Mỗi tháng hơn 9.000 doanh nghiệp đóng cửa
Phần lớn doanh nghiệp tạm ngừng kinh doanh, giải thể trong bảy tháng đầu năm có quy mô vốn nhỏ và thời gian hoạt động ngắn.
Cục Quản lý đăng ký kinh doanh (Bộ Kế hoạch & Đầu tư) cho biết có gần 63.500 doanh nghiệp đã rút khỏi thị trường trong bảy tháng đầu năm, tăng gần 11% so với cùng kỳ năm ngoái. Bình quân mỗi tháng khoảng 9.060 doanh nghiệp đóng cửa, tập trung nhiều ở nhóm quy mô vốn nhỏ và mới thành lập.
Gần 33.000 doanh nghiệp trong số này đăng ký tạm ngừng kinh doanh có thời hạn, tăng trên 40% so với cùng kỳ. Đây là năm ghi nhận lượng doanh nghiệp tạm ngừng kinh doanh nhiều nhất từ 2015 đến nay, tăng đều ở tất cả lĩnh vực.
Hầu hết doanh nghiệp chọn phương án này có thời gian hoạt động ngắn, một nửa là dưới 5 năm và quy mô vốn dưới 10 tỷ đồng. Doanh nghiệp hoạt động trong lĩnh vực kinh doanh bất động sản, vui chơi giải trí, dịch vụ lưu trú và ăn uống có tỷ lệ ngừng kinh doanh cao nhất.
Số lượng doanh nghiệp tạm ngừng hoạt động chờ làm thủ tục giải thể và hoàn tất giải thể trong giai đoạn này lần lượt khoảng 21.800 và 8.940, đều giảm so với cùng kỳ. Các ngành kinh doanh có số lượng doanh nghiệp chờ giải thể lớn nhất là bán buôn, bán lẻ, công nghiệp chế biến, xây dựng, chủ yếu hoạt động tại khu vực Đông Nam Bộ và Đồng bằng sông Hồng.
"Từ khi bắt đầu quá trình phục hồi nền kinh tế, các biện pháp hỗ trợ cộng đồng doanh nghiệp chưa được thực hiện đáng kể và diễn biến dịch bệnh trên thế giới còn phức tạp khiến tỷ lệ doanh nghiệp đóng cửa không ngừng tăng", Cục Quản lý đăng ký kinh doanh cho hay.
Ở chiều ngược lại, bảy tháng đầu năm cả nước có thêm 75.000 doanh nghiệp thành lập mới. Đây là giai đoạn bảy tháng duy nhất trong vòng 5 năm qua ghi nhận sự sụt giảm về số lượng doanh nghiệp gia nhập thị trường. Tuy nhiên, số lượng quay lại hoạt động cũng tăng vọt gần 18%, đạt trên 28.500 doanh nghiệp.
Hơn 67.000 doanh nghiệp thành lập mới trong giai đoạn này có quy mô vốn dưới 10 tỷ đồng, trong khi số lượng doanh nghiệp quy mô trên 100 tỷ chưa đến 900. Hai ngành có số doanh nghiệp đăng ký trong bảy tháng đầu năm tăng so với cùng kỳ là sản xuất, phân phối điện, nước, gas và nông lâm nghiệp, thuỷ sản.
Theo Cục Quản lý đăng ký kinh doanh, đây là những ngành nghề kinh doanh thiết yếu và "miễn nhiễm" với dịch bệnh nên rủi ro khi đầu tư vốn ít hơn. Xây dựng là ngành đăng ký tăng vốn chiếm tỷ trọng cao nhất với gần 220.000 tỷ đồng, trong khi bất động sản là ngành đăng ký giảm vốn mạnh nhiều nhất với trên 72.000 tỷ đồng.
Tổng số vốn bổ sung vào nền kinh tế xấp xỉ 2,1 triệu tỷ đồng, trong đó 1,1 triệu tỷ đến từ các doanh nghiệp đăng ký tăng vốn, phần còn lại là doanh nghiệp mới thành lập. Vốn đăng ký bình quân của mỗi doanh nghiệp cũng thu hẹp, chưa đến 12,5 tỷ đồng.
Cục Quản lý đăng ký kinh doanh nhận định, so sánh số liệu hiện tại với những tháng đầu năm có thể thấy ảnh hưởng tiêu cực của dịch bệnh đang chững lại trong ngắn hạn. Nếu dịch bệnh trong nước tiếp tục được kiểm soát tốt và tình hình thế giới diễn biến theo chiều hướng tích cực, bức tranh phát triển của doanh nghiệp Việt Nam có thể xuất hiện nhiều điểm sáng trong những tháng cuối năm.