Mỹ "nương tay", Huawei vẫn khó khôi phục vị thế
Tại cuộc gặp gỡ bên lề Hội nghị Thượng đỉnh G20, ông Trump hứa hẹn với ông Tập Cận Bình về việc cho phép các công ty Mỹ tiếp tục bán linh kiện, thiết bị cho Huawei, miễn là các giao dịch không làm ảnh hưởng đến vấn đề an ninh quốc gia.
Sau khi Tổng thống Trump tuyên bố có thể cho phép Huawei tiếp tục mua linh kiện Mỹ, đại diện của Huawei cho hay: “Chúng tôi ghi nhận quan điểm của Tổng thống Mỹ liên quan đến Huawei, nhưng chưa có bình luận thêm vào thời điểm này”.
Thống kê trong 3 tháng đầu năm 2019 cho thấy doanh số smartphone Huawei vẫn vượt qua Apple. Hãng đặt tham vọng vượt mặt Samsung, trở thành nhà sản xuất smartphone lớn nhất thế giới vào năm 2020. Tuy nhiên, lệnh hạn chế thương mại của Bộ Thương mại Mỹ hồi tháng 5.2019 đã đe dọa nghiêm trọng đến mục tiêu này.
CEO Huawei Nhậm Chính Phi hồi tháng 6 thừa nhận Huawei không tránh khỏi những ảnh hưởng của danh sách đen, và nhiều khả năng sẽ mất thêm thời gian để đạt được tham vọng thống trị ngành công nghiệp smartphone. Ông Nhậm Chính Phi cho biết, doanh số smartphone Huawei đã giảm tới 40% chỉ trong khoảng thời gian từ 17.5 đến 16.6, tức ngay sau lệnh hạn chế thương mại.
Vẫn chưa rõ các công ty Mỹ nào sẽ được cấp phép xuất khẩu linh kiện cho Huawei, nhưng những nhà phân tích đã chỉ ra đối tác quan trọng nhất với Huawei lúc này là Google - kẻ nắm giữ bản quyền hệ điều hành Android. Huawei hiện đang phải chật vật hoàn thiện hệ điều hành Hongmeng để đối phó với nguy cơ không được tiếp tục sử dụng hệ điều hành Android do danh sách đen của Mỹ. “Giả sử Google được phép tiếp tục cấp bản quyền cho Huawei sử dụng hệ điều hành Android, đế chế công nghệ Trung Quốc có thể thở phào nhẹ nhõm” - ông Bryan Ma, nhà phân tích đến từ công ty nghiên cứu IDC cho biết.
Giống như đa phần các dòng smartphone trên thế giới, thiết bị smartphone Huawei cũng sử dụng hệ điều hành Android của Google, bao gồm hệ sinh thái các ứng dụng và dịch vụ như Maps, Gmail...Nếu không có quyền truy cập vào hệ sinh thái này, doanh số smartphone Huawei trên thị trường thế giới chắc chắn sẽ giảm mạnh. Ngoài hệ điều hành từ Google, smartphone Huawei còn sử dụng linh kiện và công nghệ từ hàng loạt công ty Mỹ như Qualcomm (QCOM), Broadcom (AVGO), Qorvo (QRVO) và Skyworks (SWKS)...
Người dùng quốc tế hiện đang quan ngại về sản phẩm của Huawei, họ lo sợ bị mất quyền truy cập ngay lập tức vào các ứng dụng của Google. Nếu muốn quay lại thị trường quốc tế, Huawei gần như phải xây dựng thương hiệu từ đầu.
Năm 2018, khoảng 50% doanh số smartphone Huawei đến từ thị trường quốc tế, theo số liệu của Canalys và IDC. Lo ngại trước thực trạng này, Huawei gần đây đã chuyển mục tiêu sang thị trường Trung Quốc đại lục, khi mà người tiêu dùng Trung Quốc đang dành sự đồng cảm to lớn cho Huawei và làn sóng chủ nghĩa dân tộc vẫn còn nóng hổi.
Trong một cuộc họp báo hồi tuần trước, Phó Chủ tịch Huawei Ken Hu khẳng định “nguồn cung tổng thể của Huawei không bị ảnh hưởng”. Dù vậy, dễ thấy ngay cả khi Huawei có thể tự xoay xở tất cả công nghệ và linh kiện cần thiết cho sản xuất và kinh doanh smartphone, thì danh sách đen của Mỹ vẫn sẽ để lại những “vết sẹo lớn” với tham vọng thống trị thị trường smartphone của công ty này.
“Vấn đề ở đây là niềm tin của người tiêu dùng bị lung lay” - ông Bryan Ma khẳng định.