Quan hệ Mỹ-Trung đang tồi tệ hơn vì cuộc chiến đổ lỗi trong dịch Covid-19
Tổng thống Mỹ Donald Trump từ lâu đã chỉ trích Bắc Kinh thiếu minh bạch về mức độ nghiêm trọng thực tế của sự bùng phát dịch Covid-18 tại Trung Quốc, nơi các ca nhiễm Covid-19 đầu tiên được phát hiện. Đáp lại, nhiều tin đồn lan truyền ở Trung Quốc rằng đại dịch Covid-19 có thể xuất phát từ Mỹ.
James Crabtree, phó giáo sư tại Trường Chính sách công Lee Kuan Yew, Singapore nhận định: “Quan hệ Mỹ - Trung đang ở thời điểm tồi tệ nhất trong nhiều thập kỷ, có lẽ kể từ thập niên 1970. Một cuộc tranh cãi lớn liên quan đến đại dịch Covid-19 xuất phát từ cả hai phía. Không bên nào muốn nhận lỗi cho trách nhiệm của mình trong phản ứng trước đại dịch Covid-19. Do đó, họ đổ lỗi cho nhau”.
Trump “nổ súng”, nhiều quốc gia hoài nghi Trung Quốc
Tháng trước, Trump khơi mào cuộc chiến ngôn luận khi chỉ trích các quan chức Trung Quốc không chia sẻ thông tin sớm và đầy đủ về các ca nhiễm Covid-19 đầu tiên được xác nhận tại Vũ Hán. Ông Trump cho rằng chính điều này làm Mỹ tốn nhiều thời gian hơn, hành động chậm chạp hơn trong phản ứng chống đại dịch.
Sau đó, vào tháng 4, có thông tin cho hay tình báo Mỹ đệ trình báo cáo lên Nhà Trắng cho thấy Trung Quốc cố tình báo cáo sai lệch tổng số ca nhiễm và tử vong do dịch Covid-19 ở nước này. Trump cũng trả lời giới truyền thông, ám chỉ Bắc Kinh có vẻ đã tô sáng số liệu ca nhiễm so với thực tế.
Trong khi đó, mối quan hệ giữa Trung Quốc với Vương quốc Anh cũng đang trở nên căng thẳng khi Bộ trưởng Ngoại giao Anh Dominic Raab bày tỏ hoài nghi về Trung Quốc, yêu cầu Bắc Kinh làm rõ nhiều vấn đề như virus SARS-CoV-2 xuất hiện ra sao, vì sao không ngăn chặn dịch bệnh sớm hơn… Ông Dominic Raab thậm chí đe dọa Anh không thể làm ăn như cũ với Trung Quốc sau hậu quả nặng nề mà đại dịch Covid-19 mang lại, và rằng Anh muốn có một cuộc điều tra sâu sắc về nguồn gốc của vụ dịch.
Tổng thống Pháp Emmanuel Macron tuần trước cũng bày tỏ sự hoài nghi về công tác kiểm soát dịch bệnh tại Trung Quốc khi trả lời giới truyền thông: “Không nên ngây thơ cho rằng Trung Quốc kiểm soát dịch bệnh hiệu quả hơn Pháp, vì có những thứ diễn ra trong góc tối và không thể nhìn thấy từ bên ngoài”.
Cho đến nay, Trung Quốc báo cáo 83.849 ca nhiễm Covid-19, thấp hơn nhiều con số 787.960 ca nhiễm được báo cáo tại Mỹ - ổ dịch Covid-19 lớn nhất thế giới tính đến thời điểm hiện tại.
Trung Quốc đáp trả
Về phần mình, phát ngôn viên Bộ Ngoại giao Trung Quốc Zhao Lijian đăng trên Twitter đưa ra suy đoán quân đội Mỹ gieo rắc virus tại Vũ Hán. “Bệnh nhân đầu tiên của Mỹ xuất hiện khi nào? Có bao nhiêu người nhiễm bệnh? Các bệnh viện nào chịu trách nhiệm chữa virus corona? Có khả năng chính quân đội Mỹ đã mang mầm bệnh tới Vũ Hán. Hãy minh bạch, công khai các thông tin. Mỹ nợ chúng tôi một lời giải thích” - ông Zhao Lijian viết.
Zhao Lijian chỉ là một trong nhiều nhà ngoại giao Trung Quốc tham gia vào cuộc chiến đổ lỗi sôi nổi giữa hai cường quốc trong đại dịch Covid-19.
Ông James Crabtree nhận định chính cuộc chiến đổ lỗi thay vì sự hợp tác giữa Mỹ và Trung Quốc đang đặt ra trở ngại to lớn cho phản ứng chống lại đại dịch trên toàn cầu. “Nó là suy yếu bất cứ nỗ lực nào để đưa ra một phản ứng quốc tế mới chống lại cuộc khủng hoảng sức khỏe cũng như kinh tế toàn cầu… Mọi thứ trở nên khó khăn hơn vì thực tế là Mỹ và Trung Quốc không hợp tác với nhau”.
Thương chiến Mỹ - Trung thêm ảm đạm
Mỹ và Trung Quốc đã ký vào thỏa thuận thương mại giai đoạn 1 vào đầu tháng 1, ngay sau khi các ca nhiễm virus corona đầu tiên được báo cáo, và ngay trước khi đại dịch Covid-19 bùng phát mạnh mẽ buộc Trung Quốc phải phong tỏa Vũ Hán và hàng loạt tỉnh thành khác. Sau đó vài tuần, dịch bệnh lan rộng ra hơn 200 quốc gia và vùng lãnh thổ trên thế giới. Mỹ bất ngờ trở thành ổ dịch Covid-19 lớn nhất toàn cầu, các quốc gia Châu Âu cũng lao đao vì dịch bệnh.
Các chuyên gia từng kỳ vọng hai cường quốc kinh tế hàng đầu thế giới sẽ tiến tới thúc đẩy thỏa thuận thương mại giai đoạn 2 ngay sau khi thỏa thuận giai đoạn 1 hoàn tất. Bộ trưởng Tài chính Mỹ Steven Mnuchin từng hứa hẹn thỏa thuận giai đoạn 2 sẽ dỡ bỏ nhiều mức thuế quan trừng phạt giữa hai bên.
Nhưng mọi thứ đang tồi tệ đi khi dịch bệnh bùng phát, và trò chơi đổ lỗi giữa hai chính quyền nóng lên xóa mờ triển vọng đàm phán thỏa thuận giai đoạn 2.
Ông James Crabtree nhận định: “Hiện tại, tôi nghĩ rằng chúng ta đang cách rất xa thỏa thuận giai đoạn 2. Có thể sẽ có một số sự trì trệ trong thỏa thuận giai đoạn 1. Nhiều khả năng sẽ mất cả năm trời để bắt đầu thực hiện nội dung thỏa thuận một cách hiệu quả”.