Trung Quốc lại phát hiện virus SARS-CoV-2 trên bao bì hải sản nhập khẩu Indonesia

18/09/2020 16:33 GMT+7
Một nhà xuất khẩu thủy hải sản Indonesia vừa trở thành thực thể mới nhất lọt vào danh sách tạm cấm nhập khẩu của Trung Quốc sau khi bao bì đóng gói hải sản của công ty này bị phát hiện dương tính với virus SARS-CoV-2.
Trung Quốc lại phát hiện virus SARS-CoV-2 trên hải sản nhập khẩu từ Indonesia - Ảnh 1.

Trung Quốc lại phát hiện virus corona trên hải sản đông lạnh nhập khẩu từ Indonesia

Tờ Bloomberg đưa tin Trung Quốc hôm 18/9 tuyên bố sẽ ngừng nhập khẩu các sản phẩm thủy hải sản đông lạnh từ nhà xuất khẩu thủy hải sản PT Putri Indah của Indonesia trong ít nhất một tuần sau khi hải quan nước này phát hiện các mẫu virus SARS-CoV-2 trên một bao bì cá đông lạnh.

Hiện PT Putri Indah chưa có phản hồi nào sau tin tức này.

Kể từ tháng 6, khi một ổ dịch Covid-19 không rõ nguồn gốc bùng phát tại chợ buôn hải sản Tân Phát Địa (Bắc Kinh), chính phủ Trung Quốc đã phát hiện ra dấu vết mầm bệnh trên thớt chế biến hải sản đông lạnh nhập khẩu. Liên tục từ đó đến nay, các nhà chức trách Trung Quốc đã siết chặt công tác kiểm định thịt, hải sản, thực phẩm nhập khẩu như một nguồn lây tiềm năng của dịch Covid-19. Tuy nhiên, tính đến đầu tháng 9, chỉ có 6 trên khoảng 500.000 mẫu thử xét nghiệm được phát hiện dương tính với virus SARS-CoV-2. Và mẫu bao bì cá đông lạnh từ nhà xuất khẩu thủy sản PT Putri Indah của Indonesia chính là trường hợp mới nhất.

Trước đó, Trung Quốc đã cấm nhập khẩu hàng loạt sản phẩm bao gồm thịt đông lạnh và tôm Ecuador, cánh gà Brazil… sau khi các xét nghiệm cho ra kết quả dương tính với virus SARS-CoV-2 tương tự.

Hồi tháng 8, các nhà khoa học từ đại học Nông nghiệp Nam Trung Quốc kết hợp với Học viện Khoa học Nông nghiệp Quảng Đông tuyên bố phát hiện virus SARS-CoV-2 có thể tồn tại trên các mẫu cá hồi đông lạnh khoảng 8 ngày ở mức nhiệt độ 4 độ C, tức mức nhiệt dùng để bảo quản các lô hàng cá hồi đông lạnh. “Mẫu cá hồi nhiễm SARS-CoV-2 từ quốc gia này có thể dễ dàng được xuất khẩu sang quốc gia khác trong vòng 1 tuần, do đó nó có thể được coi là một trong những nguồn lây nhiễm quốc tế” - nghiên cứu kết luận.

Nhưng cho đến nay, cộng đồng khoa học toàn cầu cho biết không có bằng chứng nào chứng minh khả năng dịch Covid-19 lây lan qua con đường ăn uống thực phẩm hoặc bao bì thực phẩm. Cơ quan Quản lý Thực phẩm và Dược phẩm Mỹ FDA đã đưa ra khuyến nghị tương tự rằng chưa thể chứng minh virus SARS-CoV-2 trên thực phẩm đông lạnh có nguy cơ tạo thành nguồn lây nhiễm dịch Covid-19. Các chuyên gia đầu ngành Singapore thì nhận định khả năng thực phẩm đông lạnh lây dịch Covid-19 là rất thấp.

Bất chấp những ý kiến trái chiều như vậy, Tổng cục Hải quan Trung Quốc tuần trước đã siết chặt các quy định nhập khẩu thực phẩm đông lạnh do quan ngại nguy cơ lây nhiễm và bùng phát dịch Covid-19 từ chuỗi cung ứng thực phẩm. Cụ thể, theo các quy định mới được ban hành, các nhà xuất khẩu thực phẩm, đồ đông lạnh quốc tế sẽ bị cấm xuất hàng sang Trung Quốc ít nhất 1 tuần nếu mẫu thực phẩm xét nghiệm sàng lọc bị phát hiện dương tính với virus SARS-CoV-2 trong lần xét nghiệm đầu tiên hoặc thứ hai.

Nếu các sản phẩm đông lạnh của nhà nhập khẩu này liên tiếp bị phát hiện dương tính với virus SARS-CoV-2 từ lần thứ 3 trở lên, lệnh cấm sẽ được nâng lên mức 4 tuần. Quy định có hiệu lực từ hôm 11/9.


Thùy Dung
Cùng chuyên mục