Một ngành học không bao giờ bị “thất sủng”, đang rất khát nhân lực, mức lương lại hấp dẫn

Cẩm Thạch Thứ tư, ngày 09/08/2023 18:00 PM (GMT+7)
Logistics và quản lý chuỗi cung ứng là ngành học rất hút thí sinh trong những năm gần đây với điểm chuẩn đầu vào ở top đầu các trường đào tạo ngành Kinh tế. Đây là một ngành đang rất khát nhân lực cả hiện tại và tương lai, với mức lương cho người có kinh nghiệm trung bình từ 15-23 triệu đồng/tháng.
Bình luận 0

Ngành Logistics và quản lý chuỗi cung ứng là gì, lương bao nhiêu?

Theo các kết quả dự báo của Viện Nghiên cứu và phát triển Logistics Việt Nam, đến năm 2030, ngành Logistics nước ta cần bổ sung 2,2 triệu nhân lực, cũng như có nhu cầu khoảng 200.000 nhân lực Logistics chất lượng cao có bằng cấp chứng chỉ chuyên môn, có kỹ năng nghiệp vụ và năng lực ngoại ngữ.

PGS.TS Hồ Thị Thu Hòa - Viện trưởng Viện Nghiên cứu và Phát triển Logistics Việt Nam nhận định, ngành Logistics đang phát triển mạnh mẽ. Logistics có nhiều nhu cầu mới, Việt Nam là một trong 2 quốc gia có tốc độ phát triển thương mại điện tử cao nhất khu vực Đông Nam Á.

Trong những năm vừa qua, nhu cầu nhân lực về Logistics gia tăng, có nhiều trường đại học đã tham gia đào tạo ngành này.

PGS.TS Hồ Thị Thu Hòa cho hay: "Các bạn trẻ lo lắng làm sao để đáp ứng được nhu cầu của nhà tuyển dụng, đây cũng là câu hỏi các nhà tuyển dụng được quan tâm. Tôi có một số gợi ý để chuẩn bị cho các bạn. Ví dụ như các bạn phải có kiến thức chuyên môn, kỹ năng về giao tiếp, làm việc nhóm, kỹ năng cảm xúc, kỹ năng chuyển đổi số, công nghệ thông tin, sử dụng ngôn ngữ, kỹ năng xã hội. Chúng ta cần trải nghiệm, tham gia các hoạt động ở nhà trường để được rèn luyện, từ đó trở thành giá trị riêng của chúng ta. Đồng thời luôn nhớ từ ASK – A thái độ yêu nghề, S là kỹ năng, K là kiến thức".

Theo thông tin từ Đại học Duy Tân, Logistics và quản lý chuỗi cung ứng được coi như là lĩnh vực không bao giờ bị "thất sủng" bởi tầm quan trọng của ngành nghề này đối với nền kinh tế của nước ta nói riêng và trên thế giới nói chung. Minh chứng cho điều này, có thể thấy các ngành nghề khác phải giảm nhân lực trong đại dịch Covid-19, thế nhưng ngành nghề này thì lại cần lượng lớn nguồn nhân lực có thể đáp ứng cho xã hội.

Một ngành học không bao giờ bị “thất sủng”, đang rất khát nhân lực, mức lương lại hấp dẫn - Ảnh 1.

Ngành Logistics mang đến nhiều cơ hội nghề nghiệp ở đa dạng vị trí khác nhau. Ảnh minh họa: UEF

Sinh viên tốt nghiệp ngành Logistics và quản lý chuỗi cung ứng có rất nhiều cơ hội việc làm, có thể đảm nhận các công việc như: Quản lý vận hành và quản lý chuỗi cung ứng, quản lý vận hành của công ty, giám sát các hoạt động và quy trình vận chuyển, lưu kho, và giao nhận hàng hóa; quản lý kho, quản lý, tối ưu hóa và tổ chức hàng tồn kho trong kho để đáp ứng nhu cầu sản xuất và tiêu thụ; chuyên viên quản lý đơn hàng, điều phối, xử lý và giải quyết các yêu cầu đặt hàng từ khách hàng; chuyên viên tối ưu hóa chuỗi cung ứng; chuyên viên tại mảng kế hoạch, khai thác thị trường, marketing, dịch vụ khách hàng, cung ứng vật tư, quản lý hệ thống xuất nhập khẩu, giao nhận vận tải…

Thông thường, mức lương trung bình của ngành Logistics và quản lý chuỗi cung ứng dao động từ 5 – 9 triệu đồng/tháng. Mức lương này có thể tăng dần theo thời gian tùy thuộc vào vị trí, kinh nghiệm làm việc, trình độ học vấn…

Với những vị trí cấp cao hơn như trưởng phòng, trưởng nhóm thì mức lương trung bình từ 15 – 23 triệu đồng/tháng. Nhiều nhân sự ngành nghề này còn được trả từ 80 – 100 triệu đồng/tháng tùy theo doanh nghiệp trong nước hay quốc tế. Đây là mức lương không thể hấp dẫn hơn đối với nhiều các bạn trẻ.

Ngành Logistics và Quản lý chuỗi cung ứng thi khối nào?

Ngành Logistics và Quản lý Chuỗi cung ứng thuộc khối Kinh tế – Quản lý. Vì vậy, thí sinh sẽ phải xét tuyển tổ hợp ngành Logistics và Quản lý chuỗi cung ứng gồm:

Toán/Lý/Hóa (A00)

Toán/Lý/Anh (A01)

Văn/Sử/Địa (C00)

Văn/Toán/Lý (C01)

Văn/Toán/Anh (D01)

Toán/Hóa/Anh (D07)

Toán/Anh/KHTN (D90)

Các trường đào tạo ngành Logistics và quản lý chuỗi cung ứng gồm có:

Trường Đại học Ngoại thương Hà Nội (2 cơ sở); Trường Đại học Kinh tế Quốc dân, Trường đại học Hàng hải Việt Nam, Trường Đại học Thương mại, Trường Đại học Giao thông Vận tải – Hà Nội, Trường Đại học Kinh tế (UEB) – Đại học Quốc Gia Hà Nội, Học viện Tài Chính, Đại học Bách Khoa Hà Nội, Trường đại học kinh tế TP.HCM, Trường Đại học Giao thông vận tải TP.HCM, Trường Đại học Quốc tế – Đại học quốc gia TP.HCM, Trường Đại học Bách Khoa TP.HCM, Trường Đại học Kinh tế Luật – Đại học Quốc gia TP.HCM, Trường Đại học kinh tế – Đại học Đà Nẵng, Trường Đại học Tôn Đức Thắng…

Như Dân Việt đã đề cập ở nhiều bài trước, dự đoán điêm chuẩn ngành Logistics và quản lý chuỗi cung ứng vẫn ở top đầu của các trường đào tạo ngành Kinh tế.

PGS.TS Bùi Đức Triệu, Trưởng phòng quản lý đào tạo, Trường Đại học Kinh tế Quốc dân cho rằng, với các ngành "hot" như Logistics và quản lý chuỗi cung ứng, năm 2022 điểm chuẩn trên 28, năm nay khó tăng cao hơn, thí sinh có thể tham khảo điểm chuẩn năm 2022.

Năm 2022, điểm chuẩn ngành Logistics và quản lý chuỗi cung ứng ở nhiều trường ở mức rất cao. Điểm chuẩn ngành Logistics và quản lý chuỗi cung ứng tại Trường Đại học Kinh tế Quốc dân năm 2022 xét theo điểm thi tốt nghiệp THPT là 28,20 điểm; điểm chuẩn ngành Logistics và quản lý chuỗi cung ứng Trường Đại học Ngoại thương cũng là 28,20 điểm; điểm chuẩn ngành Logistics và quản lý chuỗi cung ứng tại Học viện Ngân hàng 3 năm gần đây luôn dao động khoảng 27 điểm; với phương thức xét tuyển dựa vào kết quả thi tốt nghiệp THPT và xét tuyển kết hợp giữa chứng chỉ tiếng Anh quốc tế với kết quả thi tốt nghiệp THPT, ngành Hải quan và Logistics của Học viện Tài chính có điểm chuẩn 34,28 điểm (tiếng Anh hệ số 2)…

Mời các bạn đồng hành cùng báo Dân Việt trên mạng xã hội Facebook để nhanh chóng cập nhật những tin tức mới và chính xác nhất.
Tin cùng chuyên mục
Xem theo ngày Xem