Mất điểm “oan” và những "cú dớp" của chung kết Đường lên đỉnh Olympia

Vân Nga (tổng hợp) Thứ tư, ngày 06/08/2014 06:48 AM (GMT+7)
Trải qua 14 năm tổ chức, chương trình Đường lên đỉnh Olympia thu hút nhiều học sinh THPT trên cả nước vì được đánh giá là sân chơi trí tuệ, bổ ích. Tuy nhiên, chương trình từng xảy ra không ít sự cố nhầm lẫn, sai sót khiến thí sinh mất điểm “oan”.
Bình luận 0

Trận chung kết Đường lên đỉnh Olympia năm 2014 vừa kết thúc thì ngay lập tức nhiều khán giả, giáo viên cho rằng quyết định của ban cố vấn chương trình về câu trả lời của thí sinh Hoàng Bách trong câu hỏi lĩnh vực Hóa học là không chính xác, đã ảnh hưởng đến kết quả của cuộc chơi.

Bởi nếu câu trả lời của thí sinh này được công nhận là đúng thì số điểm của em là 260 điểm, bằng với điểm của nhà vô địch Nguyễn Trọng Nhân.

img
Thí sinh Hoàng Bách.

Đây không phải lần đầu tiên chương trình này có thông tin gây xôn xao mà các trận chung kết Olympia trước đó cũng từng xảy ra những sự cố đáng tiếc.

Mất điểm vì câu trả lời về “hệ nội tiết”

Trong cuộc thi quý III năm 2009, em Bạch Đình Thắng - học sinh trường chuyên Nguyễn Huệ - Hà Đông trong phần thi về đích đã bắt phải câu hỏi về các hệ cơ thể người.

Bạch Đình Thắng đã căn cứ vào sách giáo khoa lớp 8 trả lời là có 6 hệ trong đó có hệ nội tiết. Trong khi đó đáp án của chương trình và phần trả lời tư vấn của các nhà y học lại khẳng định “nội tiết không phải là một hệ” và “không thể cho điểm”.

img

Bạch Đình Thắng tại cuộc thi chung kết Olympia năm 2009.

Phần thi kết thúc, người cao điểm nhất và có quyền tham dự phần thi chung kết là em Hồ Ngọc Hân - trường Quốc học Huế. Tuy nhiên sau đó, gia đình Thắng đã gặp BTC trình bày về cuốn SGK lớp 8 đã có một chương về Hệ nội tiết, trong sách ghi rõ: “Hệ nội tiết là một hệ trong cơ thể người”.

Sau khi bàn bạc và trao đổi với những nhà khoa học, Đài Truyền hình Việt Nam đã quyết định “cho điểm” phần trả lời của học sinh Bạch Đình Thắng. Và đó là lý do tại sao, trong cuộc chung kết năm diễn ra vào tháng 5.2009 có tới 5 thí sinh tham  dự mà không phải 4 thí sinh như thường lệ.  

Chung kết năm 2010: Cả thí sinh và MC đều phát âm từ “plumber” không chuẩn

Nhờ câu hỏi tiếng Anh cuối mà thí sinh Minh Đức đã về nhất với 295 điểm và giành vòng nguyệt quế sau cuộc rượt điểm số gay cấn với thí sinh Đỗ Đức Hiếu. Nhưng đã có nhiều tranh cãi quanh câu trả lời của thí sinh này, một số ý kiến cho rằng Minh Đức đã phát âm sai từ “plumber” mà vẫn được BTC chấp nhận đáp án.

img
Nhà vô địch Olympia 2010 Minh Đức.

 

Cụ thể, sau khi thí sinh Thanh Tùng trả lời sai câu hỏi tiếng Anh trong phần thi về đích: “Hello, my name’s Tom. I have a problem with my flat. So I have to call somebody to come to fix the water. Who will I have to call?" và Minh Đức đã có cơ hội và đưa ra câu trả lời là  “plumber” với phần phát âm (pờ lăm pờ)

Điều đáng nói ở đây là, không chỉ thí sinh mà cả MC Tùng Chi đều phát âm sai từ “plumber” (phải chứ “b” câm tức đọc đúng phải là pờ lăm mờ thay vì pờ lăm pờ).  

Một câu trả lời, hai đáp án đều được chấp nhận

Trong phần thi Tăng tốc, chung kết năm 2011, câu hỏi số 4 được nêu ra “Đây là gì” với các dữ liệu gợi ý:

1 - Đây là hợp chất vô cơ

2 - Cấu trúc mạng tinh thể, liên kết ion

3 - ..?.. của rừng (tác phẩm của Nguyễn Huy Thiệp)

4 - Một loại gia vị

5 - Salt

Ba thí sinh còn lại đều có đáp án là “muối”, riêng thí sinh Ngọc Oanh có đáp án “muối ăn”. Thay vì chỉ công nhận một đáp án, BTC lại thống nhất cả hai đáp án trên đều đúng. Đồng nghĩa với việc Ngọc Oanh có thêm 30 điểm, đưa số điểm của mình từ 190 lên 220 và trở thành nhà vô địch của năm.

img 

Các thí sinh tham gia cuộc thi chung kết Olympia năm 2011.

Tuy nhiên, nhiều khán giả trong trường quay S9 – nơi diễn ra cuộc thi được truyền hình trực tiếp, tỏ ra không đồng tình với quyết định này. Bởi nếu là “Muối ăn” thì theo dữ kiện thứ 3 thì tác phẩm của Nguyễn Huy Thiệp sẽ là “Muối ăn của rừng” cũng được chấp nhận như “Muối của rừng”? Như thế là không thể chấp nhận được. Sau đó, dư luận nổi sóng tranh cãi về đáp án và cho rằng đó là lỗi ra câu hỏi của BTC.

Chưa kể ở câu hỏi trước đó, thí sinh này đã trả lời “Krôngpút” cho câu hỏi về loại nhạc cụ của người Tây Nguyên. Trong khi đó, đáp án đúng phải là “Klôngpút”.

Đề Toán chung kết Olympia 2012 sai

Câu  hỏi lĩnh vực Toán học trong chung kết Olympia 2012: 3 mặt trời = 2 ngôi sao, 1 ngôi sao + 4 mặt trăng = 1 mặt trăng + 5 mặt trời. Hỏi sẽ có bao nhiêu mặt trời để cán cân thăng bằng: 2 mặt trăng + 4 ngôi sao = 1 mặt trăng + 1 ngôi sao + ? mặt trời.

img
Bốn thí sinh tham dự cuộc thi chung kết Olympia 2012.

 

Đáp án của câu hỏi ứng với các lựa chọn là: A: 4, B: 5, C: 6, B: 7, D: 8, E: 9, F: 9.

Hai thí sinh Lê Phương và Thái Hoàng đã đưa ra đáp án là C - tức là 6, và được khẳng định đúng, giành điểm. Lê Phương được 40 điểm còn Thái Hoàng có 30 điểm ở câu hỏi này.

Tuy nhiên, nhiều người cho rằng tất cả các đáp án cho câu hỏi này đều không đúng, đáp án phải là số lẻ, và chính xác nhất là 5+2/3 (5,6666...), chứ không phải là 6, nếu là 6 thì không thể cân bằng được.

Vào thời điểm đó, trao đổi với báo chí, chính PGS Văn Như Cương - người viết sách giáo khoa Toán khẳng định cả 6 đáp án của BTC đưa ra để thí sinh lựa chọn đều không đúng.

Nếu như câu hỏi sai, đáp án không được tính thì tổng số điểm của Thái Hoàng sẽ là 220 điểm. Khi đó người chiến thắng trong trận chung kết sẽ là Thân Ngọc Tĩnh với 230 điểm.

Mời các bạn đồng hành cùng báo Dân Việt trên mạng xã hội Facebook để nhanh chóng cập nhật những tin tức mới và chính xác nhất.
Tin cùng chuyên mục
Xem theo ngày Xem