Mỹ gạ Ấn Độ từ bỏ S-400 Nga để mua hệ thống Patriot, THAAD

Minh Nhật Thứ hai, ngày 13/05/2019 07:30 AM (GMT+7)
Sau khi thất bại để ép Thổ Nhĩ Kỳ từ bỏ việc mua hệ thống phòng không tối tân S-400 của Nga, Mỹ đang bắt tay vào ngăn cản một quốc gia khác sở hữu "rồng lửa" Nga.
Bình luận 0

img

Theo đó, Mỹ đã đề xuất Ấn Độ mua Hệ thống phòng thủ tên lửa tầm cao giai đoạn cuối (THAAD) và hệ thống tên lửa phòng không đa năng Patriot Advance Capability (PAC-3) thay thế hệ thống phòng không S-400 của Nga mà New Delhi công bố kế hoạch mua sắm sau nhiều năm đàm phán.

Nếu Ấn Độ vẫn cương quyết theo đuổi S-400, họ sẽ đối mặt với các lệnh trừng phạt nặng nề từ Mỹ theo luật liên bang năm 2017 nhắm vào Nga (cũng như Triều Tiên và Iran) bằng các biện pháp trừng phạt và cấm bất kỳ quốc gia nào khác đàm phán thỏa thuận quốc phòng với các nước này. 

Hồi tháng Chín năm ngoái, Washington được cho đã cam kết miễn trừ trừng phạt Ấn Độ vì mua hệ thống S-400 của Nga theo Đạo luật chống các đối thủ của Mỹ thông qua trừng phạt (CAATSA), vốn cho phép Mỹ trừng phạt kinh tế nhằm vào những quốc gia thực hiện hợp đồng mua bán vũ khí quy mô lớn với Moscow.

Tuy nhiên, quy chế miễn trừ này đã hết hạn vào đầu tháng Năm. Hồi tháng Ba vừa qua, Bộ Ngoại giao Mỹ thông báo cơ quan này đang làm việc về một "sự lựa chọn thay thế cho Ấn Độ."

Giá bán chi tiết của một hệ thống THAAD không được tiết lộ, song theo thông tin của hãng CNBC, mỗi hệ thống này ước tính khoảng 3 tỷ USD. Saudi Arabia đã ký một thỏa thuận với Mỹ hồi tháng 11 năm ngoái mua 44 bệ phóng và tên lửa THAAD, mỗi khẩu đội gồm 6 bệ phóng - với giá 15 tỷ USD.

Trong khi đó, Ấn Độ đã đồng ý chi 5,4 tỷ USD mua 5 khẩu đội S-400, mỗi khẩu đội gồm 8 bệ phóng, hồi tháng 10 năm ngoái với thời gian chuyển giao từ tháng 10.2020 đến tháng 4.2023.

Động thái mới nhất của Mỹ đang đẩy Ấn Độ vào tình cảnh khó xử giữa một bên là bạn hàng vũ khí truyền thống Nga và bên còn lại là các lệnh trừng phạt của Mỹ.

Suốt hơn 1 năm qua, Washington cũng đang cố gắng thuyết phục Thổ Nhĩ Kỳ, một đồng minh trong Tổ chức Hiệp ước Bắc Đại Tây dương (NATO), từ bỏ thương vụ S-400 trị giá 2,5 tỷ USD, đe dọa ngừng bàn giao cho Thổ Nhĩ Kỳ các chiến đấu cơ F-35 dù Ankara đã thanh toán một số hóa đơn.

Mỹ cho rằng việc tích hợp hệ thống của Nga vào hệ thống phòng không rộng lớn hơn của NATO sẽ đặt ra những nguy cơ về an ninh cho các máy bay chiến đấu hàng đầu này.

Mời các bạn đồng hành cùng báo Dân Việt trên mạng xã hội Facebook để nhanh chóng cập nhật những tin tức mới và chính xác nhất.
Tin cùng chuyên mục
Xem theo ngày Xem