Môi trường nông thôn: Biến rác thải thành phân hữu cơ

Thứ sáu, ngày 11/05/2012 10:23 AM (GMT+7)
(Dân Việt) - Nông dân nhiều địa phương ở Thừa Thiên - Huế đang tạo ra hiệu quả cao về kinh tế và bảo vệ môi trường bằng mô hình xử lý rác thải thành phân bón hữu cơ vi sinh.
Bình luận 0

Giảm 80% chi phí phân bón

Từ ngày biết xử lý rác thải thành phân bón hữu cơ vi sinh, thu nhập của gia đình ông Lê Đình Mừng ở cụm 4, xã Hương Chữ (huyện Hương Trà) ngày càng tăng cao. “Nhờ bón loại phân này mà năng suất từ trồng hành, rau cải, lạc, lúa… của gia đình tui tăng bình quân 30 -40% so với trước đây, cây cũng ít sâu bệnh hơn. Đặc biệt, ngoài năng suất cao, thời gian thu hoạch của các loại rau củ này còn giảm từ 15- 20 ngày so với khi không bón phân hữu cơ”- ông Mừng cho biết.

img
Phân bón hữu cơ vi sinh được người dân xã Hương Chữ làm từ rác.

Mô hình biến rác thành phân mà hộ ông Mừng sử dụng thuộc Dự án “Xử lý rác thải bằng chế phẩm để làm phân bón hữu cơ vi sinh” do Mạng lưới sông ngòi Việt Nam (VRN) chuyển giao cho nông dân xã Hương Chữ. Việc biến rác thành phân khá đơn giản: Rác hữu cơ ở các sông, chợ được thu gom về, chất vào các hố chứa rồi sử dụng chế phẩm vi sinh ủ trong 45 ngày là cho ra phân bón hữu cơ vi sinh. “Sau gần 2 năm, tui đã ủ được gần 15 tấn phân, nhờ đó mà không phải chi một khoản tiền đáng kể để mua phân bón”- ông Mừng phấn khởi.

Không chỉ hộ ông Mừng mà hiện có gần 50% số hộ dân ở xã Hương Chữ sử dụng mô hình này để sản xuất phân bón phục vụ cho sản xuất nông nghiệp. Người dân nơi đây cho biết, tính cả tiền công và tiền mua chế phẩm vi sinh, làm ra 1kg phân vi sinh, chỉ tốn khoảng 400 đồng, trong khi giá loại phân này trên thị trường dao động từ 1.500- 2.000 đồng/kg.

Cũng như Hương Chữ, nhiều nông dân các xã Hương Toàn, Hương Xuân, Hương An (huyện Hương Trà), Thủy Vân, Thủy Châu, Thủy Thanh, Thủy Lương (thị xã Hương Thủy)… ở Thừa Thiên - Huế cũng đã và đang vận dụng mô hình này trong sản xuất. Cây trồng của người dân nhờ đó phát triển nhanh hơn, ít sâu bệnh và cho năng suất cao hơn rõ rệt, nên thu nhập nhờ đó cũng tăng lên.

Giải quyết ô nhiễm

Ông Nguyễn Quang ở xã Thủy Lương cho biết: “Từ khi người dân biết xử lý bèo, rác hữu cơ thành phân bón, môi trường trên địa bàn đã được cải thiện rất nhiều. Đường làng ngõ xóm không còn ngập ngụa rác thải; sông hồ, đồng ruộng không còn bị bèo lục bình xâm lấn, cản trở dòng chảy nữa”.

“Không chỉ làm phân bón từ rác để phục vụ cho sản xuất, về lâu về dài phải biến phân này thành hàng hóa bán cho các vùng khác, góp phần tăng thêm thu nhập cho người dân”.

Là chợ đầu mối của khu vực nên trước đây mỗi ngày chợ Hương Chữ có khoảng 5 tạ rác hữu cơ, chưa kể một lượng lớn rác vô cơ, gây ô nhiễm môi trường nghiêm trọng. Từ khi người dân biết sử dụng rác để làm phân bón, rác thải ở chợ và sông được thu gom, phân loại hàng ngày nên môi trường khu vực này ngày càng trong lành.

Ông Lê Đình Lanh - Phó Chủ tịch UBND xã Hương Chữ cho biết: “Ngoài hiệu quả lớn về kinh tế, mô hình xử lý rác thành phân bón đã góp phần giải quyết gần như triệt để nạn ô nhiễm môi trường dai dẳng trên địa bàn xã”. Theo ông Lanh, xã đang tuyên truyền, hướng dẫn để 100% hộ dân trên địa bàn biết sử dụng mô hình này.

 

Mời các bạn đồng hành cùng báo Dân Việt trên mạng xã hội Facebook để nhanh chóng cập nhật những tin tức mới và chính xác nhất.
Tin cùng chuyên mục
Xem theo ngày Xem