Kinh tế tập thể tạo việc làm, nâng cao thu nhập, xây dựng nông thôn mới hiệu quả tại Thái Nguyên

Hà Thanh - Kiều Hải Thứ sáu, ngày 03/05/2024 13:36 PM (GMT+7)
Trong những năm qua, kinh tế tập thể đã khẳng định vai trò nòng cốt trong xây dựng nông thôn mới tại Thái Nguyên, nhiều mô hình HTX, Tổ hợp tác đã phát huy hiệu quả rõ rệt trong giải quyết việc làm cho người lao động, nâng cao thu nhập và giảm nghèo cho người dân trên địa bàn.
Bình luận 0

Hiệu quả từ những mô hình kinh tế tập thể

Những năm qua, kinh tế tập thể (KTTT) mà nòng cốt là các Hợp tác xã (HTX), tổ hợp tác đã từng bước khẳng định được vai trò quan trọng trong phát triển kinh tế - xã hội nói chung và thực hiện Chương trình mục tiêu quốc gia xây dựng Nông thôn mới (NTM) nói riêng, đặc biệt là đóng góp trực tiếp hoàn thành tiêu chí 13 về tổ chức sản xuất và phát triển kinh tế nông thôn, gián tiếp góp phần hoàn thành các tiêu chí khác như: Thu nhập (10), nghèo đa chiều (11), lao động (12), môi trường và an toàn thực phẩm (17)...

Có thể thấy, các mô hình KTTT trên địa bàn tỉnh Thái Nguyên đã đóng vai trò quan trọng trong việc thực hiện nhóm tiêu chí về kinh tế và tổ chức sản xuất trong xây dựng NTM của địa phương, góp phần nâng cao thu nhập, chuyển dịch cơ cấu lao động, thúc đẩy kinh tế phát triển, thay đổi diện mạo nông thôn tại các địa phương.

Kinh tế tập thể tạo việc làm, nâng cao thu nhập, xây dựng nông thôn mới hiệu quả tại Thái Nguyên- Ảnh 1.

Các sản phẩm nông nghiệp của Thái Nguyên ngày càng đa dạng về mẫu mã và chủng loại. Ảnh: Hà Thanh

Hiện nay trên địa bàn tỉnh Thái Nguyên có 760 HTX với trên 42.500 thành viên và người lao động. Doanh thu bình quân ước đạt 6 tỷ đồng/HTX/năm, trong đó doanh thu đối với thành viên ước đạt 4 tỷ đồng/HTX/năm. Thu nhập bình quân thành viên của người lao động trong HTX đạt từ 4 - 6 triệu đồng/người/tháng.

Toàn tỉnh có 4.562 Tổ hợp tác, trong đó có 345 Tổ hợp tác được thành lập chính thức với khoảng 8.900 thành viên, người lao động và trên 4.000 Tổ hợp tác đang hoạt động theo nhu cầu tự phát với trên 100.000 thành viên và người lao động tham gia.

Là một trong những HTX có quy mô phát triển tương đối lớn, tạo việc làm cho nhiều lao động, HTX Trà Sơn Dung là đơn vị chuyên hoạt động trong lĩnh vực sản xuất, chế biến và kinh doanh chè Tân Cương nổi tiếng trên địa bàn TP.Thái Nguyên. Qua 6 năm thành lập, đến nay HTX đã có quy mô xưởng sản xuất rộng rãi, đáp ứng nhu cầu sản xuất, chế biến. 

Chia sẻ với Báo Dân Việt, bà Nguyễn Thị Như Trang – Giám đốc HTX Trà Sơn Dung cho biết, HTX Trà Sơn Dung hiện có tất cả 14 thành viên tham gia sản xuất với thu nhập của người lao động 8 - 9 triệu đồng/người/tháng. Ngoài ra, HTX còn liên kết với khoảng 50 hộ dân để trồng và chế biến chè. Trung bình mỗi năm, HTX xuất bán ra thị trường trên 200 tấn chè khô các loại, mang về doanh thu gần chục tỷ đồng.

"Hiện nay, ngoài bán hàng theo phương thức truyền thống, HTX còn tích cực áp dụng chuyển đổi số, đưa sản phẩm lên các sàn giao dịch thương mại điện tử để bán mang lại hiệu quả tiếp cận khách hàng cao", bà Trang cho hay.

Kinh tế tập thể tạo việc làm, nâng cao thu nhập, xây dựng nông thôn mới hiệu quả tại Thái Nguyên- Ảnh 2.

HTX Trà Sơn Dung tạo việc làm và thu nhập ổn định cho nhiều lao động. Ảnh: Hà Thanh

Trong thời gian vừa qua, các mô hình KTTT trên địa bàn tỉnh Thái Nguyên cũng đã đẩy mạnh phát triển thương hiệu, đa dạng hoá sản phẩm và tham gia mô hình liên kết chuỗi. Các HTX đã thực hiện được vai trò liên kết trong sản xuất, tiêu thụ sản phẩm cho thành viên, tham gia tích cực vào chuỗi giá trị sản phẩm, góp phần chuyển dịch và cơ cấu lại kinh tế theo định hướng chung của tỉnh. Từ đó, đã tạo ra các vùng nguyên liệu tập trung quy mô lớn, đảm bảo chất lượng. Hoạt động của các HTX góp phần giải quyết việc làm cho người lao động, nâng cao thu nhập, giảm nghèo, bảo đảm an sinh xã hội.

HTX Bình Minh (xã Nhã Lộng, huyện Phú Bình) là một trong những đơn vị đã tích cực trong việc tham gia mô hình liên kết chuỗi, đa dạng hoá sản phẩm, tạo ra vùng sản xuất rau tập trung với quy mô hơn 5ha. HTX đã thực hiện việc bao tiêu sản phẩm rau cho nhiều bà con trong vùng với sản lượng lớn, giúp người dân ổn định sản xuất và không lo đầu ra của sản phẩm. 

Hiện nay, HTX Bình Minh đang có định hướng sẽ xây dựng sản phẩm cà chua trở thành sản phẩm OCOP của địa phương. "Năm 2023, HTX xuất bán ra thị trường hàng trăm tấn rau các loại, mang về doanh thu trên 2 tỷ đồng. Nhờ trồng rau, nhiều bà con trong vùng đã có thu nhập ổn định, tỷ lệ hộ nghèo cũng vì thế mà giảm đáng kể", bà Nguyễn Thị Hiệp – Giám đốc HTX Bình Minh chia sẻ.

Kinh tế tập thể tạo việc làm, nâng cao thu nhập, xây dựng nông thôn mới hiệu quả tại Thái Nguyên- Ảnh 3.

HTX Bình Minh, xã Nhã Lộng, huyện Phú Bình, tỉnh Thái Nguyên đã tạo được chuỗi liên kết trong sản xuất và tiêu thụ sản phẩm. Ảnh: Hà Thanh

Hỗ trợ các mô hình kinh tế tập thể phát triển

Theo thống kê, toàn tỉnh Thái Nguyên có 62 HTX thực hiện chuỗi liên kết giá trị gắn với hàng hóa chủ lực, ngành nghề mũi nhọn của địa phương. Hoạt động của các HTX đã đóng góp tích cực vào các Chương trình Mục tiêu quốc gia của địa phương. Đặc biệt, trong Chương trình xây dựng NTM, các HTX đã thể hiện được vai trò là đơn vị chủ trì liên kết các thành viên, hộ dân triển khai các đề án, dự án, chương trình. 

Bên cạnh đó, các HTX còn chủ động thực hiện chuyển đổi số, ứng dụng công nghệ thông tin, khoa học công nghệ hiện đại trong sản xuất kinh doanh và tiêu thụ sản phẩm, từ đó xây dựng được thương hiệu và nâng cao giá trị sản phẩm trên thị trường, nhất là các sản phẩm chủ lực của địa phương.Hỗ trợ các mô hình kinh tế tập thể phát triển.

Ông Trần Nho Hưởng – Phó Chánh Văn phòng điều phối nông thôn mới tỉnh Thái Nguyên nhấn mạnh: Nhận thức rõ vai trò của HTX trong phát triển kinh tế, do đó tỉnh Thái Nguyên đã quan tâm phát triển hợp tác, liên kết giữa doanh nghiệp, HTX, nông hộ trong sản xuất, xây dựng thương hiệu, xúc tiến tiêu thụ sản phẩm nông nghiệp. Trong đó có nhiều chính sách khuyến khích, hỗ trợ các HTX phát triển sản xuất như chính sách hỗ trợ liên kết sản xuất, chính sách hỗ trợ sản xuất an toàn, hữu cơ, như: phân hữu cơ vi sinh, chế phẩm sinh học, chứng nhận GAP, Organic, hỗ trợ ứng dụng công nghệ cao…

Thông qua chính sách hỗ trợ, trong những năm qua nhiều HTX trong lĩnh vực nông nghiệp đã có sự phát triển khá nhanh cả về số lượng và chất lượng. Nhờ tập trung khuyến khích tăng số lượng, quy mô và nâng cao hiệu quả hoạt động của các HTX đã từng bước nâng cao hiệu quả tổ chức sản xuất trong nông nghiệp, nông thôn, qua đó đã hình thành được các vùng sản xuất nông nghiệp tập trung theo hướng hàng hóa, như các vùng sản xuất chè VietGAP, hữu cơ, vùng sản xuất lúa hữu cơ, lúa chất lượng cao, vùng sản xuất cây ăn quả, vùng chăn nuôi gà đồi… góp phần quan trọng đẩy mạnh thực hiện tái cơ cấu sản xuất nông nghiệp, xóa đói giảm nghèo, nâng cao thu nhập và xây dựng nông thôn mới của địa phương.


Mời các bạn đồng hành cùng báo Dân Việt trên mạng xã hội Facebook để nhanh chóng cập nhật những tin tức mới và chính xác nhất.
Tin cùng chuyên mục
Xem theo ngày Xem