Mất việc vì thiếu văn hoá ứng xử

Chủ nhật, ngày 12/12/2010 12:44 PM (GMT+7)
(Dân Việt) - Nhiều lao động sau khi được đào tạo nghề chỉ làm việc một thời gian ngắn là bỏ hoặc mất việc. Có nhiều lý do để lý giải cho điều này, trong đó có nguyên nhân do tùy tiện, thiếu văn hóa nghề.
Bình luận 0

Thích là... bỏ việc

Ông Vũ Trùng Dương, Bộ LĐ-TB&XH cho biết: "Tay nghề của người lao động là một trong những yếu tố quyết định chất lượng sản phẩm làm ra. Tuy nhiên, một yếu tố không kém phần quan trọng là văn hóa nghề trong sản xuất. Văn hóa nghề được thể hiện ở các nội dung như: Nhận thức về nghề, thái độ đối với nghề, hành vi ứng xử của những người làm nghề với nhau trong quá trình lao động…".

img
Dạy nghề cần gắn liền với dạy văn hóa nghề.

Đất nước đang trong quá trình hội nhập phát triển, những yêu cầu về tay nghề, về ý thức của người lao động được các doanh nghiệp hết sức coi trọng. Nếu đào tạo nghề không gắn với việc nâng cao trình độ văn hóa, cách ứng xử trong lao động sản xuất thì người lao động sẽ gặp nhiều thiệt thòi trong việc tìm kiếm việc làm.

Công ty Nội thất cơ khí Đa Phúc (Cầu Giấy, Hà Nội) là một ví dụ. Công ty đang trong quá trình phát triển nên nhu cầu tuyển dụng lao động là rất lớn, mỗi tháng công ty này tuyển dụng trung bình 50 - 60 lao động mới. Vào thời gian cao điểm như dịp cuối năm, con số này lên đến hơn 100 người.

Tuy nhiên, sau khoảng 1-2 tháng số công nhân xin nghỉ và bị buộc thôi việc chiếm đến gần 50%. Ông Nguyễn Tam Cường - Giám đốc Công ty cho biết: "Chúng tôi là một doanh nghiệp kinh doanh, kinh tế và chất lượng lao động là vấn đề sống còn của công ty. Nhưng nhiều lao động làm việc kiểu qua quýt, thích thì làm, không thích thì nghỉ đã ảnh hưởng đến cả một dây chuyền sản xuất nên chúng tôi không thể tiếp tục sử dụng lao động đó được".

Cần đưa văn hóa nghề vào giảng dạy

Xuất phát từ đất nước nông nghiệp với trên 70% dân số sống ở nông thôn, nền văn hóa nông nghiệp đã hình thành và ăn sâu trong ý thức của người dân từ rất lâu, trong khi nước ta đang trong quá trình hiện đại hóa nên việc học tập và tiếp thu nền văn hóa công nghiệp đang là nhiệm vụ rất cần thiết. Tuy nhiên, cho đến thời điểm này văn hóa nghề nghiệp - với nhiều lao động nông thôn - vẫn là khái niệm mơ hồ.

img Hiện nay, các trường nghề khi tiến hành đào tạo vẫn nặng về đào tạo tay nghề cho lao động chứ chưa chú trọng nhiều đến việc đào tạo văn hóa nghề cho lao động. img

Tiến sĩ Lê Văn Hiền - Hiệu trưởng Trường Cao đẳng nghề Lilama 2 cho biết: Không phải các trường nghề không chú trọng vào việc đào tạo văn hóa nghề mà chương trình khung của Bộ LĐ-TB&XH chưa dành nhiều thời lượng dạy cho học viên tác phong, ý thức nghề nghiệp, tình yêu với nghề… nên dù rất muốn làm, các trường cũng gặp rất nhiều khó khăn trong việc phân phối chương trình đào tạo.

Đồng quan điểm với ông Hiền, Tiến sĩ Nguyễn Văn Ngàng - Phó Chủ tịch Tổng Liên đoàn Lao động Việt Nam cho biết: "Văn hóa nghề là những giá trị văn hóa được tiếp nhận trong nhà trường, qua thời gian đào tạo, giáo dục, học tập, rèn luyện cộng với quá trình công tác và môi trường xã hội của người lao động sau khi ra trường.

Tuy nhiên, hiện nay công tác này chưa được chú ý trong quá trình đào tạo nghề. Đề nghị cần sớm xác định rõ nội hàm của văn hóa để các cơ sở dạy nghề hiểu và tiến hành đào tạo cho lao động, cần giúp người học thấy được lợi ích của việc có văn hóa nghề; khi tiến hành khung chuẩn về văn hóa nghề nên mời các doanh nghiệp - những người sử dụng lao động - để việc đào tạo có chất lượng hơn".

Mời các bạn đồng hành cùng báo Dân Việt trên mạng xã hội Facebook để nhanh chóng cập nhật những tin tức mới và chính xác nhất.
Tin cùng chuyên mục
Xem theo ngày Xem