Mỹ thắt chặt xuất khẩu, tránh công nghệ tiên tiến rơi vào tay quân đội Trung Quốc
Các quy tắc mới yêu cầu doanh nghiệp Mỹ phải có giấy phép xuất khẩu nếu muốn xuất khẩu linh kiện, công nghệ cho các công ty Trung Quốc có liên hệ mật thiết với quân đội, ngay cả khi các sản phẩm được sử dụng cho mục đích dân sự. Hồi đầu tháng, tờ Reuters cũng đưa tin Chính quyền Trump đang thắt chặt những quy tắc kiểm soát xuất khẩu nhằm ngăn chặn Trung Quốc tiếp cận với công nghệ tiên tiến của Mỹ thông qua con đường thương mại và sau đó áp dụng chúng vào lĩnh vực quân sự, tờ Reuters mới đây đưa tin.
Động thái được công bố trong thời điểm mối quan hệ Mỹ - Trung đi xuống rõ rệt do những tranh cãi về dịch bệnh Covid-19. Ít nhất 2 bang của Mỹ là Missouri và Mississippi đã đệ đơn kiện Trung Quốc lên tòa án Mỹ do cáo buộc Trung Quốc phản ứng sai lệch trong giai đoạn đầu dịch bệnh bùng phát dẫn đến hậu quả nghiêm trọng cho người dân và nền kinh tế Mỹ.
Bộ trưởng Thương mại Mỹ Wilbur Ross cho biết việc ban hành các quy tắc mới là phản ứng của Mỹ trước các quốc gia có “tiền lệ chuyển hướng hàng hóa mua từ doanh nghiệp Mỹ để ứng dụng trong lĩnh vực quân sự” mà Trung Quốc là một ví dụ điển hình.
Luật sư thương mại của Washington, ông Kevin Wolf thì cho biết sự thay đổi quy tắc với Trung Quốc là câu trả lời của chính quyền Tổng thống Donald Trump trước chính sách hợp nhất quân sự - dân sự của Bắc Kinh. Tờ Thời báo phố Wall cho hay từ năm ngoái đã xuất hiện nhiều bằng chứng chỉ ra rằng Trung Quốc đang tăng cường khai thác công ty tư nhân trong nước để mua công nghệ tiên tiến nước ngoài về sử dụng cho mục đích quân sự. Chủ tịch Tập Cận Bình được cho là người khởi xướng chiến lược hợp nhất quân sự - dân sự nhằm thúc đẩy các công ty tư nhân hợp tác với lực lượng quốc phòng, qua đó phát triển ngành công nghiệp chế tạo vũ khí trong nước, xây dựng tiềm lực quân đội tầm cỡ thế giới.
Giải thích về sự thay đổi quy định kiểm soát xuất khẩu của Mỹ, ông Kevin Wolf cho biết định nghĩa về người mua quân đội, giao dịch mua của quân đội và việc sử dụng cho mục đích quân đội được mở rộng chưa từng có trong các quy tắc mới nhất.
Ví dụ, một công ty xe hơi của Trung Quốc có hợp đồng sửa chữa xe quân sự thì cũng có nguy cơ bị xếp vào “người dùng cuối thuộc quân đội”, ngay cả khi linh kiện được nhập khẩu từ Mỹ là để phục vụ những hoạt động khác của công ty này. “Người dùng cuối thuộc quân đội giờ đây không còn giới hạn là các tổ chức quân sự. Người dùng cuối thuộc quân đội có thể là một công ty dân sự có hoạt động hỗ trợ vật dụng, thiết bị quân sự cho đơn vị quân sự” - ông Kevin Wolf giải thích.
Việc thay đổi quy tắc xuất khẩu cũng yêu cầu các doanh nghiệp Mỹ nộp đầy đủ tờ khai tất cả các hàng hóa xuất khẩu sang Trung Quốc, Nga, Venezuela bất kể giá trị. Điều này nhằm mục đích cung cấp cho chính phủ Mỹ một cái nhìn rõ nét hơn về các sản phẩm linh kiện, công nghệ mà Mỹ xuất khẩu cho các quốc gia này, theo ông Doug Jacobson, luật sư thương mại của Washington. Việc Mỹ siết chặt các quy tắc thương mại được cho là cũng ảnh hưởng đến Nga và Venezuela, nhưng Trung Quốc là bên chịu tác động lớn nhất.
Mỹ cũng hủy bỏ một số ngoại lệ dân sự cho phép các sản phẩm công nghệ nhất định được xuất khẩu mà không cần giấy phép từ Bộ Thương mại. Trước đó, Mỹ cho phép một số sản phẩm như mạch tích hợp, thiết bị viễn thông, radar, máy tính… trong diện ngoại lệ xuất khẩu được phép xuất khẩu cho các nhà nhập khẩu dân sự, công dân Trung Quốc và một số quốc gia khác như Nga, Ukraine… mà không cần giấy phép.
Nhà Trắng cũng được cho là đang thảo luận một đề xuất kiểm soát xuất khẩu mới buộc các công ty nước ngoài xuất khẩu hàng hóa Mỹ sang Trung Quốc phải có được giấy phép chấp thuận từ chính phủ Mỹ.
Nhiều chính khách Mỹ, trong đó có Thượng nghị sĩ đảng Cộng hòa Ben Sasse đã lên tiếng ủng hộ các quy tắc kiểm soát xuất khẩu chặt chẽ như vậy do “nhà lãnh đạo Trung Quốc Tập Cận Bình đang xóa nhòa mọi ranh giới giữa doanh nghiệp với quân đội”.