Mỹ, Trung Quốc, Nhật Bản tăng mua, Việt Nam thu 14,5 tỷ USD nhờ bán dăm gỗ, viên nén, bàn ghế

K.Nguyên Thứ ba, ngày 13/12/2022 06:07 AM (GMT+7)
Xuất khẩu dăm gỗ, viên nén bất ngờ tăng trưởng mạnh nhờ sức mua lớn từ thị trường Nhật Bản, Trung Quốc.
Bình luận 0

Trung Quốc, Nhật Bản mua 95% lượng dăm gỗ của Việt Nam

Theo báo cáo của Hiệp hội Gỗ và Lâm sản Việt Nam, lượng và giá trị xuất khẩu dăm gỗ tăng mạnh trong năm 2022. Trong 10 tháng đầu 2022 lượng xuất khẩu dăm gỗ đạt 13,51 triệu tấn, tăng 18,5% so với cùng kỳ 2021, tương đương hơn 99% tổng lượng xuất khẩu của năm 2021. 

 Giá trị xuất khẩu dăm gỗ trong 10 tháng đầu năm 2022 đạt 2,35 tỷ USD, tăng 61,6% so với cùng kỳ 2021, tương đương hơn 135% tổng kim ngạch của năm 2021. 

Việc mở rộng kim ngạch xuất khẩu dăm gỗ trong thời gian vừa qua chủ yếu là do mức giá xuất khẩu tăng mạnh. Mức giá FOB xuất khẩu tăng từ khoảng 130 USD/tấn lên khoảng 200 USD/tấn vào giai đoạn tháng 8-10/2022.

Trung Quốc và Nhật Bản là thị trường nhập khẩu dăm gỗ lớn nhất của Việt Nam. Kim ngạch từ 2 thị trường này chiếm tới trên 95% trong tổng kim ngạch xuất khẩu dăm của Việt Nam.

Xuất khẩu dăm gỗ tăng đã đóng góp quan trọng vào sự tăng trưởng của xuất khẩu gỗ và sản phẩm gỗ.

Mỹ, Trung Quốc, Nhật Bản tăng mua, Việt Nam thu 14,5 tỷ USD nhờ bán dăm gỗ, viên nén, bàn ghế - Ảnh 1.

Trung Quốc và Nhật Bản là thị trường nhập khẩu dăm gỗ lớn nhất của Việt Nam. Kim ngạch từ 2 thị trường này chiếm tới trên 95% trong tổng kim ngạch xuất khẩu dăm của Việt Nam. Trong ảnh: Nguyên liệu dăm gỗ tại Công ty CP Năng lượng Dung Quất (Quảng Ngãi). Ảnh: K.N

Mỹ, Nhật Bản, Trung Quốc, EU và Hàn Quốc là 5 thị trường quan trọng nhất của xuất khẩu gỗ

Cục Xuất nhập khẩu (Bộ Công Thương) dẫn nguồn của Tổng cục Hải quan cho biết, trị giá xuất khẩu gỗ và sản phẩm gỗ trong tháng 11/2022 đạt 1,1 tỷ USD, giảm 8,3% so với tháng 10/2022 và giảm 14,6% so với tháng 11/2021. Trong đó, xuất khẩu sản phẩm gỗ ước tính đạt 713 triệu USD, giảm 8,1% so với tháng 10/2022 và giảm 23% so với tháng 11/2021.

Lũy kế từ đầu năm đến hết tháng 11/2022, trị giá xuất khẩu gỗ và sản phẩm gỗ ước đạt 14,6 tỷ USD, tăng 9% so với cùng kỳ năm 2021; Trong đó, trị giá xuất khẩu sản phẩm gỗ ước đạt 10,1 tỷ USD, tăng 0,8% so với cùng kỳ năm 2021.

Trong đó, đồ nội thất bằng gỗ luôn là mặt hàng xuất khẩu chính trong cơ cấu mặt hàng gỗ và sản phẩm gỗ xuất khẩu trong 10 tháng năm 2022, trị giá xuất khẩu của mặt hàng này tăng trưởng mạnh góp phần thúc đẩy ngành gỗ tăng trưởng khả quan. 

Mỹ, Nhật Bản, Trung Quốc, EU và Hàn Quốc là 5 thị trường quan trọng nhất của Việt Nam. Trong đó, kim ngạch từ thị trường Mỹ vượt xa kim ngạch từ các thị trường khác.

Theo tính toán từ số liệu thống kê của Uỷ ban thương mại quốc tế Mỹ (USITC), trong 9 tháng năm 2022, nhập khẩu đồ nội thất bằng gỗ của Mỹ đạt 19,8 tỷ USD, tăng 6,1% so với cùng kỳ năm 2021.

Xung đột thương mại, địa chính trị, gia tăng lạm phát thúc đẩy hàng hóa của Việt Nam trong đó có mặt hàng đồ nội thất bằng gỗ gia tăng thị phần tại Mỹ, bù đắp vào phần thiếu hụt từ Nga và Trung Quốc. Tuy nhiên, do vị trí địa lý xa, nhu cầu tiêu thụ của Mỹ chậm lại do tác động bởi lạm phát, khiến trị giá nhập khẩu mặt hàng đồ nội thất bằng gỗ từ Việt Nam giảm sút.

 Trong 9 tháng năm 2022, trị giá nhập khẩu đồ nội thất bằng gỗ của Mỹ từ Việt Nam đạt 7,2 tỷ USD, giảm 3,2% so với cùng kỳ năm 2021. 

Theo Cục Xuất nhập khẩu, Mỹ là thị trường tiêu thụ hàng hóa lớn nhất trên thế giới, đa dạng và có nhu cầu lớn đối với nhiều loại hàng hóa bởi đây là quốc gia đa chủng tộc, GDP bình quân cao và đặc biệt người dân ở Mỹ có thói quen mua sắm, dịch vụ tài chính phát triển. Đây là cơ hội để đẩy mạnh xuất khẩu hàng hóa tới thị trường Mỹ. 

Tuy nhiên, Mỹ được biết đến là quốc gia có hệ thống luật pháp phức tạp và nhiều rào cản kỹ thuật đối với thương mại. Liên tiếp trong những năm gần đây, các doanh nghiệp Việt Nam thường gặp khó khăn về tiêu chuẩn lao động và môi trường khi xuất khẩu hàng hóa sang thị trường này; các vụ kiện chống bán phá giá và chống trợ giá; hàng rào kỹ thuật … Mỹ tiếp tục thực hiện nhiều biện pháp và rào cản thương mại nhằm bảo vệ sản xuất trong nước.

Thêm vào đó, xuất khẩu hàng hóa sang Mỹ, các doanh nghiệp còn gặp phải khó khăn về chi phí và những đòi hỏi về tiêu chuẩn năng lực của doanh nghiệp. 

"Để tận dụng cơ hội và phát triển bền vững, doanh nghiệp phải chủ động nâng cao năng lực cạnh tranh, cải tiến công nghệ; nâng cao năng suất lao động; tích cực tham gia chuỗi sản xuất và cung ứng trong khu vực và toàn cầu; thực thi đầy đủ các quy định của cơ quan chức năng Mỹ, tránh vi phạm các quy định về đầu tư, lao động, môi trường, xuất xứ hàng hóa", Cục Xuất nhập khẩu khuyến cáo.

Mời các bạn đồng hành cùng báo Dân Việt trên mạng xã hội Facebook để nhanh chóng cập nhật những tin tức mới và chính xác nhất.
Tin cùng chuyên mục
Xem theo ngày Xem