Mỹ, Trung Quốc tăng mua nông sản của Việt Nam, nông nghiệp tăng trưởng cao nhất trong 10 năm

Khánh Nguyên (thực hiện) Thứ tư, ngày 18/08/2021 07:01 AM (GMT+7)
Theo Thứ trưởng Bộ NNPTNT Phùng Đức Tiến, trong điều kiện dịch Covid-19 đang có những diễn biến phức tạp, việc linh hoạt các kịch bản trong sản xuất, xuất khẩu nông sản là vô cùng cần thiết để không làm đứt gãy chuỗi cung ứng và duy trì tốc độ tăng trưởng của ngành.
Bình luận 0
Mỹ, Trung Quốc tăng mua nông sản của Việt Nam, nông nghiệp tăng trưởng cao nhất trong 10 năm - Ảnh 1.

Theo Thứ trưởng Phùng Đức Tiến, nhờ sự chủ động, luôn có các kịch bản ứng phó nên trong mọi tình huống ngành nông nghiệp vẫn vượt qua, đạt kết quả quan trọng và khẳng định vị trí trụ đỡ của nền kinh tế. Ảnh: N.C

Tốc độ tăng trưởng cao nhất trong 10 năm

Là ngành hàng được đánh giá chịu nhiều tác động do dịch Covid-19 nhưng trong 7 tháng năm 2021, ngành nông nghiệp vẫn đạt được kết quả tăng trưởng ấn tượng. Thứ trưởng đánh giá như thế nào về kết quả này?

- Việt Nam đang ở làn sóng dịch Covid-19 lần thứ tư, đợt dịch nào, nông nghiệp luôn là ngành chịu những tác động sớm nhất và dễ thấy nhất khi các biện pháp kiểm soát dịch nghiêm ngặt khiến dòng chảy cung ứng, tiêu thụ nông sản bị ảnh hưởng.

Tuy nhiên, nhờ sự chủ động, luôn có các kịch bản ứng phó nên trong mọi tình huống ngành nông nghiệp vẫn vượt qua, đạt kết quả quan trọng và khẳng định vị trí trụ đỡ của nền kinh tế.

Đơn cử như trong 7 tháng năm 2021, ngành nông nghiệp vẫn đạt tốc độ tăng trưởng 3,82%, cao nhất trong 10 năm qua. Xuất khẩu nông lâm thủy sản đạt 28,6 tỷ USD.

Mỹ, Trung Quốc, Nhật Bản là những thị trường xuất khẩu nông sản lớn nhất của Việt Nam.

Đáng chú ý, năng lực sản xuất của ngành rất lớn, đáp ứng đủ cho nhu cầu tiêu dùng trong nước và xuất khẩu.

Ví dụ, sản lượng lúa gạo trong 7 tháng năm 2021 đạt 23,7 triệu tấn; rau 10 triệu tấn; sản lượng thịt 3,2 triệu tấn với quy mô đàn lợn 27,5 triệu con, đàn gia cầm 520 triệu con...

Có được kết quả này là nhờ ngành nông nghiệp luôn chủ động các kịch bản, xây dựng kế hoạch sản xuất nhằm đảm bảo hạn chế tối đa thiệt hại do thiên tai, dịch bệnh; thường xuyên, liên tục đẩy mạnh mở cửa thị trường nông sản với các nước, tận dụng lợi thế từ FTAs để thúc đẩy xuất khẩu nông sản.

Bên cạnh đó, phối hợp với Đại sứ quán, thương vụ Việt Nam tại các nước xây dựng các kênh trao đổi, cung cấp thông tin các thị trường xuất khẩu trọng tâm như: Nhật Bản, Hàn Quốc, Mỹ, EU và Trung Quốc…

Tôi lấy ví dụ từ vụ vải thiều năm 2021 ở Bắc Giang, Hải Dương vừa qua. Chính nhờ linh hoạt các hình thức tiêu thụ mà các địa phương tiêu thụ 350.000 tấn vải thiều với giá cả ổn định, lần đầu tiên vải thiều được bán trên sàn thương mại điện tử, chưa bao giờ vải từ Bắc Giang vào Tây Ninh chỉ mất 2 ngày.

Dịch Covid-19 đặt ra những thử thách nhưng cũng là cơ hội để mỗi nông dân, doanh nghiệp thay đổi.

Linh hoạt các kịch bản giữ tăng trưởng nông nghiệp - Ảnh 1.

Chế biến cá tra xuất khẩu tại thành phố Cần Thơ. Ảnh: TTXVN

Linh hoạt các kịch bản giữ tăng trưởng nông nghiệp - Ảnh 2.

Bộ NNPTNT cũng là đơn vị thành lập rất sớm hai tổ công tác đặc biệt ở phía Bắc và phía Nam để chỉ đạo việc kết nối, tiêu thụ nông sản trong điều kiện dịch Covid-19. Thứ trưởng đánh giá như thế nào về hoạt động của 2 tổ công tác này?

- Ngay sau khi 19 tỉnh, thành phố phía Nam thực hiện giãn cách xã hội theo Chỉ thị 16, Bộ NNPTNT đã thành lập tổ công tác đặc biệt phía Nam do Thứ trưởng Trần Thanh Nam làm tổ trưởng, trực tiếp chỉ đạo vấn đề lưu thông, kết nối, tiêu thụ nông sản do khu vực này có sản lượng lúa gạo, trái cây, thủy sản đang vào vụ là rất lớn.

Trong khi đó, do các quy định về phòng chống dịch, việc lưu thông, vận chuyển nông sản gặp khó khăn, nguồn nhân lực thu hoạch nông sản thiếu hụt.

Để giải quyết những khó khăn trước mắt, Tổ công tác đã kết nối với các doanh nghiệp, hợp tác xã, trang trại với hơn 1.000 đầu mối kết nối, tiêu thụ nông sản, đến nay, những vấn đề khó khăn trong lưu thông đã cơ bản được tháo gỡ; các chuỗi ngành hàng có ảnh hưởng nhưng chưa bị đứt gãy.

Vấn đề lưu thông, vận chuyển vật tư đầu vào của sản xuất nông nghiệp cũng được thúc đẩy, bởi nếu không gỡ khó, nông sản không được thu mua có thể bị ảnh hưởng đến mùa sau.

Với các tỉnh phía Bắc, hiện không xảy ra tình hình đứt gãy chuỗi cung ứng nên Tổ công tác phía Bắc tập trung phối hợp với các địa phương thúc đẩy tăng trưởng sản xuất để đảm bảo đủ lương thực thực phẩm dự trữ, đồng thời có thể cung ứng cho các tỉnh phía Nam trong trường hợp bị thiếu hụt.

Đẩy mạnh sản xuất duy trì đà tăng trưởng

Từ nay đến cuối năm, việc duy trì được tốc độ tăng trưởng của ngành là nhiệm vụ nặng nề. Bộ NNPTNT sẽ ưu tiên cho những giải pháp gì để duy trì tốc độ tăng trưởng xuất khẩu, sản xuất của ngành, thưa Thứ trưởng?

- Hai tổ công tác đặc biệt vẫn phải duy trì tốt các đầu mối kết nối, tiêu thụ nông sản, miền Bắc đẩy mạnh sản xuất để bù đắp cho phía Nam.

Trước dịch diễn biến phức tạp như hiện nay, thì nguy cơ đứt gãy sản xuất nông nghiệp, chuỗi cung ứng là rất lớn, Bộ NNPTNT xác định cần tạo điều kiện thuận lợi cho các nhà máy chế biến nông lâm thủy sản, cơ sở giết mổ gia súc gia cầm, hoạt động các cảng cá, tàu đánh bắt hải sản,… vừa đáp ứng điều kiện phòng, chống dịch, vừa không làm đứt gãy chuỗi sản xuất, cung ứng, ảnh hưởng sinh kế của hàng nghìn hộ nông dân tại mỗi địa phương, cũng như đảm bảo an ninh lương thực, an sinh xã hội của cả nước và đảm bảo nguồn cung phục vụ xuất khẩu kể cả trước mắt và lâu dài.

Việc ưu tiên tiêm vaccine phòng Covid-19 cho các đối tượng tham gia chuỗi sản xuất, thu hoạch, sơ chế, chế biến, giết mổ và bảo quản, tiêu thụ nông sản, như: Các tổ thu hoạch nông lâm thủy sản, nhân lực vận hành xe, máy, thiết bị (phương tiện vận chuyển, máy gặt, làm đất, cấy; lò sấy, cơ sở chăn nuôi, giết mổ; chế biến thủy sản, cảng cá, lâm sản…), sản xuất, vận chuyển giống, vật tư nông nghiệp,… là rất cần thiết và cần được triển khai sớm. Bởi phía sau họ là hàng chục triệu hộ nông dân.

Để kích cầu sản xuất, động viên nông dân tiếp tục sản xuất đảm bảo kế hoạch và sản lượng lúa, giữ vững an ninh lương thực và một phần xuất khẩu, Bộ NNPTNT cũng đã kiến nghị Chính phủ triển khai thực hiện chương trình thu mua, dự trữ lúa gạo quốc gia để đảm bảo an ninh lương thực.

Bộ NNPTNT cũng đã có văn bản đề nghị các địa phương, các bộ ngành tạo điều kiện cho doanh nghiệp tổ chức sản xuất "3 tại chỗ"; Ngân hàng Nhà nước tạo điều kiện cho các doanh nghiệp vay vốn với lãi suất ưu đãi để thu mua tạm trữ lúa, nông sản cho nông dân.

Xin cảm ơn Thứ trưởng!


Mời các bạn đồng hành cùng báo Dân Việt trên mạng xã hội Facebook để nhanh chóng cập nhật những tin tức mới và chính xác nhất.
Tin cùng chuyên mục
Xem theo ngày Xem