Điều chỉnh chỉ tiêu tăng trưởng tín dụng, chuyên gia "chỉ đích danh" một ngân hàng hưởng lợi

Huyền Anh Thứ tư, ngày 19/07/2023 09:05 AM (GMT+7)
Ngân hàng Nhà nước đã bất ngờ điều chỉnh chỉ tiêu tăng trưởng tín dụng năm 2023 cho các tổ chức tín dụng với mức giao toàn hệ thống khoảng 14%. Chuyên gia chứng khoán Đỗ Bảo Ngọc cho rằng, một số ngân hàng đã "xài" hết room tín dụng được cấp đầu năm như VPB là những ngân hàng hưởng lợi từ chính sách này.
Bình luận 0

Ngày 10/7, Ngân hàng Nhà nước (NHNN) đã thực hiện điều chỉnh chỉ tiêu tăng trưởng tín dụng cho các ngân hàng, với mức giao toàn hệ thống là 14% tăng từ mức 11% trước đó. Với mức tăng trưởng tín dụng được giao lên tới 14%, tương đương sẽ có khoảng gần 1,67 triệu tỷ đồng vốn từ hệ thống các tổ chức tín dụng rót vào nền kinh tế trong năm 2023. Nếu chỉ tính riêng mức tăng 3% vừa được phân bổ trong đợt này, số tiền dự kiến đẩy thêm ra thị trường tương đương khoảng 358.000 tỷ đồng.

Điều chỉnh chỉ tiêu tăng tín dụng, VPBank được "chỉ đích danh" ngân hàng hưởng lợi

Đánh giá về việc điều chỉnh chỉ tiêu tăng trưởng tín dụng của nhà quản lý tiền tệ mới đây, ông Đỗ Bảo Ngọc - Phó Tổng giám đốc, công ty CP Chứng khoán Kiến Thiết Việt Nam đánh giá, động thái này thể hiện quan điểm của NHNN rất rõ ràng đó là mong muốn các ngân hàng thương mại cùng với việc giảm lãi suất phải đẩy được vốn ra nền kinh tế.

Điều đáng nói, theo số liệu mới nhất từ NHNN, 6 tháng đầu năm tăng trưởng tín dụng toàn nền kinh tế mới chỉ mới đạt 4,7%. Như vậy, số vốn còn lại các tổ chức tín dụng dự kiến bơm cho nền kinh tế trong nửa cuối năm lên tới trên 1,1 tỷ đồng.

Điều chỉnh chỉ tiêu tăng trưởng tín dụng, chuyên gia "chỉ đích danh" một ngân hàng hưởng lợi - Ảnh 1.

Điều chỉnh chỉ tiêu tăng tín dụng, VPBank được "chỉ đích danh" ngân hàng hưởng lợi.

Tại sao phải điều chỉnh chỉ tiêu tăng trưởng tín dụng cho các ngân hàng khi tăng trưởng tín dụng toàn hệ thống 6 tháng đầu năm mới chỉ đạt 4,7%?

Ông Ngọc nói, nếu nhìn bình diện toàn hệ thống, room tín dụng NHNN đã phân bổ tới các ngân hàng (11%) chưa dùng hết. Tuy nhiên, nhìn ở góc độ từng ngân hàng, trên thực tế có không ít ngân hàng đã sử dụng hết room tín dụng được cấp hồi đầu năm.

"Đối với các ngân hàng đã cạn room tín dụng được cấp hồi đầu năm, việc đảo nợ cho khách hàng cũng gặp khó; đồng thời, giảm lãi suất mà không có room thì ngân hàng cũng không cho vay ra nền kinh tế được. Vì vậy, với các ngân hàng hết room thì động thái này có ý nghĩa rất lớn, là cơ hội để họ tăng trưởng tín dụng thêm. Ngoài ra, các vấn đề liên quan đến nợ, hoãn nợ,… các ngân hàng cũng có cơ hội thực hiện các hoạt động này bình thường", ông Đỗ Bảo Ngọc nhấn mạnh.

Trong khi đó, với các ngân hàng chưa dùng hết room tín dụng cũng có ý nghĩa ở góc độ có room lớn hơn để phát triển cho vay, có thể cho vay rộng tay hơn, không cần phải căn cơ quá mức từ nay tới cuối năm, theo vị chuyên gia này.

Các ngân hàng đã hết room tín dụng sẽ được hưởng lợi từ việc điều chỉnh chỉ tiêu tăng trưởng tín dụng vừa qua của NHNN. Ông Ngọc chỉ đích danh một ngân hàng trong số này đó là VPBank.

Được biết, VPBank đặt mục tiêu tăng trưởng tín dụng trên 30% trong năm 2023 - mục tiêu khá tham vọng đặt trong bối cảnh tăng trưởng kinh tế đang chậm lại. Tuy nhiên, nền vốn mạnh của VPBank, quy mô khách hàng rộng mở, cùng với sự tham gia của ngân hàng trong hoạt động tái cơ cấu các ngân hàng yếu kém của ngành, sẽ cho phép ngân hàng nhận một hạn mức tăng trưởng tín dụng cao hơn từ Ngân hàng Nhà nước so với mặt bằng trung toàn ngành.

Trong dự báo mới đây, các chuyên gia phân tích tại Công ty Chứng khoán SSI dự báo HDBank tăng trưởng tín dụng trên 10% so với đầu năm (trong khi room tín dụng được cấp lần đầu là 11%); MSB và MB đã sử dụng hết hạn mức được cấp lần đầu; TPBank dự ước đạt tăng trưởng tín dụng tối đa 7%, trong hạn mức 9,1% được cấp. Tương tự, OCB tăng trưởng tín dụng đến cuối tháng 6/2023 đạt 7,7%. Như vậy, các ngân hàng này cũng là những "ứng cử viên" sáng giá trong danh sách các nhà băng hưởng lợi sau động thái điều chỉnh chỉ tiêu tăng trưởng tín dụng của NHNN vừa qua.

Dòng tiền chảy khỏi kênh tiết kiệm ngân hàng, chu kỳ tăng của thị trường chứng khoán?

Cũng theo vị chuyên gia này, một trong các kênh tài sản có "phản ứng" tích cực trước động thái điều chỉnh chỉ tiêu tăng trưởng tín dụng cho các tổ chức tín dụng với mức giao toàn hệ thống tăng từ 11% lên 14% đó là thị trường chứng khoán.

"Ngay sau khi thông tin này được công bố, thị trường chứng khoán đã liên tục tăng điểm. Cùng với thông tin về mở rộng room tín dụng, các chuỗi thông tin liên quan khác như giảm lãi suất, giảm VAT, giảm các loại thuế phí khác, quyết liệt đẩy mạnh giải ngân đầu tư công,... đều là thông tin tích cực trong thời gian gần đây. Nhờ đó, thanh khoản của thị trường chứng khoán tốt hơn và chỉ số có hướng tăng rất rõ nét trong thời gian gần đây", ông Ngọc cho hay.

Điều chỉnh chỉ tiêu tăng trưởng tín dụng, chuyên gia "chỉ đích danh" một ngân hàng hưởng lợi - Ảnh 3.

Thị trường chứng khoán vào chu kỳ tăng từ nay tới cuối năm.

Cũng theo vị này, chỉ còn kênh thị trường chứng khoán có thanh khoản cao, có thể ra vào dễ dàng. Các kênh tài sản khác thanh khoản thấp, thậm chí "đóng băng"; cùng với đó hoạt động sản xuất kinh doanh chưa hết khó khăn. Trong bối cảnh này, dòng tiền có xu hướng chuyển dịch sang chứng khoán khi lãi suất tiết kiệm về mức thấp. Thực tế này cũng đã diễn ra trong vòng 2 tháng gần đây. Ông Ngọc dự báo, từ nay tới cuối năm sự chuyển dịch này ngày càng rõ nét và xu hướng của thị trường chứng khoán là xu hướng tăng.

Thống kê cho thấy, chỉ số VN-Index tăng 11,23% so với cuối năm 2022. Tháng 6/2023 là tháng thị trường niêm yết HOSE có khối lượng và giá trị giao dịch bình quân phiên cao nhất trong 6 tháng đầu năm. Theo đó, thanh khoản thị trường cổ phiếu tháng 6 tiếp tục ghi nhận tăng trưởng với khối lượng và giá trị giao dịch bình quân phiên lần lượt đạt hơn 877,51 triệu cổ phiếu và 16.889 tỷ đồng, tương ứng tăng lần lượt 23,39% về khối lượng bình quân và 38,37% về giá trị bình quân so với tháng 5/2023. Đây cũng là tháng thị trường niêm yết HOSE có khối lượng và giá trị giao dịch bình quân phiên cao nhất trong 6 tháng đầu năm.

Được nới room, tín dụng có bật tăng không?

Liên quan đến vấn đề này, ông Ngọc cho rằng, vấn đề nằm ở khả năng hấp thụ vốn của nền kinh tế. Một thực tế không thể phủ nhận, khả năng hấp thụ vốn của nền kinh tế thời điểm này ở mức thấp so với nhiều năm.

"Sức khỏe của doanh nghiệp, khả năng hấp thụ vốn của doanh nghiệp không phụ thuộc vào quan điểm của NHNN mà phụ thuộc vào nhu cầu thị trường, từ nhu cầu tiêu dùng trong nước cho tới xuất khẩu,… tất cả những yếu tố này đều đang được cho là thấp. Tuy nhiên, nếu mở rộng room tín dụng, ngân hàng có thêm cơ hội cho vay và doanh nghiệp có thêm cơ hội tiếp cận thêm nguồn vốn", ông Ngọc nói.

Ngoài các chính sách của NHNN, vị chuyên gia này cho rằng còn nhiều chính sách khác đang được triển khai như giảm thuế VAT giảm thuế trước bạ, giảm các loại phí, đẩy mạnh giải ngân đầu tư công,… Tất cả các chính sách này được đưa vào hỗ trợ nền kinh tế, nên ông kỳ vọng nhu cầu tín dụng sẽ cao lên trong giai đoạn tới.


Mời các bạn đồng hành cùng báo Dân Việt trên mạng xã hội Facebook để nhanh chóng cập nhật những tin tức mới và chính xác nhất.
Tin cùng chuyên mục
Xem theo ngày Xem