Mở cửa du lịch: Hướng dẫn viên du lịch trải lòng, mong không còn phải ăn mì tôm cả tháng

Thanh Hà Thứ tư, ngày 16/03/2022 14:01 PM (GMT+7)
"Đây là tin vui cho những người làm du lịch. Khi khách hàng quay trở lại, sẽ tạo thêm niềm hy vọng cho chúng tôi. Tôi mong rằng dịch bệnh sẽ sớm được kiểm soát hơn nữa để du lịch được quay trở lại như thời chưa có dịch", chị Lê Thị Lan trải lòng với Dân Việt
Bình luận 0

Mở cửa du lịch: Sự kỳ vọng cho những người làm du lịch

Mở cửa du lịch: Hướng dẫn viên du lịch trải lòng, mong không còn phải ăn mì tôm cả tháng - Ảnh 1.

Chị Lê Thị Lan, một trong những hướng dẫn viên kỳ cựu và có chuyên môn giỏi của ngành du lịch. Ảnh: NVCC

Trước thông tin du lịch Việt Nam chính thức mở cửa trở lại từ ngày 15/3, rất nhiều hướng dẫn viên du lịch cảm thấy đây là tin vui cho ngành du lịch, nhất là phương án du lịch với những rào cản như miễn thị thực như trước thời chưa dịch cho công dân 13 nước, quy định cách ly y tế đối với người nhập đã có sự thông thoáng, 16 nước đã công nhận hộ chiếu vaccine Việt Nam...là những thuận lợi để mở cửa du lịch. 

Thế nhưng, bên cạnh những thuận lợi đó, thì vẫn còn rất nhiều khó khăn, vướng mắc mà những người làm du lịch đang gặp phải. Trong đó, vấn đề nguồn nhân lực lao động du lịch, hướng dẫn viên du lịch có chuyên môn, hiểu nghề và yêu nghề thì lại không còn nhiều, thậm chí thiếu hụt trầm trọng sau thời gian dài "đóng băng" vì dịch.

Vì vậy, thời điểm này, không phải hướng dẫn viên nào cũng sẵn sàng quay lại với nghề. Có nhiều hướng dẫn viên sau thời gian dài chuyển sang công việc khác đã ổn định hơn, họ không còn thiết tha với nghề hướng dẫn viên du lịch nữa.

Chia sẻ với Dân Việt, chị Lê Thị Lan, một hướng dẫn viên du lịch lâu năm cho biết, suốt hai năm qua,  du lịch bị "đóng băng" vì dịch, chị vẫn luôn dõi theo thông tin về du lịch và mới đây khi Bộ VHTTDL công bố từ ngày 15/3 chính thức mở cửa trở lại hoạt động du lịch, chuẩn bị sẵn sàng cho việc đón du khách quốc tế, chị đã rất vui mừng, đó thực sự là tín hiệu khởi sắc cho ngành du lịch.

"Đây không chỉ là tin vui của bản thân tôi mà còn là tin vui, sự kỳ vọng cho những người làm du lịch. Khi khách hàng quay trở lại sẽ tạo thêm niềm hy vọng cho chúng tôi. Tôi mong rằng dịch bệnh sẽ sớm được kiểm soát hơn nữa, để du lịch được quay trở lại như thời chưa có dịch. Thực tế theo con số thống kê của Tổng cục Du lịch trong trong 2 tháng đầu năm 2022, Việt Nam đón khoảng 49.200 khách nước ngoài nhập cảnh. Đồng thời, 2 tháng đầu năm, ngành du lịch có sự tăng trưởng về khách du lịch nội địa. Khách nội địa đạt 17,6 triệu lượt khách. Tổng thu đạt 25.000 tỷ đồng trong dịp Tết Nguyên đán Nhâm Dần.

Đây là tín hiệu cho thấy du lịch là ngành có khả năng phục hồi. Trong thời gian tới, khát vọng quay trở lại cùng tình yêu với nghề chính là động lực giúp các hướng dẫn viên du lịch trở lại hoạt động và phục vụ cho ngành. Chúng tôi, những hướng dẫn viên du lịch yêu nghề đều hy vọng và động viên lẫn nhau về một tương lai tươi sáng và sẽ không còn cảnh phải cắt giảm chi tiêu, thậm chí phải ăn mì tôm cả tháng", chị Lê Thị Lan nói.

Mở cửa du lịch: Hướng dẫn viên du lịch trải lòng, mong không còn phải ăn mì tôm cả tháng - Ảnh 2.

Chị Lê Thị Lan chụp ảnh lưu niệm với người dân ở Sa Pa. Ảnh: NVCC

Theo chị Lê Thị Lan, sau hai năm đại dịch Covid-19 diễn ra, những người làm du lịch đã rất vất vả, khốn khổ khi ngành bị "tê liệt". Đặc biệt những người làm hướng dẫn viên du lịch như chị hay đồng nghiệp thì cuộc sống lại càng khó nhọc hơn nữa.

"Hai năm qua phần lớn lực lượng hướng dẫn viên du lịch đã không có việc làm, rất nhiều đồng nghiệp của tôi đã sống rất chật vật. Nhiều gia đình đã phải gửi con về quê để tiết kiệm chi phí. Nhiều hướng dẫn viên phải xa con trong một quãng thời gian dài. Các hoạt động chi tiêu, ăn uống đều bị cắt giảm. Một số hướng dẫn viên phải cắt giảm số lượng bữa ăn, thậm chí là ăn mì tôm để duy trì cuộc sống. Nhưng cũng có nhiều người thì may mắn thì đã kịp chuyển đổi nghề, chuyển sang bán hàng online hoặc đi làm công nhân, vào nhà máy để thu nhập ổn định, dù lương thấp và vất vả hơn", chị Lê Thị Lan chia sẻ.

Còn bản thân chị, nhớ lại những quãng ngày đó, chị kể, đó là những chuỗi ngày vô cùng bấp bênh đối với chị. Chị đã phải xoay sở nhiều công việc khác để duy trì cuộc sống.

"Là một hướng dẫn viên tự do, tôi thường nhận dẫn các tour du lịch của các công ty có nhu cầu, vì vậy mà tôi có thể chủ động về công việc và thời gian, nên thời gian còn làm hướng dẫn viên du lịch, tôi đã kết hợp giữa bán hàng online và đi tour để có thêm thu nhập, đảm bảo cuộc sống"

Hỏi chị Lê Thị Lan, liệu giờ đã mở cửa trở lại du lịch, chị có bỏ bán hàng online để toàn tâm quay về với nghề hướng dẫn viên du lịch? Chị Lan cho hay, mặc dù tin vui cho ngành là vậy, du lịch cũng đã từng bước phục hồi, tuy nhiên thời gian này vẫn đang là thời gian trễ, chưa thật sự có nhiều tour, số lượng khách chưa đông vì vậy nghề hướng dẫn vẫn chưa thể có thu nhập ổn định nên chị chưa muốn quay lại hẳn với nghề.

Lý giải thêm chị bảo: "Thời gian chịu ảnh hưởng của dịch bệnh, một hướng dẫn viên tự do như tôi sẽ không có được bất kỳ nguồn thu nào. Các hướng dẫn viên của các công ty du lịch cũng gặp phải tình cảnh tương tự do bị cắt giảm nhân sự. Trong thời gian đầu, chúng tôi phải sống bằng nguồn tiền tiết kiệm của bản thân. Thế nhưng đến đợt bùng dịch thứ hai thì nguồn tiền tiết kiệm cũng đã cạn. Tôi và nhiều người đã phải xoay sở sang công việc khác. 

Bản thân tôi, chuyển sang bán hàng online để duy trì cuộc sống. Thế nhưng nhiều đồng nghiệp đã rất khó khăn tìm công việc mới, bởi thời điểm đó dịch đang căng thẳng, mọi hoạt động sinh hoạt gần như bị đóng cửa, người lao động ở các ngành nghề, lĩnh vực khác cũng bị nghỉ việc, chưa kể với các hướng dẫn viên du lịch thì hầu hết họ đều đã ở một độ tuổi nhất định nên việc xin làm công nhân hay các công việc khác là điều vô cùng khó. 

Đặc biệt là với nữ giới thì điều này càng khó khăn hơn. Nếu như các hướng dẫn viên nam có thể chuyển sang các công việc khác nhau như chạy grab, làm xây dựng hay các công việc liên quan đến bất động sản... thì nữ giới rất khó để làm những công việc như vậy".

Mở cửa du lịch: Hướng dẫn viên du lịch trải lòng, mong không còn phải ăn mì tôm cả tháng - Ảnh 3.

Là người đam mê và yêu nghề, chị Lê Thị Lan không muốn mình bỏ cuộc.

Đam mê với nghề nên không dễ dàng bỏ cuộc

Hồi tưởng thời gian vất vả, chị Lê Thị Lan bảo, có những lúc chị cũng cảm thấy nản lòng, muốn dứt hẳn nghề hướng dẫn du lịch, nhưng rồi vì đam mê với nghề chị không bỏ cuộc.

"Đã có những thời điểm tôi suy nghĩ mình cần phải chuyển đổi hẳn sang một công viêc mới, ổn định hơn để duy trì cuộc sống. Không thể cứ bám víu mãi vào nghề hướng dẫn viên được. Thế nhưng sau nhiều đêm mất ngủ vì suy nghĩ tôi cảm thấy mình vẫn còn yêu nghề, vẫn không muốn dứt hẳn nghề hướng dẫn du lịch. 

Tôi là người ưa hoạt động, thích được đi đến nhiều địa phương, tỉnh thành phố khác nhau, được tìm hiểu văn hóa, lịch sử, kiến trúc, ẩm thực tại các vùng miền. Tôi cũng muốn được chia sẻ kiến thức tới du khách, đặc biệt là du khách quốc tế về vẻ đẹp của Việt Nam, người Việt Nam thân thiện, tôi hiểu mình cần duy trì đam mê đó"

Theo chị Lan, năm 2020, hướng dẫn viên chỉ có thể hoạt động trong vòng năm tháng và có tới 7 tháng thất nghiệp. Điều này ảnh hưởng rất nhiều tới chi tiêu sinh hoạt gia đình. Đến năm 2021, hoạt động du lịch còn khó khăn hơn khi chỉ có 2 tháng hoạt động. Việc đóng băng của toàn ngành trong thời gian dài khiến cho nhiều người không còn có ý định quay trở lại với nghề. Đa số các hướng dẫn viên đều đã chuyển đổi công việc để duy trì cuộc sống nhưng với chị thì vẫn quyết tâm không bỏ cuộc, không quay lưng với nghề hướng dẫn du lịch.

Chia sẻ thêm, chị Lan nói, cũng có một vài hướng dẫn viên du lịch sau thời gian dài nghỉ nghề hướng dẫn viên, phải xoay sở sang công việc khác mới thấy giá trị của nghề mình làm và trân trọng nó, bản thân chị, và một số đồng nghiệp đã rất buồn khi phải cất đi tấm thẻ hướng dẫn viên.

"Thời gian đi bán hàng cho khách, tôi nhận ra mỗi nghề đều có những khó khăn riêng. Tuy nhiên tôi đã nghĩ rằng đây là nghề đã nuôi sống và cũng là đam mê của mình. Do đó, bản thân mình phải trân trọng và cố gắng với nghề. Tôi cũng rất buồn do phải tạm nghỉ công việc yêu thích trong thời gian dài. Đó là những điều khiến tôi luôn đắn đo, trăn trở. 

Trải qua những khó khăn đó, tôi càng cảm thấy yêu thêm công việc của mình. Với tôi việc cầm trên tay tấm thẻ hướng dẫn viên là điều vô cùng đáng quý. Vì vậy trong mỗi lần đi dẫn tôi đều đeo thẻ để thể hiện sự trân trọng của mình. 

Tôi nghĩ rằng, trong quá trình du lịch phục hồi trở lại, tất cả các hướng dẫn viên đều sẽ trân trọng hơn công việc của mình và tôi mừng vì thời gian qua có sự chỉ đạo của Đảng, Nhà nước, Chính Phủ, sự quyết tâm của Bộ VHTTDL, Tổng cục Du lịch, sự đồng hành của các doanh nghiệp du lịch, cục hàng không, những người làm du lịch thì trong thời gian tới đây ngành du lịch sẽ sớm phục hồi và phát triển", chị Lê Thị Lan cho hay.


Mời các bạn đồng hành cùng báo Dân Việt trên mạng xã hội Facebook để nhanh chóng cập nhật những tin tức mới và chính xác nhất.
Tin cùng chuyên mục
Xem theo ngày Xem