Miền Tây sẽ có 1 triệu hecta lúa chất lượng cao

Huỳnh Xây Thứ hai, ngày 11/07/2022 17:12 PM (GMT+7)
Thủ tướng Chính phủ vừa yêu cầu Bộ NNPTNT chủ trì, phối hợp với các địa phương xây dựng đề án sản xuất bền vững 1 triệu ha lúa chất lượng cao vùng ĐBSCL.
Bình luận 0

Thủ tướng Chính phủ vừa yêu cầu các bộ, ngành Trung ương cùng các đơn vị có liên quan nghiên cứu, đề xuất cơ chế, chính sách để thực hiện mục tiêu, định hướng phát triển nông nghiệp, nông thôn vùng ĐBSCL thích ứng với biến đổi khí hậu trong thời gian tới.

Miền Tây sẽ có 1 triệu ha lúa chất lượng cao - Ảnh 1.

Thủ tướng Chính phủ yêu cầu Bộ NNPTNT chủ trì, phối hợp với các địa phương xây dựng đề án sản xuất bền vững 1 triệu ha lúa chất lượng cao vùng ĐBSCL. Ảnh: Huỳnh Xây.

Trong đó, Thủ tướng Chính phủ yêu cầu Bộ NNPTNT chủ trì, phối hợp với các địa phương xây dựng đề án sản xuất bền vững 1 triệu ha lúa chất lượng cao vùng ĐBSCL. Việc này nhằm nâng cao giá trị, thu nhập của người dân, bảo đảm an ninh lương thực và phục vụ chế biến xuất khẩu.

Liên quan đến đề án này, ông Lê Thanh Tùng - Phó Cục trưởng Cục Trồng trọt (Bộ NNPTNT) cho hay, việc xây dựng 1 triệu ha lúa chất lượng cao là hết sức cần thiết.

Bởi ĐBSCL có 95% lượng gạo xuất khẩu nhưng về cơ cấu giống, chất lượng gạo, sản xuất an toàn thực phẩm vẫn chưa ổn định. Để phù hợp với xu hướng tiêu dùng mới cũng như cạnh tranh về mặt giá cả so với các đối thủ cạnh tranh, rất cần một chiến lược rõ hơn đó là 1 triệu hecta lúa chất lượng cao.

Theo ông Tùng, với 1 triệu hecta lúa chất lượng cao trồng 2 vụ/năm và với năng suất khoảng 6,5 tấn/ha thì ĐBSCL sẽ có 13 triệu tấn lúa, tức sẽ được từ 6,5-7 triệu tấn gạo hàng hoá/năm. Lượng gạo hàng hóa chất lượng cao này được kiểm soát cả về sản lượng lẫn vệ sinh an toàn thực phẩm theo tiêu chuẩn của các quốc gia nhập khẩu.

"Bởi trong 1 triệu ha lúa này chỉ sử dụng lúa giống chất lượng cao, kỹ thuật sẽ áp dụng công thức "1 phải 5 giảm" hoặc "3 giảm 3 tăng", kèm theo đó là các kỹ thuật canh tác làm giảm phát thải khí nhà kính, kỹ thuật canh tác đạt tiêu chuẩn VietGAP, GlobalGAP và đặc biệt là giảm giá thành sản xuất" - ông Tùng nói.

Ông Tùng nhấn mạnh, 1 triệu ha lúa chất lượng cao nói trên sẽ giúp doanh nghiệp xuất khẩu gạo Việt Nam có lợi thế trên thị trường quốc tế khi tham gia đấu thầu cũng như giới thiệu sản phẩm (biết được vùng trồng, tiêu chuẩn, sản lượng…).

Theo lãnh đạo Cục Trồng trọt, 1 triệu ha lúa chất lượng cao sắp tới đây cũng phải dựa trên nền tảng về phần cứng, kỹ thuật canh tác bắt buộc, những tiêu chí về vệ sinh an toàn thực phẩm cũng như về khung pháp lý chung trong chuỗi bắt buộc giữa các bên của mô hình cánh đồng lớn. Tuy nhiên, sẽ từng bước khắc phục những khiếm khuyết mà cánh đồng mẫu lớn trước đó chưa triển khai được.

Cụ thể, phát triển 1 triệu ha lúa chất lượng cao không phải là phong trào mà đây là chiến lược kinh tế của địa phương.

Khi xác định như vậy, địa phương sẽ định vị vùng nguyên liệu cụ thể hơn và cũng không nóng vội chạy theo hình thức. Ngoài ra, tư duy hợp tác giữa doanh nghiệp và nông dân phải thay đổi theo hướng bình đẳng.

Ông Tùng cũng cho rằng, đề án sản xuất bền vững 1 triệu ha lúa chất lượng cao vùng ĐBSCL sẽ cần những chính sách để hỗ trợ. 

Do đó, Cục Trồng trọt sẽ lắng nghe ý kiến của các địa phương, doanh nghiệp và người dân đặt ra để ngành nông nghiệp có những đề xuất phù hợp và chắc chắn phải có một cơ chế, một chính sách mới rõ rệt hơn, đủ sức bật cho ngành hàng lúa gạo trong thời gian tới.

Mời các bạn đồng hành cùng báo Dân Việt trên mạng xã hội Facebook để nhanh chóng cập nhật những tin tức mới và chính xác nhất.
Tin cùng chuyên mục
Xem theo ngày Xem