Mục tiêu Xây dựng nông thôn mới của TP.Hồ Chí Minh: 100% số xã về đích năm 2015

Ngọc Minh (thực hiện) Thứ tư, ngày 02/07/2014 06:51 AM (GMT+7)
Là một trong những địa phương đi đầu cả nước trong việc xây dựng nông thôn mới (NTM), TP.HCM đang đặt quyết tâm 100% số xã sẽ về đích trước ngày kỷ niệm 40 năm giải phóng miền Nam (30.4.2015). Xung quanh vấn đề này, phóng viên Báo NTNN đã trao đổi với ông Thái Quốc Dân  - Phó Chi cục trưởng Chi cục Phát triển nông thôn thuộc Sở NNPTNT TP.HCM, đơn vị chuyên trách về NTM.
Bình luận 0

Ông có thể cho biết những hiệu quả kinh tế về sản xuất nông nghiệp và xây dựng NTM mà TP.HCM đạt được trong 6 tháng qua?

- Giá trị sản xuất nông lâm ngư nghiệp trên địa bàn thành phố 6 tháng đầu năm 2014 ước đạt 6.401 tỷ đồng, tăng 6% so với cùng kỳ (theo giá 2010). Trong đó: Trồng trọt 1.170 tỷ đồng, tăng 4% so cùng kỳ; chăn nuôi 1.750 tỷ đồng, tăng 4,5%; dịch vụ nông nghiệp 282 tỷ đồng, tăng 6,5%; lâm nghiệp 57 tỷ đồng, tăng 37,6%; thủy sản 1.260 tỷ đồng, tăng 9% so cùng kỳ (cá cảnh 47 triệu con, tăng 20,5% so cùng kỳ).

Riêng về kết quả xây dựng NTM, 6 xã thí điểm đã đạt được 19/19 tiêu chí, còn 50 xã mới mở rộng đạt bình quân 14/19 tiêu chí xây dựng NTM, tăng 1 tiêu chí so với năm 2013. Thành phố phấn đấu đến năm 2015 tất cả các xã sẽ đạt đủ 19/19 tiêu chí nhằm chào mừng kỷ niệm 40 năm Ngày giải phóng miền Nam 30.4.2015.

Tiêu chí về hộ nghèo vừa thay đổi có gây khó khăn cho công cuộc xây dựng NTM của thành phố không, thưa ông?

- Đương nhiên là có khó khăn vì thành phố vừa nâng mức chuẩn nghèo lên 16 triệu đồng/người/năm, thay vì 12 triệu đồng như 2013. Như vậy số người nằm trong diện nghèo của thành phố sẽ tăng lên 130.000 hộ (7,12% dân số). Nhiều xã đã gặp khó khăn trong việc bố trí cán bộ chuyên trách công tác giảm nghèo hoặc do địa bàn rộng, tỷ lệ dân nhập cư đông nên việc quản lý hộ nghèo và cận nghèo chưa sát sao.

Tuy nhiên, nếu xét một cách kỹ càng hơn thì việc nâng chuẩn nghèo lên mức 16 triệu đồng/người/năm là một việc làm hết sức phù hợp, vì 12 triệu đồng/năm chỉ tương đương với 7 triệu đồng của năm 2011 (sau khi trừ yếu tố trượt giá). Con số 16 triệu đồng hiện cũng chỉ bằng với mức sống của một người có thu nhập 11 triệu đồng của năm 2011. Trong điều kiện mặt bằng giá liên tục tăng cao thì việc thay đổi chuẩn nghèo là phù hợp, để đảm bảo mức sống của người dân cũng như đảm bảo các chính sách hỗ trợ của thành phố đến được với người có thu nhập thấp.

Nhiều xã ngoại thành xây dựng NTM trong thời gian qua thiếu nước sạch. Nhiều nơi cũng chưa giải quyết được tiêu chí về môi trường, vẫn có một số doanh nghiệp xả thải ô nhiễm ra cộng đồng dân cư... Những vấn đề này đến nay đã được thành phố giải quyết thế nào, thưa ông?

- Đúng là còn một số xã vùng sâu, vùng xa còn thiếu nước sạch. Trong lúc chờ các đơn vị chức năng xây lắp đường ống cấp nước, thành phố giải quyết bằng cách đưa nhiều xe chở nước tới hàng ngày và xây các bồn chứa nước cho người dân sử dụng. Tuy nhiên vấn đề này sẽ được thành phố giải quyết dứt điểm vào năm 2015, khi ấy sẽ đảm bảo tất cả các xã NTM có đủ nước sạch cho người dân sử dụng.

Còn vấn đề môi trường thì đây là một tiêu chí khó đạt trong bộ tiêu chí xây dựng NTM. Hiện mới có 34/56 xã đạt chuẩn tiêu chí về môi trường. Một số hộ dân còn chăn nuôi trong địa bàn dân cư hoặc có doanh nghiệp còn xả thải ô nhiễm ra mội trường. Vấn đề này Sở Tài nguyên và Môi trường phối hợp với các địa phương thường xuyên đi rà soát, kiểm tra và xử phạt nặng những trường hợp vi phạm. Các hộ dân thì vận động họ chuyển ra khu tập trung chăn nuôi, xây hầm biogas…

Theo ông, vai trò của các quận nội thành hỗ trợ như thế nào cho các xã, huyện xây dựng NTM?

- Cùng cả nước, thành phố có chương trình vận động mọi người dân chung sức xây dựng NTM. Ở đây các quận nội thành hỗ trợ các huyện ngoại thành xây dựng NTM còn là thể hiện sự đền đáp. Bởi trước giải phóng, các huyện ngoại thành là vành đai cách mạng, vành đai kháng chiến, còn hiện tại là vành đai xanh, là “lá phổi” của cả thành phố.

  19 đơn vị ban ngành, quận nội thành, tổng công ty, Đảng ủy cấp trên cơ sở đã ký kết hỗ trợ xóa sạch 1.649 nhà tạm, nhà dột nát còn lại trên địa bàn TP.HCM trong năm nay. Các đơn vị cam kết hỗ trợ khoảng 350 suất học bổng, 10 xe đạp cho học sinh nghèo, xây mới 1 tuyến đường, 1 sân chơi thiếu nhi; hỗ trợ 129 suất bảo hiểm y tế cho hộ cận nghèo và 3 đợt khám chữa bệnh cho người nghèo ở các xã NTM.
Bằng những hành động thiết thực, hiệu quả, các quận sẽ tập trung giúp đỡ và hỗ trợ các địa phương triển khai Chương trình xây dựng NTM dưới nhiều hình thức như: Xóa nhà tạm dột nát, giảm hộ nghèo, ủng hộ về tinh thần và vật chất; đầu tư trực tiếp về các huyện nông thôn, góp phần xây dựng cơ sở hạ tầng; cam kết sử dụng lao động; giúp nông dân phát triển sản xuất, tiêu thụ sản phẩm… Bên cạnh đó, các quận cũng hỗ trợ tiền mặt, trao học bổng, khám chữa bệnh miễn phí… cho người dân tại các xã xây dựng NTM.

 

Không những thế, thành phố còn vận động các nguồn lực xã hội khác cùng tham gia như các tổng công ty, Đảng ủy khối cấp trên, lực lượng thanh niên xung phong, các sở, ban ngành, liên minh hợp tác xã thành phố… tham gia hỗ trợ các xã xây dựng NTM.

Xin cảm ơn ông.


Những con số ấn tượng về tam nông TP.HCM

6.400 tỷ đồng
Là giá trị sản xuất nông lâm ngư nghiệp trên địa bàn thành phố ước đạt trong 6 tháng đầu năm 2014, tăng 6% so cùng kỳ. Trong đó: Trồng trọt 1.170 tỷ đồng, tăng 4% so cùng kỳ; chăn nuôi 1.750 tỷ đồng, tăng 4,5%; dịch vụ nông nghiệp 282 tỷ đồng, tăng 6,5%; lâm nghiệp 57 tỷ đồng, tăng 37,6%; thủy sản 1.260 tỷ đồng, tăng 9% so cùng kỳ (cá cảnh 47 triệu con, tăng 20,5% so cùng kỳ).
2. 32,7 triệu đồng/người/năm
Là thu nhập bình quân theo giá hiện hành của khu vực nông thôn TP.HCM, tăng 41,2% so với năm 2010. Do đặc thù riêng, TP.HCM đã nâng mức chuẩn hộ nghèo từ 12 triệu đồng của cả nước lên 16 triệu đồng/người/năm.  
6
Là số xã thí điểm đã hoàn thành 19/19 tiêu chí, 50 xã mở rộng đạt bình quân 14/19 tiêu chí xây dựng NTM. Mục tiêu phấn đấu đến hết năm 2015, 56 xã hoàn thành 19/19 tiêu chí xây dựng NTM.
12.292 tỷ đồng
Là kết quả huy động nguồn lực thực hiện tại 56 xã xây dựng NTM trên địa bàn thành phố (tổng lũy tiến tính đến tháng 5.2014). Gồm vốn trung ương: 20,23 tỷ đồng; vốn dân - cộng đồng là hơn 9.013 tỷ đồng; ngân sách thành phố hơn 3.258 tỷ đồng.
1.649 căn nhà tạm
Là số nhà dột nát trên địa bàn 5 huyện nông thôn mới TP.HCM đã được các đoàn thể, quận nội thành, các tổng công ty, Đảng ủy cấp trên cơ sở của thành phố ký kết xóa sạch trong năm 2014.
4.066 hộ
Là số hộ đã được cho vay với các dự án phát triển nông nghiệp, chuyển dịch cơ cấu cây trồng với tổng số tiền là 1.118,6 tỷ đồng.
53.569
Là số lượt lao động đã được thành phố hỗ trợ dạy nghề, trong đó, số lao động có việc làm mới và tiếp tục làm nghề cũ đạt trên 80%. 47/56 xã xây dựng nông thôn mới đạt tiêu chí tỷ lệ lao động nông thôn có việc làm thường xuyên.
350
Là đơn vị sản xuất rau, quả trên địa bàn thành phố đã được chứng nhận VietGAP với tổng diện tích hơn 200ha; sản lượng dự kiến 23.285 tấn/năm.
4 hợp tác xã
Là số hợp tác xã được vận động thành lập mới trong 6 tháng đầu năm 2014, nâng tổng số HTX trên địa bàn thành phố lên 61 hợp tác xã và 175 tổ hợp tác hoạt động trong lĩnh vực nông nghiệp. Thành phố đã tổ chức 68 lớp tập huấn về hợp tác xã, kinh tế tập thể, với tổng số 4.080 lượt người tham dự.
31
Là số công trình khoa học, nghiên cứu trong nông nghiệp, nông thôn; đưa vào sản xuất kinh doanh 37 giống mới, cải thiện năng suất, kháng sâu bệnh... từ khi xây dựng NTM năm 2009 đến nay.
Phụng Anh (tổng hợp)
Mời các bạn đồng hành cùng báo Dân Việt trên mạng xã hội Facebook để nhanh chóng cập nhật những tin tức mới và chính xác nhất.
Tin cùng chuyên mục
Xem theo ngày Xem