Mức xử phạt trường hợp lấn chiếm đất phi nông nghiệp năm 2022 không phải ai cũng biết

Vũ Đắk Thứ bảy, ngày 23/04/2022 08:15 AM (GMT+7)
Theo luật sư, Nghị định 91/2019/NĐ-CP xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực đất đai nêu rõ mức xử phạt trường hợp lấn chiếm đất phi nông nghiệp tại nông thôn.
Bình luận 0

Bạn đọc hỏi: Hiện nay tình trạng lấn chiếm đất diễn ra tràn lan. Tại khu vực nông thôn, hành vi lấn chiếm đất phi nông nghiệp có thể bị xử lý như thế nào?

Luật sư Nguyễn Trọng Nghĩa - Đoàn LS TP Hà Nội cho biết, Nghị định 91/2019/NĐ-CP xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực đất đai nêu rõ mức xử phạt trường hợp lấn chiếm đất phi nông nghiệp tại nông thôn.

Mức xử phạt trường hợp lấn chiếm đất phi nông nghiệp năm 2022 không phải ai cũng biết - Ảnh 1.

Theo luật sư, Nghị định 91/2019/NĐ-CP xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực đất đai nêu rõ mức xử phạt trường hợp lấn chiếm đất phi nông nghiệp tại nông thôn. Ảnh: Phong Lâm.

Đất phi nông nghiệp là gì?

Theo Luật Đất đai 2013, nhóm đất phi nông nghiệp bao gồm các loại đất sau đây:

Đất ở gồm đất ở tại nông thôn, đất ở tại đô thị;

Đất xây dựng trụ sở cơ quan;

Đất sử dụng vào mục đích quốc phòng, an ninh;

Đất xây dựng công trình sự nghiệp gồm đất xây dựng trụ sở của tổ chức sự nghiệp; đất xây dựng cơ sở văn hóa, xã hội, y tế, giáo dục và đào tạo, thể dục thể thao, khoa học và công nghệ, ngoại giao và công trình sự nghiệp khác;

Đất sản xuất, kinh doanh phi nông nghiệp gồm đất khu công nghiệp, cụm công nghiệp, khu chế xuất; đất thương mại, dịch vụ; đất cơ sở sản xuất phi nông nghiệp; đất sử dụng cho hoạt động khoáng sản; đất sản xuất vật liệu xây dựng, làm đồ gốm;

Đất sử dụng vào mục đích công cộng gồm đất giao thông (gồm cảng hàng không, sân bay, cảng đường thủy nội địa, cảng hàng hải, hệ thống đường sắt, hệ thống đường bộ và công trình giao thông khác); thủy lợi; đất có di tích lịch sử - văn hóa, danh lam thắng cảnh; đất sinh hoạt cộng đồng, khu vui chơi, giải trí công cộng; đất công trình năng lượng; đất công trình bưu chính, viễn thông; đất chợ; đất bãi thải, xử lý chất thải và đất công trình công cộng khác;

Đất cơ sở tôn giáo, tín ngưỡng;

Đất làm nghĩa trang, nghĩa địa, nhà tang lễ, nhà hỏa táng;

Đất sông, ngòi, kênh, rạch, suối và mặt nước chuyên dùng;

Đất phi nông nghiệp khác gồm đất làm nhà nghỉ, lán, trại cho người lao động trong cơ sở sản xuất; đất xây dựng kho và nhà để chứa nông sản, thuốc bảo vệ thực vật, phân bón, máy móc, công cụ phục vụ cho sản xuất nông nghiệp và đất xây dựng công trình khác của người sử dụng đất không nhằm mục đích kinh doanh mà công trình đó không gắn liền với đất ở.

Lấn chiếm đất là gì?

Điều 3, Nghị định 91/2019/NĐ-CP nêu rõ:

Lấn đất là việc người sử dụng đất chuyển dịch mốc giới hoặc ranh giới thửa đất để mở rộng diện tích đất sử dụng mà không được cơ quan quản lý Nhà nước về đất đai cho phép hoặc không được người sử dụng hợp pháp diện tích đất bị lấn đó cho phép.

Chiếm đất là việc sử dụng đất thuộc một trong các trường hợp sau đây:

Tự ý sử dụng đất mà không được cơ quan quản lý Nhà nước về đất đai cho phép;

Tự ý sử dụng đất thuộc quyền sử dụng hợp pháp của tổ chức, cá nhân khác mà không được tổ chức, cá nhân đó cho phép;

Sử dụng đất được Nhà nước giao, cho thuê đất đã hết thời hạn sử dụng mà không được Nhà nước gia hạn sử dụng (trừ trường hợp hộ gia đình, cá nhân trực tiếp sản xuất nông nghiệp sử dụng đất nông nghiệp);

Sử dụng đất trên thực địa mà chưa hoàn thành các thủ tục giao đất, cho thuê đất theo quy định của pháp luật.

Mức xử phạt trường hợp lấn chiếm đất phi nông nghiệp tại nông thôn

Trường hợp lấn chiếm đất phi nông nghiệp tại khu vực nông thôn (trừ trường hợp quy định tại khoản 6, điều 14,  Nghị định 91/2019/NĐ-CP) thì hình thức và mức xử phạt như sau:

Phạt tiền từ 10.000.000 đồng đến 20.000.000 đồng nếu diện tích đất lấn, chiếm dưới 0,05 héc ta;

Phạt tiền từ 20.000.000 đồng đến 40.000.000 đồng nếu diện tích đất lấn, chiếm từ 0,05 héc ta đến dưới 0,1 héc ta;

Phạt tiền từ 40.000.000 đồng đến 100.000.000 đồng nếu diện tích đất lấn, chiếm từ 0,1 héc ta đến dưới 0,5 héc ta;

Phạt tiền từ 100.000.000 đồng đến 200.000.000 đồng nếu diện tích đất lấn, chiếm từ 0,5 héc ta đến dưới 1 héc ta;

Phạt tiền từ 200.000.000 đồng đến 500.000.000 đồng nếu diện tích đất lấn, chiếm từ 1 héc ta trở lên.

Khoản 6, điều 14, Nghị định 91/2019/NĐ-CP:

6. Trường hợp lấn, chiếm đất thuộc hành lang bảo vệ an toàn công trình và đất công trình có hành lang bảo vệ, đất trụ sở làm việc và cơ sở hoạt động sự nghiệp của cơ quan, tổ chức theo quy định của pháp luật về quản lý, sử dụng tài sản nhà nước thì hình thức và mức xử phạt thực hiện theo quy định của pháp luật về xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực về hoạt động đầu tư xây dựng; khai thác, chế biến, kinh doanh khoáng sản làm vật liệu xây dựng, sản xuất, kinh doanh vật liệu xây dựng; quản lý công trình hạ tầng kỹ thuật; kinh doanh bất động sản, phát triển nhà ở, quản lý sử dụng nhà và công sở; trong lĩnh vực về giao thông đường bộ và đường sắt; trong lĩnh vực về văn hóa, thể thao, du lịch và quảng cáo; trong lĩnh vực về khai thác và bảo vệ công trình thủy lợi; đê điều; phòng, chống lụt, bão; trong lĩnh vực quản lý, sử dụng tài sản nhà nước và các lĩnh vực chuyên ngành khác.

Đồng thời, người dân buộc khôi phục lại tình trạng ban đầu của đất trước khi vi phạm đối với các hành vi vi phạm.

Mời các bạn đồng hành cùng báo Dân Việt trên mạng xã hội Facebook để nhanh chóng cập nhật những tin tức mới và chính xác nhất.
Tin cùng chuyên mục
Xem theo ngày Xem