Mở rộng thị trường cho OCOP Bình Dương

Nguyễn Vy Thứ ba, ngày 21/02/2023 16:22 PM (GMT+7)
Sau 3 năm triển khai, Bình Dương đã có 47 sản phẩm đạt chứng nhận OCOP (Mỗi xã một sản phẩm). Ngành nông nghiệp tỉnh đang tập trung các giải pháp xúc tiến thương mại để sản phẩm OCOP Bình Dương ngày càng vươn xa.
Bình luận 0

Lợi ích thiết thực từ OCOP

Với diện tích 62ha trồng bưởi da xanh và bưởi đường lá cam, mỗi năm, HTX cây ăn quả Tân Mỹ (huyện Bắc Tân Uyên) thu hoạch và cung ứng cho thị trường hơn 750 tấn trái cây có múi. Sản phẩm bưởi thu hoạch từ trang trại của các thành viên được quy tụ về một điểm để phân loại, rửa sạch bằng dây chuyền máy móc. Sản phẩn được đóng túi lưới và dán nhãn hiệu trước khi đưa ra thị trường. 

Ngoài các siêu thị, cửa hàng trái cây, HTX còn cung cấp bưởi qua các hợp đồng mua bán sản phẩm với nhiều doanh nghiệp, các siêu thị ở trong và ngoài tỉnh.

Ông Lê Minh Sang - Giám đốc HTX cây ăn quả Tân Mỹ cho biết, yếu tố chất lượng đặt lên hàng đầu đã giúp HTX đứng vững trên thị trường với 2 sản phẩm bưởi. Đây cũng là nền tảng giúp HTX tạo bước đi vững chắc cho sản phẩm dưa lưới với sản lượng cung ứng cho thị trường 200 tấn/năm. 

Năm 2022, sản phẩm bưởi da xanh HTX Tân Mỹ đạt chứng nhận OCOP 4 sao, bưởi đường lá cam và dưa lưới của HTX cũng đạt 3 sao. 

"Chứng nhận OCOP giúp các đối tác tín nhiệm sản phẩm của mình hơn. Khi đưa ra thị trường, sản phẩm sẽ được người tiêu dùng đánh giá cao hơn" - ông Sang chia sẻ.

Mở rộng thị trường cho OCOP Bình Dương - Ảnh 1.

Sản phẩm dưa lưới của HTX nông nghiệp công nghệ cao Kim Long đạt chứng nhận OCOP 3 sao. Ảnh: Nguyễn Vy

Theo Sở NNPTNT tỉnh Bình Dương, sau 3 năm, Bình Dương đã có 47 sản phẩm đạt chứng nhận OCOP. Trong đó: 8 sản phẩm đạt 4 sao, 39 sản phẩm đạt 3 sao. Bước đầu, Bình Dương đã hình thành được nhiều sản phẩm đặc trưng gắn với lợi thế của địa phương.

Trên diện tích 18ha, HTX nông nghiệp công nghệ cao Kim Long ở xã An Bình (huyện Phú Giáo) dành một phần diện tích để trồng dưa lê vân lưới. Khâu chăm sóc luôn được các thành viên HTX đảm bảo cân bằng về phân bón, nước tưới để cây phát triển tốt. 

Ông Nguyễn Hồng Quyết – Giám đốc HTX Kim Long cho biết, sau khi đạt chứng nhận OCOP, sản phẩm của HTX được hệ thống siêu thị MM Mega Market ký hợp đồng để làm thương hiệu riêng. Một số sàn thương mại điện tử như Vỏ Sò, Sen Đỏ cũng đã ký hợp đồng và triển khai đưa sản phẩm lên sàn để được phân phối rộng rãi trong cả nước.

Hiện nay, sản phẩm của HTX không chỉ tiêu thụ trong nước mà còn xuất sang thị trường Đông Nam Á, Trung Đông... HTX đang phấn đấu đạt tiêu chuẩn của một số nước châu Âu để mở rộng cánh cửa xuất khẩu.

Phát triển thị trường cho sản phẩm OCOP

Tỉnh Bình Dương đang thực hiện quy hoạch tích hợp. Sở NNPTNT cũng đang phối hợp với các địa phương, các chủ thể OCOP xác định những vùng sản xuất tập trung. Từ đó, Bình Dương có định hướng phát triển, cũng như có chính sách hỗ trợ phù hợp hơn, giúp chủ thể tham gia OCOP phát triển theo hướng lâu dài, bền vững, gắn với lợi thế của địa phương mình. 

Trọng tâm năm 2023, tỉnh Bình Dương hướng dẫn 100% số xã đăng ký sản phẩm, và có ít nhất 40 sản phẩm đăng ký tham gia chương trình. Cùng với đó, tỉnh đẩy mạnh công tác xúc tiến thương mại bằng hình thức trực tiếp giới thiệu, và thông qua sàn thương mại điện tử.

Ông Nguyễn Hồng Quyết cho hay, từ kết quả bước đầu, HTX Kim Long đang phối hợp với các chủ thể OCOP khác trên địa bàn tỉnh xây dựng ý tưởng đưa sản phẩm đi xa hơn, ra thị trường phía Bắc. 

Theo ông Quyết, để nâng cao hiệu quả chương trình OCOP, Bình Dương cần tăng cường các hoạt động quảng bá, xúc tiến thương mại. Bình Dương đã có nhiều sản phẩm OCOP nhưng nếu chỉ đưa sản phẩm này tiêu thụ ở TP.HCM hoặc loanh quanh trong tỉnh thì chẳng mấy ai mua.

"Nhưng nếu Bình Dương mang sản phẩm OCOP đi xa hơn, ra vùng miền núi phía Bắc, Hà Nội, hoặc xuống các điểm du lịch như ở đảo Phú Quốc (Kiên Giang), hiệu quả sẽ cao hơn" - ông Quyết nói.

Ông Phạm Văn Bông – Giám đốc Sở NNPTNT tỉnh cho biết, hiện nay, số lượng các doanh nghiệp, HTX, cơ sở sản xuất và cá nhân hoạt động trong lĩnh vực nông nghiệp tham gia các hoạt động thương mại điện tử để phát triển thị trường tiêu thụ ngày càng gia tăng. Đặc biệt là các sản phẩm OCOP và sản phẩm chủ lực ngành nông nghiệp thông qua công cụ trực tuyến, sử dụng công nghệ thực tế ảo để giới thiệu sản phẩm đang ngày càng phổ biến.

"Sở NNPTNT sẽ phối hợp với các ngành chức năng tập trung nhiều hơn vào các hoạt động xúc tiến thương mại để nâng cao hiệu quả kinh doanh, mở rộng thị trường tiêu thụ cho sản phẩm OCOP của tỉnh" - ông Bông nói. 

Mời các bạn đồng hành cùng báo Dân Việt trên mạng xã hội Facebook để nhanh chóng cập nhật những tin tức mới và chính xác nhất.
Tin cùng chuyên mục
Xem theo ngày Xem