Mỹ cắt giảm đơn hàng, doanh nghiệp làm một loại sản phẩm gỗ lao đao chưa từng có

Khánh Nguyên Thứ ba, ngày 08/11/2022 06:03 AM (GMT+7)
Từng là một điểm sáng của ngành chế biến và xuất khẩu gỗ vào năm 2019, 2020, các doanh nghiệp sản xuất gỗ ghép thanh ở nhiều địa phương trên cả nước không nghĩ có ngày lại rơi vào tình trạng khó khăn đến vậy.
Bình luận 0

Doanh nghiệp sản xuất gỗ ghép thanh rơi vào trạng thái "ngủ đông"

Từng là một điểm sáng của ngành chế biến và xuất khẩu gỗ vào năm 2019, 2020, các doanh nghiệp sản xuất gỗ ghép thanh ở nhiều địa phương trên cả nước không nghĩ có ngày lại rơi vào tình trạng khó khăn đến vậy.

Lạm phát tăng cao chưa từng có ở Mỹ khiến người dân thắt chặt chi tiêu, những đơn hàng mua đồ gỗ, đồ nội thất bị cắt giảm là một trong những lý do chính khiến các doanh nghiệp ngành gỗ ghép thanh lao đao, với lượng tồn kho tăng kỷ lục.

Những ngày này, bà Lưu Phụng Linh Tiên, Giám đốc Công ty TNHH Thương mại sản xuất và dịch vụ Tân Thành Phú ở Cụm công nghiệp Bình Nguyên, xã Bình Nguyên (huyện Bình Sơn, Quảng Ngãi) như ngồi trên đống lửa khi các dây chuyền sản xuất gỗ ghép thanh buộc phải dừng hoạt động hoàn toàn.

Mỹ đột ngột cắt giảm đơn hàng, doanh nghiệp làm một loại sản phẩm gỗ lao đao chưa từng có - Ảnh 1.

Lượng gỗ ghép thanh tồn kho cao như núi trong kho của Công ty TNHH Thương mại sản xuất và dịch vụ Tân Thành Phú ở Cụm công nghiệp Bình Nguyên, xã Bình Nguyên (huyện Bình Sơn, Quảng Ngãi). Ảnh: P.V

Trước đó, khi những đơn hàng giảm dần, công ty của bà Tiên vẫn cố gắng duy trì sản xuất nhưng đến tháng 9/2022 thì buộc phải dừng hẳn dây chuyền sản xuất gỗ ghép thanh, chỉ còn dây chuyền sản xuất dăm gỗ hoạt động. Hệ thống dây chuyền máy móc được đầu tư hiện đại giờ nằm im lìm, bụi phủ mờ, trong khi lượng gỗ ghép thanh còn tồn trong kho chất cao như núi.

Theo chia sẻ của bà Tiên, do các đơn hàng giảm mạnh và thậm chí đến thời điểm này là không có, doanh nghiệp của bà đang còn tồn 800 m3 gỗ ghép thanh. Không còn cách nào khác, Tân Thành Phú đành cắt giảm 80% lao động, chỉ giữ lại một nhóm nhỏ lao động duy trì hoạt động của dây chuyền chế biến dăm gỗ. 

Cũng rơi vào tình cảnh tương tự như Công ty Tân Thành Phú, Công ty TNHH sản xuất, xuất nhập khẩu Lâm sản Hải Oanh (Nông Cống, Thanh Hóa) cũng đang còn tồn tới 1.400m3 gỗ ghép thanh, trị giá khoảng 20 tỷ đồng. Từ quý I/2022 đến nay, gần như công ty không có một đơn hàng gỗ ghép thanh nào, 80% lao động cũng buộc phải nghỉ việc còn doanh nghiệp đang phải chịu sức ép rất lớn khi hàng hóa không bán được nhưng vẫn phải trả lãi vay và nhiều khoản chi phí khác. 

Bà Nguyễn Hoàng Lý, Giám đốc Công ty TNHH Mộc Quyết Thắng (ở khu phố 8 – phường Long Bình, thành phố Biên Hòa, Đồng Nai) cũng đang đau đầu với đống gỗ ghép thanh tồn kho đang chất cao như núi ở xưởng. Khoảng 1 năm nay, thị trường gỗ ghép thanh rơi vào ảm đạm, đơn hàng giảm trên 50%, xuất khẩu nhỏ giọt trong khi nguồn vốn quay vòng cực kỳ khó khăn. 

Mỹ đột ngột cắt giảm đơn hàng, doanh nghiệp làm một loại sản phẩm gỗ lao đao chưa từng có - Ảnh 2.

Dây chuyền sản xuất gỗ ghép thanh của Công ty TNHH Thương mại sản xuất và dịch vụ Tân Thành Phú ở Cụm công nghiệp Bình Nguyên, xã Bình Nguyên (huyện Bình Sơn, Quảng Ngãi) dừng hoạt động hoàn toàn. Ảnh: P.V

Bao giờ gỗ ghép thanh trở lại thời hoàng kim?

Thời kỳ hoàng kim của gỗ ghép thanh là vào khoảng năm 2019, 2020, khi đó, trên thị trường, ván ghép thanh có giá xuất khẩu cao gấp 3 - 4 lần giá gỗ xẻ (gỗ xẻ giá từ 3,4 - 3,6 triệu đồng/m3; ván ghép thanh giá từ 10 - 14 triệu đồng/m3). 

Giá trị xuất khẩu gỗ ghép thanh năm 2019 đạt 332,7 triệu USD, chiếm 2,9% tổng giá trị xuất khẩu lâm sản, tăng 16,7 % so với năm 2018. 6 tháng đầu năm 2020, mặt hàng này xuất khẩu đạt 181,5 triệu USD, tăng 20,6% so với cùng kỳ năm 2019. Lúc đó, cả nước có 146 doanh nghiệp sản xuất ván ghép thanh, với công suất khoảng 570.000 m3/năm; nguyên liệu sản xuất ván ghép thanh là các loại gỗ rừng trồng trong nước, chủ yếu là gỗ keo, cao su, bạch đàn. 

Mỹ đột ngột cắt giảm đơn hàng, doanh nghiệp làm một loại sản phẩm gỗ lao đao chưa từng có - Ảnh 3.

Công ty TNHH Mộc Quyết Thắng (ở khu phố 8 – phường Long Bình, thành phố Biên Hòa, Đồng Nai) chỉ duy trì 50% công nhân sản xuất, cầm cự qua giai đoạn khó khăn của ngành gỗ ghép thanh. Ảnh: P.V

Nhưng bây giờ đã khác, thị trường trầm lắng do tác động của lạm phát toàn cầu đã khiến các doanh nghiệp gỗ ghép thanh lao đao vì đơn hàng thưa vắng dần.

Như doanh nghiệp của bà Nguyễn Hoàng Lý, việc cố gắng duy trì hoạt động khoảng 50%, duy trì trả lãi ngân hàng và lương công nhân đã là một sự nỗ lực lớn.

Trong khi đó, bà Lưu Phụng Linh Tiên khá dè dặt khi dự báo về thị trường gỗ ghép thanh năm 2023 và chưa dám chắc khi nào thị trường mới khởi sắc trở lại. 

Điều bà Tiên lo lắng nhất là, nếu như thị trường khởi sắc, đơn hàng quay trở lại, doanh nghiệp sẽ gặp khó khăn trong việc tuyển dụng lao động và đào tạo lao động. 

Một điều cũng khiến các doanh nghiệp ngành gỗ ghép thanh đau đầu không kém là nguồn nguyên liệu đang bị cạnh tranh với dăm gỗ và viên nén vốn đang tăng trưởng rất "nóng". 

Hiện, giá gỗ nguyên liệu đang tăng rất cao, và nếu dăm gỗ, viên nén vẫn tăng giá trong thời gian tới và nhu cầu nguyên liệu ngày càng cao thì việc chuẩn bị nguyên liệu cho các đơn hàng sắp tới của doanh nghiệp gỗ ghép thanh là vô cùng khó khăn.

Điều các doanh nghiệp trong ngành gỗ ghép thanh mong mỏi lúc này là xây dựng được vùng nguyên liệu ổn định, tránh được sự cạnh tranh giữa các lĩnh vực như hiện nay, được hỗ trợ lãi suất để có thể vượt qua giai đoạn khó khăn này.

Mời các bạn đồng hành cùng báo Dân Việt trên mạng xã hội Facebook để nhanh chóng cập nhật những tin tức mới và chính xác nhất.
Tin cùng chuyên mục
Xem theo ngày Xem