Mất việc do dịch bệnh, dân Indonesia đổ xô đi đào vàng

24/09/2020 17:04 GMT+7
Khi dịch Covid-19 khiến hàng triệu người dân Indonesia lâm vào cảnh thất nghiệp, ngày càng nhiều người đổ xô đến các mỏ vàng bất hợp pháp để thử vận may khi giá vàng tăng vùn vụt.
Mất việc do dịch bệnh, dân Indonesia đổ xô đi đào vàng - Ảnh 1.

Mất việc do dịch bệnh, dân Indonesia đổ xô đi đào vàng

Trong bối cảnh bất ổn toàn cầu gia tăng và khủng hoảng đại dịch Covid-19, các nhà đầu tư toàn cầu đã đổ tiền vào vàng như một tài sản trú ẩn an toàn, khiến giá kim loại quý này nhảy vọt vượt ngưỡng 2.000 USD/oz hồi tháng trước. Giá vàng ở Indonesia không nằm ngoài xu hướng như vậy.

Sự tăng vọt của giá vàng đã thúc đẩy ngành công nghiệp khai thác vàng bất hợp pháp bùng nổ tại Indonesia, vốn là đất nước giàu khoáng sản. Thêm vào đó, tình trạng thất nghiệp ngày càng trở nên tồi tệ đã khiến nhiều người phớt lờ nguy cơ bị bắt giữ, bị nhiễm độc thủy ngân để tìm đến các mỏ vàng thử vận may.

Ông bố hai con Mustafa là một trong hàng trăm công nhân đào vàng bất hợp pháp ở một con sông gần mỏ vàng Grasberg - một trong những mỏ vàng lớn nhất thế giới. Ngày ngày, Mustafa vừa đào vàng vừa lẩn trốn các lực lượng chức năng kiểm soát khu vực này. Trong những ngày may mắn, anh có thể thu về 1 gam vàng bằng cách sàng lọc bùn qua những lớp vải tự chế và bán lại cho thương nhân địa phương với giá khoảng 800.000 rupiah (55 USD) - số tiền không nhỏ với người nghèo Indonesia.

Theo Mustafa, tuy không dùng thủy ngân trong việc khai thác vàng nhưng có rất nhiều mối nguy hiểm khác đang rình rập những người khai thác vàng trái phép như anh. “Nỗi sợ bị bắt giữ luôn hiện hữu. Bạn sẽ mắc kẹt giữa những cuộc giao tranh chết người giữa lực lượng an ninh quốc gia và phiến quân địa phương” - Mustafa cho biết. “Có rất nhiều người trong chúng tôi ở đây suốt thời gian đại dịch vì giá vàng đang tăng vọt. Chúng tôi buộc phải mạo hiểm mà không có lựa chọn nào khác vì chúng tôi cần tiền để nuôi sống gia đình”.

Đó là chưa kể nguy cơ lây nhiễm Covid-19 hoặc nhiễm trùng da khi tiếp xúc những người đồng hành hoặc lội qua những vùng nước đầy rác thải để đào vàng. “Tôi và một số người bạn đã mắc bệnh ngoài da, nhưng thật may là cho đến nay chưa có ai nhiễm Covid-19”.

Cách Grasberg hàng nghìn km về phía Tây, tại Kalimantan - khu vực thuộc đảo Borneo của Indonesia, trong tháng này, cảnh sát đã bắt giữ 400 thợ đào vàng hoạt động bất hợp pháp tại một khu bảo tồn. Với tội danh này, mức án có thể lên tới 15 năm tù.

Sustyo Iriyono, Giám đốc phòng ngừa và bảo vệ rừng của Bộ Môi trường Indonesia cho biết nguy cơ thợ đào vàng sử dụng thủy ngân trong quá trình tìm vàng sẽ gây ra nguy hiểm lớn cho chính họ và cả môi trường sinh thái. Dù chưa có dữ liệu thống kê chính thức nhưng theo ông Irinoyo, hoạt động khai thác bất hợp pháp vàng đã tăng đột biến trên toàn quốc, từ các quần đảo Java đông dân cư cho đến vùng đảo Sumbawa xa xôi. 

“Giá vàng tăng cao trong đại dịch là tác nhân gây ra sự gia tăng đột biến hoạt động bất hợp pháp này. Họ đang kiếm lợi nhuận bằng cách phá hủy môi trường. Chúng tôi đang nỗ lực tìm giải pháp” - ông Sustyo Iriyono nói thêm.

Nhà hoạt động môi trường Aiesh Rumbekwan nhận định "sự gia tăng đột biến” hoạt động khai thác vàng trái phép là do người dân khốn cùng, buộc phải tìm cách nuôi sống gia đình trong bối cảnh nền kinh tế tổn thương vì đại dịch. Viện trợ chính phủ đã chậm trễ đến tay người dân nhiều vùng của đất nước. “Nếu những thợ đào vàng bất hợp pháp sử dụng thủy ngân trong quá trình tìm vàng, nó sẽ gây hại cho môi trường, nhất là những khu vực đào vàng nối với các nguồn nước sông, hồ lớn. Điều đó có thể dẫn đến một thảm họa sinh thái” - ông Rumbekwan nói thêm.

Chính phủ Indonesia đã cấm sử dụng thủy ngân trong khai thác khoáng sản thủ công kể từ năm 2017, nhưng nhiều người vẫn có thể tìm đến chợ đen để mua kim loại nguy hiểm này.

Thùy Dung
Cùng chuyên mục