Miền núi Ba Vì xuất hiện nhiều nông dân giỏi, tỷ phú

Thiên Hương Thứ tư, ngày 09/09/2020 13:33 PM (GMT+7)
Mới đây, đồng chí Thào Xuân Sùng - Ủy viên T.Ư Đảng, Bí thư Đảng đoàn, Chủ tịch Hội NDVN đã tới tham quan mô hình sản xuất kinh doanh giỏi của hộ bà Phùng Thị Thơ (ở xã Vật Lại, huyện Ba Vì, Hà Nội).
Bình luận 0

Hưởng ứng phong trào "Nông dân thi đua sản xuất, kinh doanh giỏi, đoàn kết giúp nhau làm giàu và giảm nghèo bền vững" do T.Ư Hội Nông dân Việt Nam (NDVN) phát động, hội viên Hội ND huyện Ba Vì (Hà Nội) đã tích cực thi đua, lao động sản xuất, từ đó hình thành những mô hình kinh tế cho hiệu quả cao, xuất hiện những nông dân tỷ phú.

Trồng trọt, chăn nuôi theo tiêu chí "4 cao"

Mới đây, đồng chí Thào Xuân Sùng - Ủy viên T.Ư Đảng, Bí thư Đảng đoàn, Chủ tịch Hội NDVN đã tới tham quan mô hình sản xuất kinh doanh giỏi của hộ bà Phùng Thị Thơ (ở xã Vật Lại). Bà Thơ cũng chính là 1 trong 63 nông dân Việt Nam xuất sắc được T.Ư Hội NDVN vinh danh năm 2019.

Tham quan trang trại của bà Thơ, người đứng đầu T.Ư Hội NDVN tỏ ra rất bất ngờ trước khuôn viên trang trại được vợ chồng bà quy hoạch đâu ra đó. Với diện tích khoảng 14ha, bà Thơ chia thành 1ha mặt nước nuôi trồng thủy sản, còn lại là diện tích trồng 1.000 cây bưởi Diễn, 25 vạn cây dứa, 1.000m2 chuồng trại nuôi 15 lợn nái, vài trăm con lợn thịt; 10.000 con gà thả đồi; các loại con đặc sản khác như nhím, lợn rừng… 

Hoạt động sản xuất tại trang trại ngày càng được đầu tư hiện đại, khép kín nên hạn chế dịch bệnh, doanh thu trung bình mỗi năm lên tới 20 tỷ đồng.

Làm nông nghiệp theo tiêu chí “4 cao” ở Ba Vì - Ảnh 1.

Chủ tịch Ban Chấp hành T.Ư Hội Nông dân Việt Nam Thào Xuân Sùng khen ngợi cách làm nông nghiệp sáng tạo của bà Phùng Thị Thơ (đứng giữa) ở xã Vật Lại. Ảnh: Trần Quang

Nhằm giảm thiểu ô nhiễm môi trường trong chăn nuôi và giết mổ, huyện Ba Vì có kế hoạch đầu tư cơ sở giết mổ gia súc, gia cầm ở thôn Tri Lai, xã Đồng Thái trên diện tích 4ha, tổng vốn khoảng 350 tỷ đồng.

Bà Thơ cho biết: "Để quay vòng đồng vốn mà không phải đi vay, tôi chọn cách lấy ngắn nuôi dài. Cây 1 tháng tuổi cho thu hoạch sẽ nuôi cây 3 tháng tuổi, cây 3 tháng lại nuôi cây 6 tháng, cây 6 tháng lại nuôi cây 1 năm. 

Để tạo lòng tin và thu thút nhiều khách hàng mua sản phẩm của mình, ngay từ khi bắt tay làm trang trại, chúng tôi đã xác định phải làm ra sản phẩm sạch, an toàn để tạo thương hiệu cho riêng mình. Nhất là việc sử dụng các nguyên liệu thảo dược làm thuốc phun phòng, trị sâu, bệnh đến việc bao trái cây đều được trang trại thực hiện nghiêm ngặt".

Dù trang trại rộng lớn nhưng hầu như các diện tích đất đều được vợ chồng bà Thơ tận dụng triệt để, trên là tán cây ăn trái, dưới thả gà đồi, không ai còn nhận ra một vùng đất đai cằn cỗi ngày nào. Để thuận tiện cho quá trình sản xuất, gia đình bà Thơ đã đầu tư hệ thống phun, tưới nước tự động, xử lý chất thải vật nuôi bằng chế phẩm vi sinh để không gây ảnh hưởng đến môi trường.

Hội ND huyện Ba Vì cho biết, những năm qua, Hội đã tích cực vận động, tuyên truyền hội viên chuyển dịch cơ cấu cây trồng, vật nuôi, xây dựng các mô hình kinh tế VAC phù hợp với đặc thù từng vùng, theo phương châm "4 cao" (Năng suất cao, chất lượng cao, hiệu quả kinh tế cao, sức cạnh tranh cao).

Làm nông nghiệp theo tiêu chí “4 cao” ở Ba Vì - Ảnh 3.

Hoạt động sản xuất tại trang trại của bà Phùng Thị Thơ ngày càng được đầu tư hiện đại, khép kín nên hạn chế dịch bệnh, doanh thu trung bình mỗi năm lên tới 20 tỷ đồng.

Để phong trào đi vào chiều sâu, trong 5 năm (2015 - 2020), Hội ND huyện Ba Vì đã phối hợp tổ chức trên 1.000 lớp tập huấn kỹ thuật cho 102.970 lượt cán bộ, hội viên. Đồng thời tạo điều kiện cho cán bộ, hội viên nông dân đi tham quan các mô hình kinh tế tiêu biểu trên địa bàn huyện và các vùng lân cận.

Với những việc làm thiết thực, phong trào đã thu hút hàng nghìn hộ nông dân tham gia, giúp các hội viên đổi mới tư duy sản xuất, vươn lên thoát nghèo và làm giàu. Trong đó, có hơn 10 trang trại tổng hợp cho thu nhập tiền tỷ mỗi năm. Ngoài gia đình bà Thơ, có thể kể tới mô hình nuôi đà điểu của hộ ông Nguyễn Văn Trung (xã Tản Lĩnh) cho doanh thu trên 5 tỷ đồng/năm…

Thúc đẩy sản xuất hàng hóa

Được biết, mới đây UBND huyện Ba Vì đã ban hành kế hoạch phát triển ngành nông, lâm, nghiệp, thủy sản trên địa bàn toàn huyện đến năm 2025. Theo đó, phấn đấu 5 năm tới, tốc độ ngành nông nghiệp huyện tăng bình quân là 6,6%. Cơ cấu kinh tế nông nghiệp, chiếm 30% đến năm 2025. Trồng trọt chiếm tỷ lệ 42%, chăn nuôi chiếm tỷ lệ 58%.

Để đạt mục tiêu đề ra, UBND huyện đã có định hướng phát triển ngành nông, lâm nghiệp, thủy sản theo hướng sản xuất hàng hóa, an toàn sinh học, phát triển bền vững. Trên cơ sở hình thành vùng sản xuất tập trung, ứng dụng công nghệ, tiến bộ mới, hiện đại để có sản phẩm nông sản có năng suất, chất lượng cao, thân thiện với môi trường. Phát triển nông nghiệp gắn xây dựng nông thôn mới, trên cơ sở các xã đã hoàn thành kế hoạch dồn điền đổi thửa.

Phấn đấu đến năm 2025, huyện áp dụng cơ giới hóa 75% các khâu trong sản xuất nông nghiệp. Trong trồng trọt, huyện đã và đang hình thành các vùng trồng lúa cao sản, chất lượng cao tại các xã Sơn Đà, Tòng Bạt, Cổ Đô...; vùng sản xuất ngô ở Thuần Mỹ, Tòng Bạt, Minh Châu; vùng sản xuất rau an toàn ở Tây Đằng, Chu Minh, Minh Châu; vùng sản xuất chè ở các xã miền núi… 

Trong chăn nuôi, huyện tập trung phát triển chăn nuôi gia súc, gia cầm theo hướng xa khu dân cư với các đối tượng chủ lực là bò sữa, bò thịt, đà điểu, khu nuôi trồng thủy sản ở các xã ven sông Hồng… 



Mời các bạn đồng hành cùng báo Dân Việt trên mạng xã hội Facebook để nhanh chóng cập nhật những tin tức mới và chính xác nhất.
Tin cùng chuyên mục
Xem theo ngày Xem