cho rằng đây là một sự thật đáng báo động và cần phải được xử lý ngay”.

Ông Le Viết Khuyến 

“Như vậy, tên Trường tiểu học Gateway có thêm chữ quốc tế có thể là do trường này tự đặt ra. Muốn biết trường có được cấp phép hoạt động đúng như vậy hay không thì kiểm tra giấy phép hoạt động. Tuy nhiên, trong trường hợp này, nếu đơn vị nào cấp phép để hoạt động dưới mác “quốc tế” cũng sai” – ông Vũ khẳng định.

Trưởng Phòng GDĐT quận Tây Hồ lấy ví dụ, theo nguyên tắc những trường có yếu tố đầu tư nước ngoài phải đặt tên tiếng Việt, tên tiếng Anh chỉ được phép đứng bên cạnh trong dấu ngoặc. Ở quận Tây Hồ có một số trường ban đầu xin cấp phép cũng để tên tiếng Anh, nhưng đơn vị đề nghị chỉ được đứng tên tiếng Việt cho đúng với quy định.

“Hiện nay một số trường đang đánh vào tâm lý sính ngoại nên có xu hướng lấy tên nước ngoài để thu hút phụ huynh và “đẻ” ra nhiều chương trình gắn nhãn  đào tạo, công dân toàn cầu… Nếu không đúng bản chất là trường quốc tế mà dán nhãn quốc tế thì cái sai đó thuộc về trường và có trách nhiệm của các cấp quản lý” – ông Vũ nhấn mạnh.

Một lãnh đạo Sở GDĐT TP.HCM cũng cho rằng,  đang có sự nhầm lẫn rất lớn giữa “trường tư” và “trường có yếu tố nước ngoài” tại TP.HCM. Bởi trên thực tế, các trường tư thục đã được phép giảng dạy các chương trình quốc tế hoặc chương trình tích hợp, họ tự gắn mác trường quốc tế, nên phụ huynh nghĩ chỉ cần giảng dạy chương trình nước ngoài sẽ là trường quốc tế. Trong khi đó, trường có yếu tố nước ngoài phải do tổ chức nước ngoài thành lập, có vốn đầu tư nước ngoài, dạy chương trình nước ngoài cho con em là người nước ngoài ở TP.HCM và một bộ phận học sinh người Việt sinh sống tại TP.HCM.

Theo TS Lê Viết Khuyến – nguyên Phó Vụ trưởng Vụ Giáo dục Đại học, Bộ GDĐT, tiêu chuẩn của thế giới về trường quốc tế gồm 3 tiêu chí: Trường phải có cơ sở ở nhiều quốc gia khác nhau; phải sử dụng các ngôn ngữ quốc tế phổ biến như tiếng Anh, không sử dụng tiếng bản địa; phải đào tạo theo chương trình được nhiều nước công nhận, có thể học lên lớp cao hơn, hoặc thi vào đại học quốc tế.

 Ông Khuyến cho rằng, hiện nay chỉ có một số ngôi trường đặc biệt được mở ra vì mục đích ngoại giao mới thực sự được công nhận là trường quốc tế tại Việt Nam. Tuy nhiên, có không ít trường hiện nay đang gắn mác “quốc tế” để đánh lừa xã hội và nhằm xây dựng thương hiệu.

  Theo ông Nguyễn Trọng An - nguyên Phó cục trưởng Cục Bảo vệ và Chăm sóc trẻ em (Bộ LĐTBXH): “Việc để các trường tự gắn mác, quảng cáo là “trường quốc tế” còn tồn tại hiện nay, nguyên nhân chính đến từ sự buông lỏng quản lý của các cơ quan chức năng. Ngay trong vụ việc của Trường  Gateway, cơ quan chức năng biết các trường tự xưng là “quốc tế” tồn tại đã lâu nhưng không xử lý, đó là minh chứng rõ nhất của việc buông lỏng quản lý hoạt động của trường học có yếu tố nước ngoài hiện nay”.

Mời các bạn đồng hành cùng báo Dân Việt trên mạng xã hội Facebook để nhanh chóng cập nhật những tin tức mới và chính xác nhất.
Tin cùng chuyên mục
Xem theo ngày Xem