Mỹ sẽ không trì hoãn lệnh cấm nhập khẩu, sử dụng thiết bị của Huawei

13/06/2019 10:53 GMT+7
Đạo luật Ủy quyền Quốc phòng NDAA với hàng loạt lệnh cấm nhập khẩu, sử dụng thiết bị Huawei sẽ được thực thi ngay trong vòng 1 năm nữa mà không cần bất kỳ sự trì hoãn nào.

Quyền Giám đốc Văn phòng Quản lý và Ngân sách Nhà Trắng (OMB) - ông Russ Vought hôm 12/6 đã tuyên bố trước Quốc hội Mỹ rằng họ sẽ đáp ứng thời hạn 2 năm để bắt đầu thực thi Đạo luật Ủy quyền Quốc phòng NDAA mà không cần trì hoãn thêm. Đạo luật được Tổng thống Trump ký thông qua hồi năm 2018, liên quan đến các lệnh cấm nhằm vào Huawei.

Trước đó, hôm 9/6, OMB từng trình bày trước các quan chức Mỹ rằng họ cần thêm thời gian để thực hiện NDAA - đạo luật yêu cầu các nhà cung cấp, nhà thầu hạn chế mua và sử dụng thiết bị Huawei. Hồi năm 2018, Tổng thống Trump đã thông qua NDAA với thời hạn thi hành vào 2 năm kể từ ngày ký, tức là chỉ còn 1 năm ở thời điểm hiện tại. Ông Russ Vought đã khẳng định cần trì hoãn thêm 2 năm nữa so với thời hạn cũ để giảm thiểu tối đa tổn thất của các công ty Mỹ, đồng thời cho Washington thêm thời gian để hoạch định các kế hoạch tiếp theo.

Tuy nhiên, hôm 12/6, OMB bất ngờ đảo ngược quyết định. Quyền giám đốc OMB ông Russ Vought khẳng định sẽ đáp ứng thời hạn 2 năm để thực hiện NDAA đúng như chính phủ ban hành, tức là sau 1 năm kể từ thời điểm này. Ông Russ Vought khẳng định đã nhận ra tầm quan trọng của NDAA sau những phiên họp với Quốc hội.

“Chúng tôi sẽ nỗ lực đáp ứng thời hạn 2 năm như luật định mà không cần sự trì hoãn nào thêm trong lệnh cấm Huawei. Chúng tôi sẽ làm việc với Quốc hội để giải quyết bất kỳ vấn đề không lường trước nào có thể phát sinh”.

Nhà Trắng không cần thêm thời gian trì hoãn để thực hiện đạo luật NDAA với lệnh cấm nhằm vào Huawei

Đạo luật NDAA thực chất là một phần trong nỗ lực của chính phủ Mỹ nhằm triệt hạ đế chế công nghệ viễn thông lớn nhất thế giới Huawei. Điều 889 của NDAA có điều khoản cấm sử dụng ngân sách liên bang để mua thiết bị, ứng dụng, công nghệ của Huawei có hiệu lực ngay trong năm nay; với lý do mà chính phủ Mỹ viện dẫn là quan ngại an ninh quốc gia. Nhà Trắng còn dành 23 cáo buộc nghiêm trọng hướng đến Huawei, trong đó có các nghi vấn gián điệp, đánh cắp bí mật thương mại.

Hồi tháng 5.2019, Bộ Thương mại Mỹ đã đưa Huawei vào danh sách đen kèm lệnh hạn chế thương mại, hạn chế việc Huawei nhập khẩu linh kiện điện tử và công nghệ từ các nhà cung cấp Mỹ. Còn đạo luật NDAA sẽ thực thi điều ngược lại, tức là đình chỉ việc các công ty Mỹ nhập khẩu và sử dụng linh kiện, công nghệ từ Huawei. 

Huawei nhiều lần phủ nhận việc bị kiểm soát bởi chính phủ Trung Quốc, quân đội hay bất cứ thế lực tình báo nào trong nước, tuy nhiên Mỹ vẫn không ngừng gây áp lực. Huawei thậm chí đang đệ đơn khiếu nại, yêu cầu tòa án Mỹ xem xét lại các lệnh cấm mua thiết bị Huawei được đề cập trong điều 889 Đạo luật ủy quyền Quốc phòng NDAA mà Chính phủ nước này ban hành năm 2018.

Ông Tống Liễu Bình, Giám đốc pháp lý của Huawei khẳng định: "Sự thực là chính phủ Mỹ không có bất cứ bằng chứng nào để buộc tội Huawei là mối đe dọa an ninh. Tất cả chỉ đơn thuần là suy đoán".

Thùy Dung
Cùng chuyên mục